ClockThứ Bảy, 02/12/2023 06:53

9X vùng cao khởi nghiệp với mô hình nuôi heo hữu cơ

TTH - Tốt nghiệp ngành Hướng dẫn viên du lịch, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, sau khoảng thời gian khủng hoảng do dịch COVID-19, Hồ Viết Ái Duy (sinh năm 1997, dân tộc Pa Cô, trú thôn Âr Kêu Nhâm, xã Quảng Nhâm) quyết định về quê khởi nghiệp với mô hình nuôi heo hữu cơ an toàn sinh học.

Phụ nữ vùng cao hùn vốn khởi nghiệp

 Hồ Viết Ái Duy với mô hình nuôi heo hữu cơ an toàn sinh học

Năm 2020, sau khi UBND huyện A Lưới ký kết hợp tác liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ với Tập đoàn Quế Lâm, Ái Duy là một trong những thanh niên trẻ tuổi nhất được Tập đoàn Quế Lâm cho đi học tập quy trình đào tạo kỹ thuật và thực hành tay nghề chăn nuôi lợn hữu cơ, chế biến thức ăn ở Tổ hợp Chế biến chăn nuôi lợn hữu cơ 4F (Phong Thu, huyện Phong Điền).

Được tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ về kỹ thuật trang trại, chăn nuôi, giống heo nái, thức ăn và bao tiêu sản phẩm, sau 3 tháng học tập, Ái Duy về lại quê nhà, với một ít vốn liếng tự có, Duy mạnh dạn vay thêm ngân hàng nông nghiệp, ngân hàng chính sách xã hội và người thân với tổng kính phí gần 1 tỷ đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại, lắp đặt hệ thống gồm điện, nước, quạt và hệ thống phun sương… để phát triển mô hình nuôi heo hữu cơ. Đàn heo được chăm sóc với mô hình chăn nuôi khép kín, quy trình chăm sóc không sử dụng cám ngoại, không sử dụng thuốc tăng trưởng, hạn chế tiêm chích, không xả thải gây ô nhiễm môi trường, cho thu nhập cao hơn so với cách nuôi đại trà trước đây.

Với 5 heo nái ban đầu, đến nay, đàn heo đã tái đàn hơn 60 con. Sau hơn 2 năm triển khai mô hình, Duy đã cho xuất hơn 5 tấn heo thịt với giá 65.000 đồng/kg, tổng thu nhập bình quân từ 50 triệu đến 60 triệu đồng/năm. Ngoài chăn nuôi, Duy tận dụng 1ha vườn tược trong nhà để trồng cây ăn quả như chuối, nhãn, vải, bưởi… nhằm phục vụ thêm nhu cầu của gia đình và bổ sung thức ăn cho đàn heo. Áp dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn, Duy sử dụng phân hữu cơ trong chuồng bón trực tiếp cho cây giúp cây phát triển cho sản phẩm năng suất cao, không phát sinh thêm chi phí phân bón.

Ái Duy chia sẻ: “Hiện nay, dịch tả lợn Châu Phi đang bùng phát tại địa phương, đây là mối đe dọa lớn nhất đối với những người chăn nuôi nên mình luôn cẩn trọng trong mọi khâu chăm sóc, chăn nuôi theo mô hình khép kín, hạn chế cho người lạ vào chuồng trại nhằm tránh những trường hợp rủi ro xảy ra”.

Không chỉ siêng năng trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, hiện tại Ái Duy còn đảm nhận chức cụm trưởng tại thôn Âr Kêu Nhâm. Tại địa phương, Duy được xem là đoàn viên tích cực, luôn đi đầu trong mọi công tác đoàn với tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Từ vai trò trên, Duy luôn mong muốn làm gương cho bà con và lực lượng đoàn viên, thanh niên của thôn phát huy  tinh thần tự lực tự cường, phát triển kinh tế gia đình có hiệu quả hơn.

“Mình luôn ấp ủ dự định tiếp tục mở rộng chuồng trại, thuê thêm nhân công, đồng thời chia sẻ, truyền lại kinh nghiệm nuôi heo giúp bà con, đặc biệt là những người trẻ có thêm công việc ổn định để có nguồn thu nhập, phụ giúp thêm cho gia đình”, Duy nói.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: “Với đầu óc nhạy bén, dễ dàng tiếp cận với những khoa học, kỹ thuật hiện đại, Ái Duy được xem là một trong những người tiên phong và thành công với mô hình nuôi heo hữu cơ an toàn sinh học tại thôn Âr Kêu Nhâm. Là một đoàn viên trẻ với tinh thần năng động, nhiệt huyết, không chỉ phát triển kinh tế gia đình, Duy còn truyền lại kinh nghiệm nuôi heo, giúp đỡ bà con trong thôn, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Từ đó giúp người dân tự tin, mạnh dạn hơn trong việc phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương”.

Bài, ảnh: BẠCH CHÂU
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội khởi nghiệp cho thanh niên vùng cao

Trong hành trình thoát nghèo và làm giàu bền vững, nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã trở thành đòn bẩy quan trọng giúp nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn huyện A Lưới vươn lên phát triển kinh tế. Với sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là huyện đoàn, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả đã ra đời, mang lại sinh kế ổn định cho ĐVTN.

Cơ hội khởi nghiệp cho thanh niên vùng cao
Khởi nghiệp trên đất biên cương

Từng bôn ba vài năm ở TP. Hồ Chí Minh để lập nghiệp, nhưng Hồ Viết Ái Duy (27 tuổi) đã quyết định trở về khởi nghiệp trên chính mảnh đất biên giới A Lưới quê hương, với mô hình nuôi heo hữu cơ.

Khởi nghiệp trên đất biên cương
Phiên chợ vùng cao góp phần quảng bá sản phẩm địa phương

Những phiên chợ vùng cao tại Thừa Thiên Huế đang dần khẳng định vị trí đặc biệt trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đây là nơi để bà con trao đổi hàng hóa, góp phần quảng bá sản phẩm địa phương, đồng thời phát triển du lịch và tạo động lực nâng cao đời sống kinh tế - xã hội.

Phiên chợ vùng cao góp phần quảng bá sản phẩm địa phương

TIN MỚI

Return to top