Bác Hồ nói chuyện tại buổi khai mạc lớp tập huấn cán bộ Dân Chính Đảng các cơ quan Trung ương. Ảnh: Internet
Sau một nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), BCH Trung ương Đảng khóa XII đánh giá: “Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng đã tạo được những chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị. Quá trình tự phê bình và phê bình đã góp phần đấu tranh với những suy nghĩ và hành vi sai trái nhằm cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực”. Mặc dù vậy, với tinh thần “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật”, chúng ta thấy rằng: “Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI), một số việc chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra”. Đặc biệt, việc thực hiện kiểm điểm theo tinh thần và hướng dẫn của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) ở các tổ chức đảng thông qua thực hiện tự phê bình và phê bình nhằm phát hiện các khuyết điểm, khắc phục các hậu quả để xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn chưa tốt.
Bởi vậy, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã nghiêm khắc đánh giá về những điều còn bất cập đó: “... nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm, chưa có cơ chế để bảo vệ người đấu tranh phê bình”; “Tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao”; “Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng”.
Chúng ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đồng thời với việc tiếp tục đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, đọc lại những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình càng thấy thêm giá trị, thấy thêm sự sâu sắc trí tuệ và ấm áp tình cảm từ những dòng súc tích của Người.
Tự phê bình và phê bình được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi “là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh”, để Đảng đoàn kết chặt chẽ, để nâng cao trình độ và năng lực lãnh đạo của Đảng, để Đảng làm tròn sứ mệnh lịch sử trước dân tộc, trước Nhân dân. Trong những ngữ cảnh khác, Người nói rõ hơn, sinh động hơn, dí dỏm hơn - ví khuyết điểm như bệnh tật, ví phê bình như uống thuốc: “Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy hiểm đến tính mạng” và Người nhấn mạnh: “Một Đảng mà giấu diếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận những khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường đặt tự phê bình lên trước phê bình. Người cho rằng, mỗi đảng viên trước hết phải tự mình thấy rõ mình để khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Tự phê bình tốt mới có thể phê bình tốt. Người nhấn mạnh tinh thần gương mẫu tự giác của mỗi cán bộ đảng viên. Cán bộ đảm nhiệm cương vị càng cao, trách nhiệm càng lớn, càng phải gương mẫu tự phê bình và phê bình. Phải thường xuyên và tự giác tự phê bình và phê bình như soi gương rửa mặt hàng ngày. Với mỗi cán bộ đảng viên, “Muốn thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích”. “Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được”.
Đối tượng của tự phê bình và phê bình là việc chứ không phải là người. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường lưu ý đảng viên và các cấp bộ đảng phải “Luôn luôn dùng và khéo dùng cách phê bình và tự phê bình”. Người phê phán thái độ lệch lạc, sai trái thường xảy ra khi tự phê bình và phê bình như thiếu trung thực, che giấu khuyết điểm của bản thân khi tự phê bình, sợ phê bình, nể nang né tránh, dĩ hoà vi quý, hoặc ngược lại lợi dụng phê bình để nói xấu, đả kích, vùi dập người khác. Trong phê bình và tự phê bình phải có sự chân thành, lý lẽ phải phân minh, nghĩa tình phải đầy đủ và quan trọng nhất là phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.
Nhìn rõ thực trạng và quyết tâm khắc phục những bất cập, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã xếp các giải pháp về công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình ở vị trí số 1 trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhấn mạnh việc phải: “Xây dựng quy định tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm và bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh”.
Để việc tự phê bình và phê bình có hiệu quả cần hành động từ cả hai chiều: Chiều “từ trên xuống” - từ cấp trên chỉ đạo sâu sát và trực tiếp việc phê bình, kiểm điểm, đặc biệt là ở những nơi có vấn đề phức tạp, đồng thời với chiều “từ dưới lên” - thực hiện tốt việc cán bộ, đảng viên tự phê bình và phê bình trước quần chúng để quần chúng có thể trực tiếp tham gia góp ý nhận xét từng cán bộ, đảng viên về phẩm chất, năng lực cũng như mức độ hoàn thành công việc được giao một cách cụ thể và chính xác.
Phê bình và tự phê bình không phải và không thể là cái gì đó đáng sợ, cũng không phải là công việc hình thức, làm chiếu lệ qua loa cho xong chuyện. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trên Báo Nhân Dân: “Phê bình không phải chỉ để có phê bình mà cần phải đi đến sửa chữa những khuyết điểm đã nêu ra nếu những khuyết điểm đó đúng... Có như thế thì phê bình mới có ích”.
Điều này luôn đúng với mọi người, với mọi việc trong công tác xây dựng Đảng hôm nay.
TS. Ngô Vương Anh