Các đại biểu biểu quyết, thông qua Nghị quyết Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: nhandan.com.vn
Trong công tác xây dựng Đảng, về công tác cán bộ và trong hệ thống chính trị ở nơi này nơi khác vẫn còn có một bộ phận cán bộ không xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, lòng tin của nhân dân. Một số người sau khi được bổ nhiệm không chịu rèn luyện phấn đấu mà lo thu vén, háo danh, tắc trách, đùn đẩy, dễ làm, khó bỏ, bê bối sinh hoạt, lôi kéo bè cánh... dẫn đến suy thoái tư tưởng chính trị, tư tưởng, đạo đức. Trong công tác, nhiều việc cấp dưới không chủ động giải quyết lại đùn đẩy “xin ý kiến” cấp trên, chờ có chỉ đạo mới làm. Đó chính là hiện tượng “lâm sàng” của “căn bệnh trì trệ” - một trong những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Căn bệnh trì trệ dễ nhận thấy ở cơ quan, địa phương, nhất là ở cấp cơ sở, những nơi tổ chức Đảng, chính quyền yếu kém. Biểu hiện rõ nhất là những chỉ đạo của cấp trên chậm triển khai, kéo dài, chậm xử lý như: Cổ phần hóa, xử lý các dự án thua lỗ, giải ngân đầu tư công, cắt giảm thủ tục hành chính...
Nhiều cơ quan kêu ca thiếu kinh phí nhưng được cấp vốn lại chậm triển khai, giải ngân không đúng tiến độ, đầu tư công tỉ lệ giải ngân quá thấp, triển khai cầm chừng, chỉ đến khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt mới bắt tay vào làm. Những nơi có chức năng, thẩm quyền kiểm tra, giải quyết nhưng để dây dưa, kéo dài, không xử lý dứt điểm như vụ xử lý cưỡng chế khu chung cư cao cấp số 8b Lê Trực (Hà nội) là điển hình, khiến cho việc kéo dài từ 2015 đến nay chưa xử lý dứt điểm.
Mới đây, tỉnh Vĩnh Phúc đình chỉ cùng lúc 8 cán bộ lãnh đạo trong phòng chống COVID-19 từ biểu hiện của trì trệ, tắc trách trong thực hiện nhiệm vụ chống dịch của cán bộ địa phương.Tình trạng trì trệ, kém hiệu quả như đồng chí Nguyễn Xuân Phúc (khi còn là Phó Thủ tướng Chính phủ) đã đề cập đến một bộ phận công chức làm việc cầm chừng, thiếu trách nhiệm, “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Những biểu hiện đó ảnh hưởng không nhỏ đến thực thi nhiệm vụ, hiệu quả quản lý, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của đất nước, đời sống Nhân dân.
Muốn chữa được căn bệnh cần phải xác định nguyên nhân và tìm giải pháp tích cực nhất. Bệnh phát sinh có nhiều lý do nhưng quan trọng nhất là ý thức chủ quan của cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nơi nào lãnh đạo thiếu gương mẫu, làm việc cầm chừng, tắc trách thì nơi đó cấp dưới dễ “noi theo”, ảnh hưởng đến chất lượng công việc và phong cách làm việc. Trì trệ trong công tác thường kéo theo trì trệ trong sinh hoạt, phấn đấu, nếu để kéo dài dễ nảy sinh những hệ lụy tiêu cực trong từng bộ phận. Từ tập thể nhỏ sẽ ảnh hưởng đến đơn vị lớn, đến phong trào chung và xu hướng phát triển chung trên bình diện quốc gia.
Bên cạnh đó, cơ chế làm việc, chế độ quy trách nhiệm và phong cách làm việc của đội ngũ đảng viên, cán bộ quản lý đang còn bất cập, thiếu quy chế gắn giữa khen thưởng và kỷ luật, làm cho căn bệnh dễ bị “nhờn thuốc”.
Ngay từ khâu quy hoạch, đề bạt phải chọn được những cán bộ có phẩm chất “vừa hồng, vừa chuyên”, trách nhiệm cao, đặt lợi ích tập thể lên trên hết. Cần có sự kết hợp đúng giữa tiêu chuẩn trình độ với năng lực thực tiễn, dám mạnh dạn, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Trong cơ chế làm việc cần bổ sung chuẩn hóa quy trình, ràng buộc trách nhiệm công vụ gắn với cơ chế bổ nhiệm cán bộ trong từng lĩnh vực. Cơ chế kiểm soát quyền lực đi đôi với giám sát, kiểm soát thực thi công vụ, kịp thời thay thế cán bộ kém năng lực, thiếu quyết đoán.
Ở mỗi cơ quan, bộ phận chuyên môn cần quy trình hóa khung pháp lý với những quy định, quy chế, chỉ tiêu rõ ràng, chặt chẽ đối với từng chức danh, từng lĩnh vực và phải được siết chặt bằng hiệu quả thực tế. Đề cao Quy định trách nhiệm nêu gương của đảng viên, nhất là người lãnh đạo, quản lý sự trở thành những tấm gương sáng cho cấp dưới noi theo.
Đất nước đang trên đà đổi mới, phát triển toàn diện với những định hướng lớn đã được Đại hội 13 vạch ra. Dù còn có nhiều khó khăn, phức tạp trong quá trình đi lên nhưng không thể để căn bệnh “trì trệ” tồn tại trong hệ thống chính trị. Cần sớm có “vắc xin” phòng bệnh trì trệ, sớm “điều trị” căn bệnh “trì trệ” bằng cơ chế hữu hiệu.
NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH