ClockThứ Năm, 21/12/2023 07:07

Phòng, chống tham nhũng - đề tài hay và mới

TTH - Trại sáng tác văn học nghệ thuật (VHNT) với chủ đề “Phòng, chống tham nhũng” do Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh tổ chức đã mở ra cho các văn nghệ sĩ cơ hội lần đầu tiếp xúc với một mảng đề tài nhạy cảm, nhưng không kém phần hấp dẫn.

Khai mạc trại sáng tác văn học nghệ thuật về phòng, chống tham nhũng

 Nhạc sĩ Trần Đại Dũng trình bày sáng tác của mình tại lễ bế mạc trại sáng tác VHNT với chủ đề "Phòng, chống tham nhũng"

Đây là lần đầu tiên Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh tổ chức một trại sáng tác VHNT lấy chủ đề về phòng, chống tham nhũng. Trại sáng tác có sự tham gia của 15 văn nghệ sĩ đến từ 4 hội chuyên ngành thành viên. Kết thúc trại sáng tác, Ban tổ chức nhận được 53 tác phẩm, trong đó nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, đã phản ánh được sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các tác phẩm cũng đã thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo với nhiều phong các khác nhau của các văn nghệ sĩ trong việc thể hiện một đề tài không hề dễ dàng này.

Nhà văn Nguyễn Thị Duyên Sanh với truyện ngắn “Phía mưa tan” và nhà văn Nguyễn Đức Sĩ Tiến với truyện ngắn “Đừng để hỏng mất thằng con”, với nội dung đề cập đến vấn đề hậu quả của hành vi tham nhũng đối với bản thân người trong gia đình và cộng đồng, qua mạch văn quyết liệt nhưng cũng đẫm chất nhân văn. Nhà văn Đặng Văn Sử qua truyện ngắn “Sập bẫy nhau” tưởng chừng kể về một câu chuyện nhỏ trong xóm làng qua các tuyến nhân vật với thân phận tưởng chừng như nhỏ bé trong xã hội, nhưng cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn “phong bì” đã len lỏi ở nhiều ngõ ngách của đời sống.

Nhà thơ Văn Công Toàn góp mặt ở trại sáng tác qua 5 bài thơ nói trực diện những cảm xúc của mình về thực tại tệ tham những đang hiện hữu trên mọi miền đất nước. Ngòi bút của anh không ngại nói thẳng vào những vấn đề “nóng”, mà còn thể hiện sự quyết tâm loại bỏ chúng ra khỏi đời sống xã hội. Chẳng hạn, anh đã viết: “…Đồng thanh tương ứng đốt lò/ Củi tươi cùng với củi khô cháy bùng/ Sự đời lợi ích của chung/ Hơn nhau một tiếng anh hùng thảo thơm!” (Bài Tiếng vọng phòng, chống tham nhũng).

Nhà thơ Triệu Nguyên Phong thì tiếp cận về đề tài này bằng một cung bậc khác. Những bài thơ của anh là những nỗi niềm tâm sự thao thức muốn có những con người đủ đức đủ tài để lo cho dân cho nước. Chẳng hạn trong bài Dáng đứng – cây tre, anh viết: “Ta nằm nghe gió bước ngang/ Cây tre gánh nắng non ngàn hai vai/ Quan không có đủ đức tài/ Thôi thì lui lại đứng ngoài hiên mây/ Lắm người tài giỏi tâm dày/ Đèn chong thức trắng đêm ngày nhặt thưa…”.

Tác giả Nguyễn Văn Vũ với bài viết “Lạm bàn về việc phòng, chống tham nhũng” đã đề cập hết sức sâu sắc về nạn tham nhũng. Tình trạng tham ô, lãng phí, tiêu cực và tham nhũng tại Việt Nam diễn ra trong nhiều thập niên qua, xảy trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội và ở tất cả các ngành, các cấp. Tham nhũng, lãng phí đã gây ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội và làm giảm niền tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước. Tác giả khẳng định: “Để việc phòng, chống tham nhũng có hiệu quả thì phải xây dựng được một Nhà nước pháp quyền vững mạnh; đào tạo được một đội ngũ lãnh đạo, quản lý có trình độ, có đạo đức; công khai, minh bạch các quy trình hành chính và tiến trình đầu tư của Nhà nước; công tác thanh tra, kiểm tra phải thực hiện kịp thời, chính xác”.

Việc phòng, chống tham nhũng của người xưa như Đặng Huy Trứ, Chu Văn An, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Giai… và cả những giai thoại về phòng, chống tham nhũng của các bậc tiền nhân cũng được kể lại bởi nhóm tác giả của Hội Văn nghệ dân gian, gồm nhà văn Lê Vũ trường Giang và nhà nghiên cứu Nguyễn Thế.

Nghệ sĩ Nguyễn Văn Thanh của Hội Sâu khấu kết thúc trại sáng tác bằng 1 tiểu phẩm vui với nhan đề “Bôi trơn”. Nghệ sĩ Nguyễn Văn Thanh chia sẻ, tệ tham nhũng tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, đó nhiều không phải là loại tham nhũng lớn nằm ở tầng lớp cấp cao, mà đôi khi đó còn là một loại “tham nhũng vặt”. Đặc trưng của tham nhũng vặt là giá trị vật chất của hối lộ không lớn, thường chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, song xảy ra khá phổ biến, gần như trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Qua tác phẩm của mình, tác giả muốn phản ánh tình trạng trên, đồng thời cũng là lời nhắn nhủ: “Việc phòng, chống tham nhũng không hề đơn giản, phải cần có cái tâm, cái tầm và việc phòng, chống tham nhũng không phải hết sức cẩn trọng, không để vơ đũa cả nắm. Muốn như vậy, phải tích cực thực hiện các giải pháp phòng, ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, đồng thời bảo vệ, phát huy được nhân tố tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Phát huy được vai trò của Nhân dân, xã hội như Mặt trận, các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội... trong phòng, chống tham nhũng nói chung và tham nhũng vặt nói riêng”.

Hội Âm nhạc tham gia trại sáng tác với 4 tác giả là Trần Đại Dũng, Việt Đức, Nguyễn Đình Trung và Phạm Phước Nghĩa. Các anh đã cho ra đời 5 tác phẩm với dòng cảm hứng chủ đạo vẫn là những thanh âm vẫy gọi mọi người chung tay phòng, chống tham nhũng, trong đó đề cao vai trò của nhân dân và việc học tập và làm theo lời Bác.

Theo nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh, do hạn chế về thời gian, có thể có những tác phẩm còn thể hiện sự “viết vội” hay chưa đi vào khai thác thêm những chiều sâu về đề tài này, nhưng trên hết, kết quả bước đầu của sự lao động sáng tạo của các văn nghệ sĩ trong một thời gian ngắn như vậy là rất đáng trân trọng. Ông cũng tin tưởng rằng trong thời gian tới các văn nghệ sĩ sẽ có thêm nhiều tác phẩm tầm vóc hơn nữa về đề tài này.

 

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Năm của văn học nghệ thuật Huế

Trong năm 2023, các văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế đã hoạt động sôi nổi song hành cùng những sự kiện đáng chú ý của văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh nhà.

Năm của văn học nghệ thuật Huế
Return to top