ClockThứ Tư, 28/02/2024 14:21

Băn khoăn khi bố trí công chức dôi dư, xử lý tài sản sau sắp xếp huyện, xã

Bộ Nội vụ cho biết, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2025 phải hoàn thành trước tháng 10/2024 để các địa phương kịp chuẩn bị tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, trong đó cấp cơ sở thực hiện trong quý I/2025.

Chuyển biến sau sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xãSắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã: Tinh gọn bộ máy, nâng cao trách nhiệm đội ngũỔn định bộ máy để tập trung phát triển kinh tế - xã hộiTinh gọn và hiệu quả

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận giao dịch một cửa xã Mường Và, huyện Sốp Cộp (Sơn La). Ảnh minh họa: Hữu Quyết/TTXVN 

Theo kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 117/NQ-CP, năm 2024, các địa phương sẽ phải hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn quy định; tiến hành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.

Bộ Nội vụ cho biết, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2025 phải hoàn thành trước tháng 10/2024 để các địa phương kịp chuẩn bị tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, trong đó cấp cơ sở thực hiện trong quý I/2025.

Như vậy, thời gian thực tế để tiến hành toàn bộ các quy trình sắp xếp đơn vị hành chính chỉ còn khoảng 6 tháng. Trong khi đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính là nội dung quan trọng, phức tạp, mức độ tác động, ảnh hưởng lớn, quy trình thực hiện được tiến hành chặt chẽ, qua nhiều giai đoạn nên các địa phương gặp nhiều khó khăn trong bảo đảm tiến độ thời gian theo yêu cầu. 

Điều đáng lo ngại là số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp nhiều và diễn ra đồng thời với việc thực hiện chỉ đạo của Đảng và quy định của pháp luật về tinh giản biên chế, nhiều địa phương lo lắng điều này tạo ra áp lực lớn cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức dôi dư, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư do sắp xếp.
 
Tỉnh Hưng Yên cho biết, số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, phó bí thư cấp ủy; số lượng ủy viên, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy đối với các Đảng bộ tại đơn vị hành chính mới sau sắp xếp dôi dư rất lớn. Quy định tiếp nhận cán bộ, công chức cấp xã về làm công chức cấp huyện, cấp tỉnh gặp khó khăn.

Việc sắp xếp cán bộ không chuyên trách ở cấp xã dôi dư gặp khó khăn do Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030) không quy định về áp dụng thời gian giải quyết 5 năm cho đối tượng này, Nghị định số 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ chỉ quy định về hỗ trợ đối với đối tượng này trong khoảng thời gian từ khi nghỉ đến thời điểm kết thúc nhiệm kỳ nên mức hỗ trợ không lớn.

Vì vậy, Hưng Yên đề nghị Trung ương xem xét, có cơ chế đặc thù về số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, phó bí thư cấp ủy; số lượng ủy viên, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy của Đảng bộ mới hình thành sau sáp nhập tại Đại hội nhiệm kỳ 2025-2030. Xem xét về cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp (được kéo dài thời gian sắp xếp trong vòng 5 năm như cán bộ, công chức cấp xã).

Tỉnh Bắc Kạn nêu thực tế, việc bố trí, sắp xếp số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư vào làm công chức cấp huyện, cấp tỉnh là rất khó thực hiện do các cơ quan, đơn vị này cơ bản đã sử dụng hết biên chế được giao, mặt khác đang phải thực hiện chủ trương tinh giản biên chế theo quy định. Bên cạnh đó, việc xử lý, bán đấu giá tài sản nhà, đất rất khó thực hiện để vừa đảm bảo đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Sau khi sắp xếp giai đoạn 2019 – 2023, đến thời điểm hiện tại Bắc Kạn vẫn đang tiếp tục thực hiện xử lý tài sản, đất đai sau sắp xếp.

Cùng chung thực tế này, tỉnh Bình Định cho biết số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư lớn, khó sắp xếp, bố trí các chức danh. Việc giải quyết trụ sở công dôi dư gặp khó khăn do khó chuyển đổi công năng sử dụng hoặc nếu chuyển đổi phải điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; nếu chuyển đổi sang đất ở, đất kinh doanh thì khó thu hút nhà đầu tư.

Lo ngại việc bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính gặp nhiều khó khăn khi thực hiện cùng lúc với chủ trương tinh giản biên chế, tỉnh Đắk Lắk cũng nêu khó khăn trong xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư; bố trí nguồn vốn đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông, đặc biệt là địa bàn các xã miền núi, vùng sâu.

Tỉnh Ninh Bình chia sẻ, sau khi thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, số lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Trong khi đó, việc bố trí, sắp xếp số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư vào làm công chức cấp huyện, cấp tỉnh là rất khó thực hiện, do các cơ quan, đơn vị này cơ bản đã sử dụng hết biên chế được giao, mặt khác đang phải thực hiện chủ trương tinh giản biên chế theo quy định.

Sau khi thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính, đặc biệt là đối với cấp xã, sẽ có nhiều cơ sở nhà đất dôi dư như: trụ sở UBND, nhà văn hóa, trạm y tế, nhà đa năng các trường học.., việc xử lý, bán đấu giá tài sản nhà, đất rất khó thực hiện để vừa đảm bảo đúng quy định, vừa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Ninh Bình đề nghị xem xét, ban hành cơ chế bán đấu giá tài sản nhà, đất phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; hướng dẫn cụ thể về lộ trình, thủ tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính đô thị hoặc cho phép các địa phương được thực hiện việc sắp xếp (mở rộng đơn vị hành chính) trước, sau đó mới thực hiện việc lập mới hoặc điều chỉnh quy hoạch, chương trình phát triển đô thị để đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển đô thị trong giai đoạn tiếp theo.

Tỉnh Hải Dương cho biết, sau sắp xếp, cơ sở vật chất, tài sản công ở đơn vị hành chính mới vừa thừa, vừa thiếu. Nơi chọn trụ sở của đơn vị hành chính mới không gian chật hẹp nên sẽ gặp khó khăn khi tổ chức sinh hoạt chung, đồng thời, việc giải quyết công việc, thủ tục hành chính ở đơn vị hành chính cấp xã mới có đông dân cư.

Công tác sắp xếp cán bộ, công chức cấp xã dôi dư gặp khó khăn, do khi sáp nhập trước mắt là việc dồn ghép cán bộ, công chức. Do vậy, hầu hết các chức danh có từ 3-4 người đảm nhiệm, trong khi đội ngũ cán bộ, công chức trẻ hóa, có trình độ chuyên môn cơ bản đạt chuẩn theo quy định.

Đại diện Hải Dương thì cho rằng, một số đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau sắp xếp không đảm bảo tiêu chuẩn diện tích theo quy định nhưng không thể sắp xếp với xã thứ ba, do nhiều yếu tố như quy hoạch, lịch sử văn hóa, ảnh hưởng đến giai đoạn sắp xếp sau 2026-2030; nhân dân không đồng thuận.

Vướng mắc được tỉnh Hà Tĩnh nêu ra trong việc sắp xếp đơn vị hành chính nông thôn vào đơn vị hành chính đô thị là phải điều chỉnh quy hoạch, chương trình phát triển đô thị, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành đề án sắp xếp. 

Theo địa phương này, việc tổ chức thanh lý, bán đấu giá một số trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp dự kiến sẽ khó khăn do có vị trí nằm ở các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, giá trị giảm do không còn nằm trong khu vực trung tâm, không thuận lợi để kinh doanh du lịch, thương mại, dịch vụ; khó tìm được người tham gia đấu giá. 

Mặt khác, trình tự, thủ tục thanh lý, bán đấu giá trụ sở, tài sản công theo quy định phải trải qua nhiều bước, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị nên thời gian thực hiện thường kéo dài, gây tốn kém chi phí bảo quản tài sản. Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất khi đưa ra đấu giá cũng sẽ khó khăn vì cần thời gian để điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.

Khó khăn của Thái Bình lại nằm ở vấn đề có nhiều điểm trường, điểm trường cách xa nhau do đó sẽ ảnh hưởng đến công tác quản lý điều hành chung; cơ sở vật chất, phòng hội họp chung một số đơn vị còn nhỏ hẹp, chưa đầy đủ để đảm bảo cho hoạt động chung toàn trường. Ngoài ra, còn có khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp cơ sở hạ tầng (trụ sở làm việc của chính quyền, trường học, trạm y tế....); bố trí các thiết chế văn hóa (đình chùa, nghĩa trang liệt sỹ, tổ chức các lễ hội).

Thái Bình đề nghị Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ hướng dẫn cụ thể về việc bố trí số lượng và giải pháp bố trí, sắp xếp, thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ cấp xã giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội dôi dư. 

Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập (trường hợp, trạm y tế,...), hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn các đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp. 

Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc thực hiện thủ tục thanh lý, bán đấu giá tài sản, trụ sở, quyền sử dụng đất tại các trụ sở công thuộc diện dôi dư, không sử dụng bảo đảm đơn giản thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian tổ chức thực hiện.

TTXVN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngành Nội vụ có 21 vị trí việc làm

Theo Thông tư số 11/2022/TT-BNV được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ký ban hành, vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Nội vụ có 21 vị trí thuộc 7 lĩnh vực gồm: tổ chức bộ máy; quản lý nguồn nhân lực; địa giới hành chính; cải cách hành chính; thi đua, khen thưởng; quản lý tín ngưỡng, tôn giáo; quản lý văn thư, lưu trữ.

Ngành Nội vụ có 21 vị trí việc làm
Return to top