Sáng nay (26/8), tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban Kinh tế-Xã hội chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XIII chủ trì Hội nghị xin ý kiến các cán bộ nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào các dự thảo văn kiện. Nhấn mạnh văn kiện Đại hội chính là kết tinh trí tuệ, tiềm năng, sức mạnh của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, Thủ tướng cho rằng, cần chắt lọc những ý kiến tinh hoa, tinh túy nhất của các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học..., đặc biệt là ý kiến của các cán bộ nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tiếp tục hoàn thiện dự thảo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị
Cùng dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng cảm ơn các cán bộ nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn theo dõi tình hình đất nước, hỗ trợ Đảng, Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.
Thủ tướng mong muốn tại hội nghị này, Tiểu ban được lắng nghe các ý kiến tâm huyết vào Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 và Phương hướng phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là những ý kiến rất quan trọng, bởi các cán bộ nguyên lãnh đạo là những người giàu kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của Đảng, Nhà nước; luôn trăn trở trước những vấn đề lớn của đất nước, những khó khăn của nhân dân.
“Xây dựng văn kiện là vấn đề hệ trọng, mang tính quyết định đến tương lai phát triển của đất nước trong 5 đến 10 năm tới, đến năm 2030, 100 năm thành lập Đảng, tầm nhìn đến năm 2045, dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Từ kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, từ giải quyết các vấn đề đối nội đến vấn đề đối ngoại trong bối cảnh quốc tế diễn biến khó lường. Chính vì vậy ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo hôm nay góp phần quan trọng hoàn thiện những quan điểm, định hướng phát triển, cả tầm chiến lược và sách lược trên các lĩnh vực; đồng thời củng cố sự tin tưởng, sức mạnh của sự đoàn kết thống nhất, gắn bó, tính kế thừa với tinh thần trách nhiệm cao giữa các thế hệ lãnh đạo trong Đảng, Nhà nước ta, tất cả vì dân, vì nước, vì tương lai tươi sáng của dân tộc”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo về nội dung lớn của dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm và Phương hướng phát triển kinh tế xã hội 5 năm và xin ý kiến góp ý về các nội dung này.
Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh đến kết quả quan trọng của kinh tế xã hội đất nước sau hơn 30 năm đổi mới, đồng thời phân tích bối cảnh phức tạp của thế giới, tình hình trong nước với những vấn đề đặt ra. Trong bối cảnh đó, cả yêu cầu nội tại và yêu cầu từ bên ngoài để tránh tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển, đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn, hiệu quả hơn.
Quang cảnh hội nghị.
Xuất phát từ yêu cầu đó, Thủ tướng cho biết, Tiểu ban đã thảo luận, nghiên cứu kỹ lưỡng và đề xuất mục tiêu chiến lược, quan điểm phát triển, đột phá chiến lược, định hướng- giải pháp trọng tâm trong 5-10 năm tới, tầm nhìn đến năm 2045. Mong muốn các vị nguyên lãnh đạo cho ý kiến về các nội dung này, Thủ tướng cho rằng, các nhận định đúng và trúng về tình hình quốc tế và trong nước sẽ giúp đất nước không bỏ lỡ cơ hội, tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là những ngành mà Việt Nam đang có lợi thế như nông nghiệp, chế biến chế tạo ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, dịch vụ du lịch...
Thủ tướng cho biết, sau khi được Trung ương giao nhiệm vụ, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội đã xây dựng kế hoạch tổng thể các hoạt động, triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ công việc được giao. Tiểu ban yêu cầu các địa phương, bộ, ngành tổng kết, báo cáo; giao cơ quan và các viện nghiên cứu, các trường đại học triển khai nghiên cứu 42 chuyên đề khoa học; tổ chức 6 buổi làm việc với các địa phương của 6 vùng cả nước; tổ chức nhiều buổi hội thảo lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước.
Thủ tướng nhấn nhấn mạnh, tinh thần xây dựng dự thảo văn kiện là không làm trong phòng lạnh mà phải làm từ thực tiễn cuộc sống, từ khát vọng của nhân dân, từ yêu cầu phát triển của đất nước. Tiểu ban phải xây dựng dự thảo văn kiện với tinh thần Đảng chấp nhận, dân phấn khởi, quốc tế đánh giá cao.
Theo VOV