Tham nhũng là hệ quả trực tiếp của sự suy thoái đạo đức, lối sống của những cán bộ, đảng viên đảm nhiệm những trọng trách liên quan đến quyền và (đồng thời là) tiền. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nêu những biểu hiện cụ thể: “Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực và còn: “Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”.
1. Tham nhũng gắn liền với quyền lực. Nó như một loại “vi rút” của quyền lực, có thể gây nhiều bệnh tật nghiêm trọng cho hệ thống. Nạn tham nhũng, tệ quan liêu và nhũng nhiễu để vòi “ăn” hối lộ đã và đang gây bức xúc dư luận, làm nhụt chí các nhà đầu tư. Những nơi xảy ra tham nhũng, hối lộ phổ biến nhất là những khu vực có những hoạt động độc quyền: hệ thống thu thuế, hải quan, cảnh sát, các cơ quan có quyền ban hành các giấy phép, nhất là giấy phép cho xây dựng và các quyết định quy hoạch đất đai, các giấy phép kinh doanh cho tới các loại giấy phép khác. Tham nhũng còn xảy ra phổ biến tại những nơi có thể dễ dàng “rút ruột” công trình mà không bị kiểm soát: các dự án, các đơn đặt hàng đầu tư công của Nhà nước...
Tham nhũng còn hiện ra trong việc “tận dụng cơ hội” bổ nhiệm những người thân (gia đình, bà con họ hàng, bạn bè) vào các chức vụ ở các cơ quan có nhiều cơ hội “thu lợi nhuận”. Kiểu/loại tham nhũng này được “nhận mặt chỉ tên” là tham nhũng quyền lực. Những biểu hiện của loại/kiểu tham nhũng này cũng đã được nêu cụ thể trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII): “Vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”, chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích”.
Với bộ mặt khác, hối lộ đã tinh vi hơn và khó phát hiện hơn, không chỉ trực tiếp và bằng tiền mặt mà có thể gián tiếp qua tour du lịch đắt tiền, qua học bổng, đội lốt nhiều hình thức “quà tặng” giá trị cao... Ở cấp độ nhẹ hơn, nhưng phổ biến hơn và tác động trực tiếp gây ra nhiều bức xúc trong xã hội là những cán bộ đòi mức “bồi dưỡng riêng” quá lớn cho những dịch vụ độc quyền của Nhà nước - như chứng nhận bằng các con dấu, cấp các loại giấy phép mà họ được uỷ quyền. Những công chức cấp dưới lại phải chi những khoản “hoa lợi” cho cấp trên của họ để duy trì hoặc cải thiện vị trí làm việc nhằm mưu thu lợi lớn hơn tạo thành một “vòng xoáy” có sức hút ngày càng lớn.
2. Tham nhũng, hối lộ chưa bị tiêu diệt nhưng người ta có thể kiềm chế nó bằng cách tác động đến những yếu tố có thể làm nó biến đổi. Một công thức đã được thừa nhận: Tham nhũng = Quyền lực độc quyền + Tùy ý định đoạt - Trách nhiệm (1). Công thức này chỉ ra những mặt cần can thiệp để có thể kiềm chế được tham nhũng; đồng thời cố gắng làm giảm bớt quyền lực độc quyền (bằng những cải cách định hướng thị trường), giảm quyền tuỳ ý định đoạt (bằng cải cách hành chính) và tăng cường tính trách nhiệm (thông qua các cơ chế giám sát) của các quan chức để bất cứ một công việc gì cũng phải gắn với trách nhiệm của một người nào đó.
Theo một nghiên cứu khác: Tham nhũng = Độc quyền + Tuỳ tiện quyết định + Thiếu công khai (2). Độc quyền dẫn đến việc tự quy định giá và chỉ bán khi được giá. Tùy tiện dẫn tới việc các quan chức có thể tùy ý trả lời “có” hoặc “không” hoặc bao nhiêu tiền mà không bị khiếu kiện. Bí mật thể hiện sự không thể kiểm soát nổi các thoả thuận. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng do vậy phải thông qua việc không ngừng giảm bớt những độc quyền, hạn chế sử dụng quyền hành một cách tuỳ tiện và nhất là phải thiết lập sự công khai hoá ngày càng cao trong các lĩnh vực của đời sống xã hội vì “thông tin là kẻ thù số một của lậu thuế”. Quá trình thực hiện những mục tiêu đó phải thường xuyên được đánh giá bằng các báo cáo trung thực, những tiến bộ cụ thể sẽ xác nhận những lời cam kết. Mặt khác, cần xã hội hoá và tạo dư luận xã hội mạnh mẽ để thúc đẩy công việc quan trọng và cấp bách này.
Trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, chúng ta đang tập trung giải tỏa những bức xúc xã hội, cho nên chống tham nhũng như một yêu cầu cấp thiết. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nêu quyết tâm: “... trước mắt tập trung xử lý dứt điểm các vụ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội và Nhân dân quan tâm và công khai kết quả xử lý”. Để thực hiện tốt điều này, trước hết trong Đảng cần: “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng. Cấp uỷ các cấp chỉ đạo nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên; đồng thời, tiến hành rà soát, sàng lọc và đưa ngay những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng”; trước xã hội và Nhân dân phải: “Thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định; xây dựng và hoàn thiện cơ chế giải trình và giám sát việc tăng giảm tài sản của cán bộ, đảng viên. Cơ quan đề xuất đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải tiến hành thẩm định, xác minh, đánh giá tính trung thực của việc kê khai tài sản, thu nhập và công khai theo quy định” (trích Nghị quyết) - như những giải pháp cấp thiết.
TS. NGÔ VƯƠNG ANH