Đông đảo học giả, các nhà nghiên cứu Hồ Chí Minh học đã tham dự, đóng góp nhiều ý kiến cho Ban Biên tập Tạp chí.
Thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chúc mừng Ban Biên tập, đội ngũ cộng tác viên và đông đảo bạn đọc của Tạp chí.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Lễ ra mắt. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: Việc ra đời Tạp chí Nghiên cứu Hồ Chí Minh là một chủ trương đúng đắn, một nhiệm vụ có ý nghĩa vừa cấp thiết, vừa lâu dài, nhằm đáp ứng yêu cầu chung của đất nước là đẩy mạnh nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đấu tranh chống những quan điểm sai trái, phản động, bảo vệ, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng; đồng thời nghiên cứu, tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước - những học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tạp chí sẽ là một thành viên mới quan trọng trên diễn đàn nghiên cứu và phát triển lý luận của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.
Bên cạnh đó, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng cũng cho rằng, trong tình hình bùng nổ thông tin như hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Hồ Chí Minh sẽ phải khắc phục không ít khó khăn và thách thức. Để từng bước khẳng định và nâng cao vị thế của mình, Tạp chí cần không ngừng nâng cao chất lượng, đảm bảo truyền tải những nội dung mang tính khoa học, tính Đảng, đồng thời có tính thời sự, thiết thực, hữu ích và hấp dẫn độc giả cả về nội dung và hình thức.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, sự ra đời Tạp chí là cột mốc đánh dấu sự phát triển quan trọng của Viện, đặc biệt là trong lĩnh vực hoạt động báo chí. Do đó, Tạp chí cần có những nội dung mang tính khoa học cao để trở thành một Tạp chí uy tín, thể hiện rõ tư tưởng của Hồ Chí Minh, đặc biệt là quan niệm của Hồ Chí Minh về suy thoái đạo đức - nhìn từ góc độ văn hóa Đảng.
Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Xanh, người nghiên cứu lịch sử về Hồ Chí Minh cho rằng, việc ra đời một tạp chí chuyên nghiên cứu Hồ Chí Minh đã đáp ứng được rất nhiều ý nghĩa và mong đợi của các nhà nghiên cứu về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Các chuyên mục trong Tạp chí đầy đủ, chi tiết, nêu đúng tên gọi của Tạp chí. Giáo sư Phạm Xanh đề xuất, Ban Biên tập Tạp chí mở thêm chuyên mục Học và làm theo lời Bác để tạo sự gần gũi với nhân dân.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Triết học Hoàng Chí Bảo, với những học viên cao học và nghiên cứu sinh, đây sẽ là diễn đàn khoa học giúp thể hiện những suy nghĩ, cách tiếp cận của những nhà nghiên cứu trẻ hiện nay. Giáo sư Hoàng Chí Bảo mong muốn Ban Biên tập tạo mọi điều kiện để các học viên, nhà nghiên cứu trẻ của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có cơ hội nêu lên những ý kiến đóng góp trong công tác nghiên cứu Hồ Chí Minh, tiếp nối sự nghiệp nghiên cứu của các nhà khoa học tiền bối.
Tạp chí Nghiên cứu Hồ Chí Minh được xuất bản ba tháng/kỳ là sự tiếp nối và phát triển Đặc san “Hồ Chí Minh học” được xuất bản từ quý I/2011. Tạp chí dự kiến đăng tải các bài nghiên cứu thuộc những chuyên mục: Tư tưởng Hồ Chí Minh; Tiểu sử Hồ Chí Minh; Học tập, vân dụng, phát triển di sản Hồ Chí Minh; Tiểu sử, sự nghiệp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Thế giới viết về Hồ Chí Minh; Nhận diện và đấu tranh chống các quan điểm sai trái, xuyên tạc…
Theo TTXVN