ClockThứ Hai, 27/04/2020 10:10

Chuyện bảo kê

TTH - Mấy hôm nay trên các phương tiện truyền thông tràn ngập thông tin vụ “Đường Nhuệ”. Có hay không chuyện bảo kê thì “hồi sau sẽ rõ”. Nhưng chuyện một băng nhóm hoạt động cả chục năm mà các ngành chức năng địa phương không hay biết, cũng là điều đáng làm chúng ta suy ngẫm.

Theo Wikipedia, “Bảo kê là hành vi bảo đảm có tính bất hợp pháp của một thế lực cho những hoạt động trái pháp luật hay ít nhiều mang tính không hợp pháp…”. Như thế, chúng ta thấy, nghĩa bảo kê được xác định khi hội đủ ít nhất là hai yếu tố. Một là có yếu tố hoạt động bất hợp pháp (hoặc ít nhiều mang tính không hợp pháp). Hai là có một thế lực nào đó đảm bảo cho sự bất hợp pháp.

Đừng nói đâu xa, trong lịch sử hiện đại, chỉ trong vòng mấy mươi năm qua, Chính quyền đã phát hiện không ít những vụ bảo kê đình đám. Từ ngoài Bắc đến trong Nam, từ miền Trung - Tây Nguyên… Gõ vào công cụ tìm kiếm “những vụ án bảo kê” thì ngay lập tức hiện ra hàng loạt. Có những vụ, đương sự đã mang án tử hình.

Giờ thì Chính quyền chúng ta đã mạnh. Pháp luật đã ngày càng hoàn thiện. Thông tin minh bạch hơn. Môi trường xã hội tốt hơn… cho nên chúng ta thấy ít có tình trạng bảo kê hơn. Đã có bảo kê là nó sinh ra tệ nạn chung chi (muốn bán hàng ở chỗ này, muốn chạy xe ôm ở chỗ kia… là phải chung chi cho “một thế lực”); nghiêm trọng hơn là chuyện dọa dẫm, đe nẹt, đánh người, thậm chí là giết người. Tình trạng bảo kê dễ làm mất an ninh trật tự; môi trường sống yên ổn của người dân bị phá vỡ. Nếu thế lực bảo kê càng mạnh có thể dẫn đến những hệ lụy đối với cuộc sống khó lường !

Như vậy, chúng ta thấy tình trạng bảo kê ngoài xã hội đã đưa lại những mối nguy cho xã hội. Nếu tình trạng bảo kê được kết nối với một thế lực của chính quyền thì, có thể nói ngày càng nguy hiểm hơn. Thế lực ngoài xã hội bảo kê, sẽ chẳng có nhân danh gì cả, chẳng qua là lấy sức mạnh thế lực và sự liều lĩnh. Nhưng một khi, nó đã kết nối với một thế lực nào đó của chính quyền thì ít nhiều cũng dính dáng đến tính “đại diện” pháp luật. Mối nguy hiểm chính là ở chỗ này. Người dân đi tố cáo tội phạm, chẳng hạn như cờ bạc, số đề, cá độ bóng đá, tín dụng đen…nhưng chính quyền lơ không xử lý. Hoặc giả, chính quyền có điều tra nhưng mang tính hình thức, qua loa (vì đã bảo kê) thì chúng ta thấy trật tự xã hội sẽ như thế nào.

Trong hoạt động kinh tế, việc nâng đỡ cho doanh nghiệp hoặc một nhóm doanh nghiệp này, có thể nói cũng có bóng dáng của bảo kê. Chúng ta ưu ái thiên lệch cho một nhóm người này trong hoạt động kinh tế sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Và như thế sẽ làm thiệt thòi cho một nhóm người khác. Tôi nghĩ rằng, tình trạng doanh nghiệp “sân sau” cũng là một hình thức bảo kê.

Mỗi người chúng ta nhìn vào các hoạt động kinh tế sẽ không khó để nhìn ra tình trạng này. Một chiếc xe chở gỗ đi qua rất nhiều tỉnh nhưng vẫn không tỉnh nào phát hiện được. Đến khi đến một tỉnh khác nữa phát hiện thì mới biết chiếc xe này chở toàn gỗ lậu. Có tình trạng bảo kê của lực lượng kiểm soát không? Chúng ta có thể không khẳng định nhưng không loại trừ điều này.

Trong lĩnh vực khai thác tài nguyên có tình trạng bảo kê không? Có lẽ là có. Khai thác cát trái phép, khai thác ti tan trái phép, chở đất đá trái phép, chạy dự án đất đai… Tất cả những điều này xảy ra nhiều sẽ làm cho tài nguyên quốc gia ngày càng cạn kiệt và làm xuất hiện một tầng lớp giàu có bất chính. Điều này hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra những bất ổn trong lòng xã hội. Cho nên, nhận diện và chống tình trạng bảo kê cũng cần thiết như bất kỳ các hành vi bất hợp pháp nào trong xã hội.

Lê Phương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Oan uổng

Tụ tập băng nhóm, sử dụng hung khí, hành vi côn đồ để “giải quyết” mâu thuẫn... không chỉ xâm hại sức khỏe, tính mạng của đối tượng mà băng nhóm hướng đến mà còn gây oan uổng cho người khác.

Oan uổng
Return to top