ClockThứ Ba, 27/12/2016 13:20
NƯỚC SẠCH CHO 5 XÃ VÙNG CAO NAM ĐÔNG:

Chủ trương đã có nhưng còn thiếu nguồn lực

TTH - Nhiều năm qua, gần 2.600 hộ dân sinh sống ở các bản làng thuộc 5 xã vùng cao huyện Nam Đông (gồm Hương Hữu, Hương Giang, Thượng Nhật, Thượng Long và Thượng Quảng) phải sử dụng nguồn nước khe suối bị ô nhiễm để ăn, uống, sinh hoạt. Tình trạng thiếu nước sạch tại các xã này đã đến mức báo động và cần sự giải quyết kịp thời của các cơ quan chức năng.

Dòng suối A Rơng là nơi sinh hoạt chung của cả người và gia súc, gia cầm

Nước thiếu và không đảm bảo

Người dân ở xã Thượng Long, huyện Nam Đông vào mùa nào cũng phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, khi số con suối chảy qua địa bàn xã vốn là nơi cung cấp nguồn nước cho các hộ dân địa phương dần khô cạn vào mùa nắng và đục ngầu vào mùa mưa. Tại suối A Rơng, chúng tôi thấy 3 em nhỏ tắm trong vũng nước sâu chừng 40 - 50cm, 2 người già đang xách can nhựa xuống suối lấy nước. Cạnh đó, trâu, bò, gà vịt cũng được chăn thả cạnh khu vực khe suối. Ông Phạm Văn Xưng (69 tuổi) cùng vợ là Lê Thị Em ở thôn 7, Thượng Long, sinh sống ở đây hơn 20 năm, nhưng từ đó đến nay chỉ biết lấy nước khe suối để sinh hoạt, ăn uống do không có nguồn cung cấp nước sạch. Ông Xưng xót xa, do con suối A Rơng thường bị khô cạn vào mùa nắng, đặc biệt ở phía đầu nguồn, có nhiều hộ dân chặn suối đưa nước vào ruộng, sau đó các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ được phun trên ruộng theo dòng suối chảy về hạ nguồn, nên nước suối bị ô nhiễm nặng. Biết vậy nhưng không dùng nước suối thì cả gia đình không biết lấy nước ở đâu để dùng.

Cùng cảnh ngộ như gia đình ông Xưng, tại các thôn 5, 6, 7 của xã Thượng Long hàng trăm gia đình đều phải xuống suối A Rơng lấy nước ăn uống, sinh hoạt. Cá biệt, có nhiều hộ phải đi lấy nước hàng cây số, mất rất nhiều thời gian. Theo ông Trần Văn Trĩ, Chủ tịch UBND xã Thượng Long, toàn xã có 617 hộ dân (2.600 khẩu), phần lớn người dân đều phải sử dụng nước khe suối. Từ năm 2002, xã tiến hành xây dựng bể chứa ở đầu nguồn các khe, suối rồi lắp đường ống đưa nước tự chảy về nhà các hộ dân ở thôn 1, 2, 3, 4 và thôn 8. Tuy nhiên, sau nhiều năm sử dụng, các đường ống dần bị hư hỏng. Để có nước dùng, bà con ở các thôn bản phải đi nhiều cây số mới lấy được nước.

Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thượng Long- Phạm Xuân Sử cho biết, do sử dụng nguồn nước suối nhiễm bẩn trong thời gian dài nên phần lớn người già, trẻ em và phụ nữ trên địa bàn xã đều mắc các bệnh về da liễu, tiêu hóa và đường ruột. Bình quân mỗi năm, có khoảng 4.000 lượt người đến trạm y tế xã để thăm khám, điều trị các chứng bệnh trên. “Xã rất mong các cơ quan chức năng tạo điều kiện đầu tư một công trình nước sạch để người dân không còn dùng nước khe suối. Trước mắt, chúng tôi khuyến cáo người dân nên sử dụng nguồn nước phải đảm bảo vệ sinh”, ông Sử nói.

Đề án đã có, nhưng thiếu nguồn lực

Tại các xã Hương Hữu, Hương Giang, Thượng Nhật, Thượng Quảng có 10 công trình nước tự chảy, nhưng do đầu tư gần 15 năm nên phần lớn đã xuống cấp, hư hỏng, chỉ đáp ứng 35-40% nhu cầu. Tại xã Thượng Nhật có 4 công trình cấp nước tự chảy ở các thôn 1, 2, 5, 6 cho 244 hộ, còn 225 hộ khác phải sử dụng nước khe, suối không hợp vệ sinh; xã Thượng Quảng có 426 hộ dùng nước khe suối và 78 hộ dùng nước giếng không đảm bảo; xã Hương Hữu có 437 hộ sử dụng nước khe suối; xã Hương Giang có gần 300 hộ sử dụng nước giếng và khe suối... Với tỷ lệ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh thấp như vậy thì tiêu chí đạt nông thôn mới của Nam Đông rất khó.

Ông Phạm Tấn Son, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Đông cho biết, qua công tác kiểm tra, khảo sát cho thấy, có gần 1.600 hộ ở 5 xã vùng cao của huyện sử dụng nước từ khe suối không đảm bảo vệ sinh. Trước thực trạng khó khăn về nguồn nước sạch, mới đây, UBND huyện đã đề xuất với UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH NN MTV Xây dựng và cấp nước Thừa Thiên Huế thực hiện kế hoạch xây dựng nhà máy nước sạch cung cấp cho người dân 5 xã vùng cao. “Suốt nhiều năm qua, người dân 5 xã vùng cao của huyện chủ yếu dùng nước khe suối không đảm bảo vệ sinh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Cũng như người dân, chúng tôi rất mong tỉnh tạo điều kiện để dự án nhà máy nước sạch sớm được xây dựng để giúp người dân chấm dứt cảnh dùng nước khe suối như hiện nay”, ông Son bày tỏ mong muốn.

Ông Trương Công Nam, Giám đốc Công ty TNHH NN MTV Xây dựng và cấp nước Thừa Thiên Huế cho biết, công ty đã lập đề án xây dựng nhà máy nước sạch ở xã Thượng Long, công suất cấp nước khoảng 2.000m3/ngày đêm, nhằm cung cấp nước sạch cho 5 xã trên và một số xã lân cận, với nguồn kinh phí gần 60 tỷ đồng. “Hiện đề án chi tiết đã được trình UBND tỉnh chờ phê duyệt, nhưng khó vẫn nằm ở khâu kinh phí. Theo đề án, các phương án huy động vốn từ nguồn ngân sách của tỉnh, của huyện, nguồn vay Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh (lãi suất ưu đãi) hoặc vay từ quỹ ADB. Nếu UBND tỉnh chấp thuận, công ty sẽ triển khai để người dân 5 xã vùng cao Nam Đông sớm có nước sạch sinh hoạt”- ông Trương Công Nam khẳng định. 

 THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khánh thành Nhà máy Xử lý nước sạch Vạn Niên

Chiều 30/3, Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy Xử lý nước sạch (NMXLNS) Vạn Niên công suất 120.000m3/ngày đêm (giai đoạn 1: 60.000m3/ngày đêm) và Trung tâm Vận hành tự động Hệ thống cấp nước.

Khánh thành Nhà máy Xử lý nước sạch Vạn Niên
Nhà máy Xử lý nước sạch Vạn Niên: “Trái tim” của hệ thống cấp nước tỉnh

Sở hữu công nghệ hiện đại cùng nguồn nhân lực chất lượng cao, Dự án Nhà máy xử lý nước sạch (NMXLNS) Vạn Niên công suất 120.000m3/ngày đêm (giai đoạn 1: 60.000m3/ngày đêm), sau khi hoàn thành được ví như “trái tim” của hệ thống cấp nước tỉnh. Dự án góp phần hoàn chỉnh, đồng bộ hạ tầng cấp nước, đảm bảo cấp nước an toàn (CNAT) cho người dân trước những mối nguy ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước và tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

Nhà máy Xử lý nước sạch Vạn Niên “Trái tim” của hệ thống cấp nước tỉnh
Thêm nhiều hộ dân Phú Vang được sử dụng nước sạch

Công trình nâng cấp hệ thống cấp nước sạch tại thôn Hà Úc 1 (xã Vinh An, huyện Phú Vang) khánh thành chiều 30/1. Công trình là l trong 5 dự án nước sạch thuộc chương trình “Khơi nguồn nước sạch vì miền Trung yêu thương" trong năm 2023 do nhãn hàng bia Huda tổ chức.

Thêm nhiều hộ dân Phú Vang được sử dụng nước sạch
9X vùng cao khởi nghiệp với mô hình nuôi heo hữu cơ

Tốt nghiệp ngành Hướng dẫn viên du lịch, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, sau khoảng thời gian khủng hoảng do dịch COVID-19, Hồ Viết Ái Duy (sinh năm 1997, dân tộc Pa Cô, trú thôn Âr Kêu Nhâm, xã Quảng Nhâm) quyết định về quê khởi nghiệp với mô hình nuôi heo hữu cơ an toàn sinh học.

9X vùng cao khởi nghiệp với mô hình nuôi heo hữu cơ
Không cam chịu khi bị bạo hành

Bạo lực gia đình (BLGĐ) trở thành nỗi ám ảnh của phụ nữ vùng cao A Lưới. Các cấp hội phụ nữ và chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp, nhằm thay đổi nhận thức, hướng tới “nói không với BLGĐ”.

Không cam chịu khi bị bạo hành
Return to top