ClockThứ Năm, 26/11/2015 14:25

Chưa mạnh tay để ngăn chặn

TTH - Chi hội nghề cá thôn 8 xã Điền Hải, huyện Phong Điền phản ánh: Dù pháp luật cấm nhưng một số đối tượng vẫn khai thác thủy sản bằng các hình thức xung điện, cào lươn, cào hến bằng máy móc. Vấn nạn nói trên diễn ra dai dẳng, hủy diệt ngư trường. Các đối tượng này còn hung hăng liều lĩnh chống trả, sẵn sàng xâm hại sức khỏe, tính mạng người truy đuổi, nhưng vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Ngư dân Chi hội nghề cá thôn 8 phản ánh sự việc

“Bắt” không nổi còn thiệt của, thiệt người

Ông Nguyễn Xuân Công, Chủ tịch UBND xã Điền Hải cho biết: chính quyền hỗ trợ Chi hội nghề cá thôn 8 mỗi tháng 500 nghìn đồng tiền xăng, đồng thời kiến nghị huyện hỗ trợ cho ngư dân ca nô, giao tổ tự quản quản lý sử dụng để thực hiện hiệu quả hơn trong đuổi bắt đò các đối tượng vi phạm. Ngoài ra, đối với các hộ trong địa phương đánh bắt trái pháp luật, xã đã tư vấn, tạo điều kiện để họ thay đổi tư duy sản xuất, chuyển qua nuôi cá lồng, qua đó, nhiều hộ đã “giải nghệ”.
Các ông: Phan Chiến, Chi hội trưởng Chi hội nghề cá thôn 8; Phan Chính thôn trưởng; Phan Thân, tổ trưởng tự quản và nhiều ngư dân trong chi hội cho biết, tình trạng các đối tượng khai thác hủy diệt ngư trường nêu trên tồn tại dai dẳng năm này qua năm khác trên địa bàn trong toàn tỉnh và ngư trường thuộc địa phận xã Điền Hải không ngoại lệ. Để bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản, Chi hội nghề cá tổ 8 thành lập tổ tự quản và cùng đóng góp tiền mua 1 chiếc đò để sử dụng trong việc tuần tra, đuổi bắt các đối tượng khai thác trái pháp luật. Khi phát hiện “kẻ trộm”, ngư dân đánh kẻng báo động. Lực lượng tự quản được phân công lập tức lên thuyền đuổi bắt. “Nhưng đò của những đối tượng vi phạm bao giờ cũng to hơn, máy mạnh hơn nên trong lúc rượt đuổi, chúng tôi phải điện thoại báo cho các chi hội nghề cá khác cùng phối hợp mới bắt được đối tượng đưa về giao chính quyền xử lý, nhưng họ chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính và tạm giữ phương tiện”. Ông Chiến cho biết, mỗi lần bị bắt, phương tiện vi phạm (đò) chỉ bị tạm giữ 11 ngày. Ngư dân mong phương tiện vi phạm phải bị giữ vài ba tháng hoặc tịch thu luôn, lúc đó các đối tượng mới khó tái phạm. Tuy nhiên theo quy định, chỉ khi nào đối tượng vi phạm không chấp hành nộp phạt mới bị tịch thu phương tiện. Trong khi đó mức phạt chẳng thấm vào đâu so với mối lợi quá lớn “kiếm” được từ việc đánh bắt trái pháp luật, nên các đối tượng sẵn sàng nộp phạt, nhận lại phương tiện và sử dụng để… tiếp tục vi phạm.
Lo lắng và bức xúc hơn không ít lần trong lúc truy đuổi, ngư dân bị các đối tượng vi phạm chống trả quyết liệt, hung hãn, thậm chí dùng hung khí gây thương tích, xâm hại sức khỏe, đe dọa tính mạng. Cách đây mấy năm, ngư dân Nguyễn Tồn, thành viên tổ tự quản Chi hội nghề cá thôn 8 bị đối tượng Trần Dưng đánh gãy 2 xương sườn. Dưng đã bị xử lý hình sự. Ngoài ra, ngư dân nào tích cực trong việc đuổi bắt đối tượng đánh bắt trái pháp luật, bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản còn bị trả thù theo cách bị phá hỏng nò, sáo. Mỗi lần ngư dân bị thiệt hại về tài sản như vậy, các ngư dân trong chi hội đóng góp để hỗ trợ phần nào, còn lại cá nhân thiệt hại phải nai lưng bỏ tiền ra khắc phục. “Bắt” không nổi còn thiệt của, thiệt người. Nhiều ngư dân ngao ngán.
Cần quyết liệt để ngăn chặn, xử lý
Bức xúc nhất là cách đây 1 tháng, lúc 7 giờ ngày 20/10/2015, ngư dân thôn 8 xã Điền Hải phát hiện khoảng 10 đò cào lươn đang càn quét ngư trường xã Điền Hải. Tổ tự quản điều động 8 ngư dân đi tuần tra, đồng thời phối hợp với Chi hội nghề cá thôn Thủy An, xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền đuổi bắt. Khi phát hiện lực lượng truy đuổi, những đò cào lươn bỏ chạy. Đến địa phận xã Quảng Ngạn, lực lượng tuần tra đuổi kịp bắt được đò ông Phan Cường (trú tại thôn 1, xã Điền Hải). Trong khi đưa đò này về Điền Hải giao chính quyền địa phương xử lý, đò của tổ tự quản thôn 8 bị mắc lừ, phải dừng lại gỡ. Nhân lúc này, một chiếc đò chở 3 người gồm các ông Phan Kiếm, Phan Linh, Phan Sáu chạy đến giải vây, “cướp” lại đò ông Phan Cường. Những đối tượng nói trên cắt dây buộc đò vi phạm với đò của tổ tự quản, dùng đùi tre đánh anh Phan Đế (một mình đang ở trên đò vi phạm) bị thương và đẩy nạn nhân xuống nước. Anh Đế cố bò lên thuyền thì lại bị các đối tượng tiếp tục đánh và hất xuống nước lần nữa rồi tẩu thoát. Nạn nhân được anh em trong tổ tự quản cứu lên đưa đến bệnh viện cấp cứu. Anh em trong chi hội đóng góp lo tiền viện phí thuốc men cho nạn nhân bị hành hung. Một tháng trôi qua nhưng sức khỏe anh Đế chưa phục hồi nên hàng ngày, anh em trong chi hội thay phiên đi đổ sáo giúp. Anh Đế chưa thể trở lại làm lừ nên thiệt hại về kinh tế, cuộc sống lâm vào khó khăn.
“Sau khi làm việc với các đối tượng hành hung gây thương tích cho tôi, Công an huyện Phong Điền đã chuyển hồ sơ sang Công an huyện Quảng Điền giải quyết (vì sự việc diễn ra trên địa phận xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền), nhưng đến nay tôi vẫn chưa được bồi thường gì. Điều đáng nói, các đối tượng vẫn nhở nhơ ngoài vòng pháp luật” - anh Đế bày tỏ. Ông Phan Chiến, đại diện Chi hội nghề cá tổ 8 cho biết, toàn thể ngư dân mong chờ vào việc xử lý nghiêm khắc của pháp luật đối với hành vi hung hãn, xâm phạm sức khỏe, đe dọa tính mạng người khác mà các đối tượng nêu trên gây ra. Điều đó cũng góp phần ngăn chặn hành vi khai thác thủy sản trái pháp luật. “Dùng đùi tre đánh người rồi quyết liệt xô người ta xuống nước. Nạn nhân không biết bơi thì đã thiệt mạng rồi. Nếu không xử lý nghiêm, khởi tố vụ án, bị can về tội “cố ý gây thương tích”, các đối tượng càng “nhờn”, càng hung hãn hơn trong khi chống trả lực lượng đuổi bắt” - nhiều ngư dân bày tỏ. Tuy nhiên, theo thông tin từ Công an huyện Quảng Điền, vụ việc nêu trên chỉ phạt hành chính chứ không xử lý hình sự vì nạn nhân không có thương tích.
Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh cũng cho biết, lực lượng kiểm ngư rất mỏng chỉ 8 người. Không ít lần tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, cán bộ chi cục bị các đối tượng vi phạm hung hãn chống trả, rất nguy hiểm. Đơn vị phải yêu cầu công an phối hợp. Theo ông Bình, cần tăng cường lực lượng kiểm ngư, trang bị phương tiện hiện đại cho lực lượng này mới có thể chủ động trong thực thi nhiệm vụ.
Từ thực trạng nêu trên, rất cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, lực lượng, chính quyền địa phương các cấp trong quá trình từ ngăn chặn, đuổi bắt và xử lý đối với hành vi vi phạm (kể cả về hành chính lẫn hình sự) mới có thể đẩy lùi, hạn chế đến mức thấp nhất vấn nạn khai thác thủy sản mang tính hủy diệt.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngấm ngầm mua bán trái phép hóa đơn

Dù ngành chức năng đã có những giải pháp để ngăn chặn tình trạng mua bán trái phép hóa đơn (HĐ), nhưng vấn nạn này vẫn âm ỉ xảy ra trong đời sống xã hội.

Ngấm ngầm mua bán trái phép hóa đơn
DỰ ÁN KHU DU LỊCH SUỐI VOI:
Yêu cầu nhà đầu tư xây dựng lại chi tiết tiến độ triển khai

Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh yêu cầu chủ đầu tư Dự án (DA) Khu du lịch Suối Voi (Phú Lộc) xây dựng lại chi tiết tiến độ triển khai các hạng mục công trình, chứng minh năng lực tài chính. Đồng thời, hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để sớm hoàn thành giai đoạn 1, 2 đưa vào hoạt động trong năm 2024.

Yêu cầu nhà đầu tư xây dựng lại chi tiết tiến độ triển khai
XUNG QUANH VIỆC BÀ HOÀNG THỊ KIM ÁNH KHIẾU NẠI GIẢI QUYẾT ĐƠN THƯ TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN ĐỂ QUÁ THỜI HẠN:
Vụ việc đang được Tòa án nhân dân TP. Huế thụ lý

Vừa qua, Báo Thừa Thiên Huế nhận được đơn khiếu nại của bà Hoàng Thị Kim Ánh (Căn hộ B-1107, tầng 11, chung cư The Manor Crown, Tố Hữu, Xuân Phú, TP. Huế) liên quan về việc giải quyết đơn thư tố cáo của công dân để quá thời hạn theo quy định của Luật Tố tụng hình sự.

Vụ việc đang được Tòa án nhân dân TP Huế thụ lý
Xung quanh việc chuyển nhượng QSDĐ giữa bà Nguyễn Thị Minh Tâm với vợ chồng ông Nguyễn Đắc Quốc Nhật:
Nếu tranh chấp, có quyền khởi kiện một vụ án dân sự khác

“Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) giữa bà Nguyễn Thị Minh Tâm với vợ chồng ông Nguyễn Đắc Quốc Nhật là một quan hệ pháp luật tranh chấp khác, nếu có tranh chấp thì có quyền khởi kiện một vụ án dân sự khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự”. Đó là trả lời của Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) TX. Hương Thủy - Mai Văn Phú tại Công văn số 04/CV-TA ngày 2/1/2024.

Nếu tranh chấp, có quyền khởi kiện một vụ án dân sự khác
Return to top