Bỏ phiếu lựa chọn những nhân sự đủ đức, đủ tài (ảnh minh họa). Ảnh: Võ Nhân
Phỏng vấn một nhóm người dân là công chức, viên chức, doanh nhân và trí thức, chúng tôi đã nhận được câu trả lời: Họ quan tâm đến Đảng và Đại hội Đảng là vì quan tâm đến vận mệnh quốc gia, dân tộc. Nhiều người nói thật lòng: Trước đây, họ không quan tâm lắm đến chính trị, cũng như “đại hội là chuyện của Đảng”, nhưng bây giờ họ thật sự quan tâm, vì ấn tượng với cuộc chống tham nhũng đang diễn ra, với câu nói nổi tiếng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “lò nóng rồi, củi tươi cũng phải cháy!”.
Tổng kết nhiệm kỳ của Đại hội XII và 35 năm đổi mới, trong nội dung báo cáo văn kiện Đại hội XIII doTổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tại Đại hội XIII, đã nhấn mạnh đến kết quả đầu tiên: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đặc biệt coi trọng. “Công tác kiểm tra, giám sát và đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được triển khai quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá và đạt những kết quả cụ thể, rõ rệt”.
Nếu như trước đó cuộc chống tham nhũng thường gặp cản trở vì lo ngại “chống quyết liệt sẽ không còn cán bộ để làm việc”, thì chiến dịch “đốt lò” đã cho thấy, nếu không phòng chống tham nhũng quyết liệt sẽ không còn chỗ cho cán bộ tử tế làm việc.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cuối tháng 7/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã xác định: Không sợ thiếu cán bộ. Ông nhấn mạnh: “Phải kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước những cán bộ hư hỏng, tham nhũng. Đại hội là một dịp để sàng lọc cán bộ. Ai xứng đáng thì làm, không thì thôi, không sợ thiếu cán bộ”.
Trong năm bài học kinh nghiệm được rút ra từ nhiệm kỳ vừa qua, thì bài học đầu tiên vẫn là “xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần thường xuyên, quyết liệt, hiệu quả”. Chỉnh đốn Đảng chính là kiểm soát quyền lực, đấu tranh phòng chống tham nhũng. Tham nhũng chỉ xuất hiện khi quyền lực bị lạm dụng để trục lợi. Kiểm soát sự lạm quyền chính là kiểm soát cán bộ, vì người lạm quyền để trục lợi đương nhiên là cán bộ đang nắm quyền.
Theo báo cáo của Tòa án Nhân dân tối cao, trong nhiệm kỳ vừa qua, tòa án đã đưa ra xét xử 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, với 14.540 bị cáo. Lần đầu tiên, có cán bộ cấp cao là Ủy viên Bộ Chính trị đã bị tuyên án tù vì tội tham nhũng. Tất nhiên, chẳng ai xem kết quả chống tham những là “thành tựu”, nhưng nếu không có cuộc “đốt lò” quyết liệt và hiệu quả đó, thì mọi thành tựu kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua thật khó mà đạt được.
Vì vậy, Đại hội XIII đã xác định nhiệm kỳ tới phải thực hiện thật tốt các nhiệm vụ đã đề ra, và nhiệm vụ đầu tiên là “tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng”. Một trong những giải pháp để thực hiện nhiệm vụ đó chắc chắn phải là: phòng chống tham nhũng.
Tham nhũng luôn phát sinh trong quá trình vận hành quyền lực. Không một quốc gia hay thể chế chính trị nào mà không có tham nhũng. Vì vậy, vấn đề mà người dân trong nước cũng như cộng đồng thế giới quan tâm, chính là cơ chế phòng và chống tham nhũng của các quốc gia. Quan trọng hơn nữa, đó là ý chí và đạo đức của lãnh đạo quốc gia, có thật tâm phòng chống tham nhũng hay không.
Phòng chống tham nhũng vẫn là nhiệm vụ hàng đầu trong nhiệm kỳ tới. Mà không chỉ nhiệm kỳ tới, nhiệm vụ đó phải được hình thành như một cơ chế mặc nhiên phải có. Nếu không có cơ chế kiểm soát quyền lực thật tốt, hoặc cơ chế kiểm soát đó vận hành không tốt, thì điều gì sẽ đến, ai cũng có thể nhìn thấy.
Giáo trình về chính trị học của thế giới đã viết: Tham nhũng làm chậm sự phát triển kinh tế-xã hội, làm giảm lòng tin của người dân vào Nhà nước, và đến chừng mực nào đó nó sẽ gây mất ổn định chính trị.
DƯƠNG XUÂN