Chính phủ cần làm đúng chức trách của mình
Theo ông Thang Văn Phúc, công cuộc này đã theo đuổi gần 20 năm, chuyển từ nhà nước trực tiếp, Chính phủ trực tiếp sang gián tiếp. Tinh thần này cũng đã được thể hiện trong nhiều nghị quyết gần đây.
Tư tưởng của Thủ tướng về Chính phủ kiến tạo, phát triển là tạo ra môi trường, thể chế phù hợp để toàn xã hội, từng cấp hành động và làm được, chứ không phải đưa ra lời kêu gọi. Chính vì vậy, phải kiên quyết tách quản lý hành chính nhà nước ra khỏi doanh nghiệp, bỏ chủ quản, tách đơn vị sự nghiệp công ra tự chủ…
“Như vậy bộ máy mới gọn nhẹ, chứ bây giờ cứ ôm tất từ Trung ương đến địa phương thì tài thánh cũng không thể giảm được bộ máy, biên chế”, ông nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc. Ảnh: dantri.com.vn
Ông Thang Văn Phúc cho rằng nếu đồng bộ hóa được những vấn đề có tính kỹ trị, có tính kỹ thuật quản lý với các tư tưởng phân rõ chức năng, nhiệm vụ thì mới giải được bài toán nặng nợ “bộ máy vẫn phình và biên chế vẫn lớn”. Nếu sửa luật phải làm rõ việc Chính phủ, Trung ương làm gì, còn lại của địa phương.
“Tôi theo đuổi việc này từ Nghị quyết Trung ương 7 khóa VIII. Năm 1999 đã đề xuất trong giai đoạn 2001 - 2010 sắp xếp còn dưới 20 bộ là hợp lý. Có lẽ xu hướng này Chính phủ khóa XIII vẫn tiếp diễn. Các nước phát triển họ chỉ có 10 - 12 bộ thôi, đặc biệt có Thuỵ Sỹ chỉ 7 bộ. Phải xử lý mối quan hệ Chính phủ - Thủ tướng - Bộ trưởng. Đây là điều quan trọng, nếu không rõ thì mọi chuyện đều đẩy lên Thủ tướng, Chính phủ, dù việc rất nhỏ”, ông nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng nêu quan điểm Chính phủ cần làm đúng chức trách của mình, làm vĩ mô, chính sách, những vấn đề lớn, chiến lược, còn lại điều hành là Thủ tướng, nhưng điều hành trên từng lĩnh vực một thì Bộ trưởng là người đứng đầu từng ngành, lĩnh vực, không phải lại trình lên Thủ tướng. Đã đến lúc phải làm rành mạch điều này. Nếu không rành mạch sẽ không rõ người, rõ việc, cuối cùng là quy trách nhiệm tập thể không xử lý được.
Ông cũng cho rằng các bộ phải kiên quyết sắp xếp lại cơ cấu bên trong, nghiên cứu tổ chức lại trên cơ sở khoa học và kỹ thuật quản lý. “Cái cần là phải làm mạch lạc để đề cao quyền chứ không cơ quan khác nói quyền ông Chính phủ to thế 24/24 giờ, còn Quốc hội xuân thu nhị kỳ… Nếu làm mạch lạc hệ thống tổ chức này, mới có cơ hội tinh gọn bộ máy, rõ về chức trách, trách nhiệm, mọi người mới làm đúng phận sự, chức trách của mình”.
Đẩy mạnh phân quyền
Nói về chính quyền địa phương, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, ngoài luật chính quyền địa phương, cần có luật về phân quyền. Nếu chỉ phân cấp theo kiểu cơ quan, tổ chức phân cấp thì vẫn chịu trách nhiệm. Ủy quyền thì chỉ một giai đoạn rất ngắn và không quan trọng, như vậy là vẫn ôm việc. Cần cương quyết đặt ra vấn đề phân cấp.
“Cần có một luật phân quyền một cách chính danh, chứ không phải cấp cơ sở đang phải hứng tất cả các nhiệm vụ, chạy theo bộ máy thôn, xã, tưởng quản trị được nhưng toàn chuyện tày đình xảy ra, hệ thống của anh làm gì, thực tiễn đó là điều chúng ta phải suy nghĩ, tính toán lại cho một hệ thống có hiệu quả. Trả lời được thì bộ máy sẽ thông suốt, hiệu quả. Nếu làm thế này, không tiếp cận mạnh mẽ thì mọi tội vạ lại đổ Bộ Nội vụ, mất nhiều công sức”, ông Thang Văn Phúc nhấn mạnh.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng Hiến pháp nói rất rõ, Bộ trưởng có 2 vai, 1 là thành viên Chính phủ, 2 là tư cách người đứng đầu trong lĩnh vực đó. Chúng ta hay nhấn mạnh vai trò bộ trưởng mà quên đi vai trò thành viên Chính phủ.
Tư tưởng cải cách là làm sao để càng lên trên càng ít việc, chứ không phải càng lên trên càng nhiều việc như hiện nay và chủ yếu tập trung vào những việc lớn, liên quan đến toàn dân, trách nhiệm cao, tránh giải quyết sự vụ, ông nói.
Ông cũng cho rằng “phải quy định có việc có người chính, người phụ và quy định người chủ trì trách nhiệm đến đâu, người phối hợp chịu trách nhiệm tới đâu, không để dung dăng dung dẻ dắt tay nhau. Chính phủ không thể nói phân cấp được.
Chính phủ là một tập thể gồm nhiều thanh viên. Thành viên Chính phủ có 2 trách nhiệm: cùng Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội nhưng bản thân họ phải chịu trách nhiệm riêng trong lĩnh vực của mình, phải đề cao như thế mới bỏ được khoản kính thưa, báo cáo, vì trách nhiệm không rõ ràng và sợ trách nhiệm”.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Chính phủ và chính quyền địa phương liên quan với nhau, nhưng “chúng ta hiện còn ôm đồm nhiều quá sinh ra quan liêu, sinh ra cơ chế xin - cho, không kiểm soát được thì sinh ra tiêu cực”. Ông nhìn nhận, muốn Chính phủ làm việc lớn thì phải tính đến mối quan hệ giữa Chính phủ và địa phương và tinh thần là phân định thẩm quyền mạnh cho địa phương, Trung ương chỉ tập trung vào những việc lớn.
Sửa 2 Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương phải đề cao tính trách nhiệm: trách nhiệm tập thể, trách nhiệm cá nhân, quyền đi đôi với trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm chính trị và trách nhiệm quản lý. Ông Bí thư để mất rừng thì phải kỷ luật, không thể nói không sao.
Cũng liên quan đến vấn đề phân quyền, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Hồng Thái, nguyên Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, cái gì đã phân quyền cho địa phương, cái đó là của địa phương, như vậy mới nâng cao được tính trách nhiệm, mới nói đến vấn đề tự quản, tự quyết của họ ở địa phương.
“Chúng ta có dám đề cập đến cái này không? Cái gì đã giao cho địa phương rồi thì xin mời Trung ương không được can thiệp, nếu có, có thể khởi kiện ra tòa án, mình có dám đi đến cùng thế không?”, ông đặt câu hỏi rồi đưa ra quan điểm: không đi đến cùng thì làm gì cũng phải xin ý kiến bên trên, đẩy việc lên, địa phương cũng không muốn tự chủ, không muốn chịu trách nhiệm.
“Các anh nói trách nhiệm chính trị, nhưng không xác định đấy là việc của họ, không cho họ quyền khởi kiện nếu bên trên can thiệp vào việc đã giao quyền cho tôi, thì vướng họ cứ đẩy lên trên”, ông Phạm Hồng Thái cho hay.
Còn Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó giám đốc Học viện Hành chính cho biết, Hiến pháp đã quy định về phân quyền. Chúng ta đã thừa nhận phân quyền thì nên tôn trọng nó và không nên dùng phân cấp, mang nặng tính gia đình chủ nghĩa về mặt thiết chế. Phải hạn chế tối đa việc ủy quyền, tránh trường hợp đối với cấp dưới xin ủy quyền trở thành cơ chế xin - cho.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Dũng Sĩ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ nêu quan điểm, Quốc hội kiểm soát Chính phủ, tư pháp đã rõ, nhưng ở chiều Chính phủ kiểm soát việc thực hiện của các nhánh khác ở đâu? Chủ tịch nước là một thiết chế rất chung chiêng, không nằm ở hành pháp cũng không nằm ở lập pháp.
“Phân cấp, phân quyền về bộ máy và tổ chức, biên chế công chức thì không ổn. Trăm hoa đua nở. Không cẩn thận là chúng ta phân cấp thành buông, mà buông về tổ chức bộ máy thì không ổn. Không nên lạm dụng ủy quyền và không nên có một ủy quyền lâu dài thường xuyên theo luật”, ông cảnh báo và cho rằng nếu là việc của cấp dưới thì phân cấp ngay cho họ làm, không nên ủy quyền.
Theo TTXVN