Nhiều biện pháp
Buổi sáng cuối tháng 6, hội trường UBND phường Hương Sơ (TP. Huế) kín người tham dự phiên tòa xét xử vụ án "giết người". Bị cáo trong vụ án là chồng cũ của nạn nhân. Bị cáo làm ăn sinh sống ở một tỉnh miền Bắc. Bị hại sống ở Huế. Mâu thuẫn, lời qua tiếng lại (qua điện thoại) về việc nuôi con chung, bị cáo từ Bắc về Huế mang theo dao tìm bằng được vợ cũ để giải quyết mâu thuẫn. Và án mạng đã xảy ra.
Rất đông cán bộ trong "màu áo" của ngành KSND ngồi ở những hàng ghế phía dưới với "vai" dự khán, chăm chú theo dõi diễn biến phiên tòa. Đến phần tranh luận, đối đáp giữa KSV thực hành quyền công tố với luật sư bào chữa cho bị cáo, KSV lần lượt đưa ra các lập luận dựa trên các quy định của pháp luật hình sự, bảo vệ thành công điều khoản Viện KSND truy tố. Lực lượng KSV "ngồi ở dưới" luôn tay ghi chép vào sổ. |"Đây là một trong những phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp. Từ những phiên tòa này, chúng tôi học hỏi được rất nhiều điều từ thực tế, từ đồng nghiệp, có được nhiều kinh nghiệm"- chị Nguyễn Lê Diệu Hải, anh Nguyễn Văn Nguyện và nhiều KSV ở Viện KSND tỉnh chia sẻ.
“Chúng tôi thành lập tổ tư vấn (gồm các trưởng, phó phòng nghiệp vụ Viện KSND tỉnh và lãnh đạo Viện KSND TP. Huế) phối hợp với cơ quan Tòa án tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp. Tại các phiên tòa “điểm” này, tất cả KSV của đơn vị trong vai “dự khán” theo dõi, quan sát diễn biến, quá trình tranh luận giữa KSV với luật sư và những người tham gia tố tụng để rút ra những điểm mạnh hoặc còn yếu mà đồng nghiệp và bản thân cần phát huy hoặc khắc phục”- ông Trần Nhơn Vượng cho biết.
Kết thúc mỗi phiên tòa, tổ tư vấn tiến hành họp rút kinh nghiệm chung, chấm điểm đối với KSV thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa theo biểu mẫu đánh giá, chấm điểm được VKSND tỉnh xây dựng; góp ý cho KSV về tác phong ứng xử tại phiên tòa, về cách trình bày bản luận tội và phương pháp tranh luận như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất. Vậy nên, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, mỗi KSV đều phải luôn luôn trong tư thế thực hiện nghiêm túc các biện pháp nghiệp vụ, nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, chuẩn bị tốt đề cương xét hỏi, phương án, tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa. Nhờ đó, KSV mới nắm chắc và vận dụng, áp dụng đúng pháp luật, bảo vệ được quan điểm trên cơ sở luật định.
Để nắm chắc các đạo luật, các điểm mới, các thay đổi, điều chỉnh cán bộ, KSV không chỉ là tự nghiên cứu, “trăn trở” các văn bản “cẩm nang, mấu chốt” như thông tư liên tịch, liên ngành, hướng dẫn của VKSND tối cao, các đạo luật, mà còn thường xuyên được lãnh đạo cơ quan, đơn vị tạo cơ hội, điều kiện tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ ngắn, dài hạn trong tất cả các lĩnh vực do Viện KSND tối cao tổ chức.
Kết quả
Có được đội ngũ cán bộ, KSV nghiệp vụ vững vàng, Viện KSND hai cấp đã nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trong mọi lĩnh vực. Theo đó, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được thực hiện chặt chẽ và gắn chặt hơn với hoạt động điều tra, góp phần quan trọng chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn đầu tố tụng.
Trên cơ sở kiểm sát chặt chẽ, đánh giá chứng cứ chắc chắn, Viện KSND hai cấp kịp thời đề ra yêu cầu đối với Cơ quan điều tra (CQĐT) trong việc thu thập chứng cứ nhằm đảm bảo việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can hoặc không khởi tố vụ án đúng quy định pháp luật, hay phê chuẩn các quyết định của CQĐT, đảm bảo việc khởi tố hoặc không khởi tố đúng luật định. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Viện KSND hai cấp đã từ chối phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp đối với 3 trường hợp. Trong đó, 2 trường hợp không có dấu hiệu phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 1 trường hợp bị can là người chưa thành niên, nơi cư trú rõ ràng, thành khẩn khai báo và không có dấu hiệu bỏ trốn. Đây chính là “minh chứng”, đóng góp của Viện KSND hai cấp trong việc áp dụng chính xác pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
“Các vụ án VKSND hai cấp truy tố đều đúng người, đúng tội danh và khung hình phạt. Trách nhiệm thực hành quyền công tố của KSV tại các phiên tòa được tăng cường, quan điểm giải quyết các vụ án bảo đảm khách quan, toàn diện, có căn cứ, đúng pháp luật. Do dó, các mức án toà tuyên đều phù hợp với đề nghị của VKS. Việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có trường hợp nào đình chỉ vì không cấu thành tội phạm hay tòa án xét xử tuyên không có tội, không có vụ án nào KSV phải rút quyết định truy tố, không có trường hợp tòa xử khác tội danh, điều khoản VKS truy tố…; chất lượng giải quyết các lĩnh vực dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại và các lĩnh vực khác ngày càng được nâng cao, áp dụng pháp luật chính xác”- ông Vượng đánh giá.
Quỳnh Anh