ClockThứ Sáu, 10/12/2021 06:15

Chuyển biến từ dịch vụ môi trường rừng

TTH - Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) thật sự đi vào cuộc sống, không chỉ làm thay đổi tư duy, nhận thức quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) mà còn góp phần ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo cho một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Để chương trình trồng cây xanh đạt hiệu quả lâu bền: Phải có giải pháp thực chấtLợi ích kép từ dịch vụ môi trường rừngChung tay phục hồi hệ sinh thái

Mô hình nuôi bò của hộ dân ở Phong Mỹ (Phong Điền) từ dịch vụ môi trường rừng

Thoát nghèo, chuyển biến nhận thức

Ông Trần Văn Pháo ở thôn Dỗi, xã Thượng Lộ (Nam Đông) trước đây không hề nghĩ đến chuyện BVR, dù biết rằng rừng che chở, bảo vệ bản làng trong mùa mưa bão. Đời sống khó khăn, lại sống cạnh rừng, gia đình ông Pháo phải hằng ngày vào rừng đốn cây bổ củi bán, một thời còn lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, nhưng phận nghèo vẫn đeo đẳng.

Trong lúc luẩn quẩn với cảnh nghèo, gia đình ông Pháo được hỗ trợ 2 triệu đồng từ chính sách chi trả DVMTR, cộng thêm số tiền tích cóp, gia đình mua vật liệu làm chuồng trại, mua con giống, thức ăn... phát triển mô hình nuôi gà thương phẩm. Từ 15 con gà giống ban đầu, đến nay đàn gà phát triển lên 70 con. Mỗi năm xuất chuồng ba lứa, mỗi lứa trung bình từ 15-20 con, trừ mọi chi phí cho thu nhập từ 15-20 triệu đồng/năm. Đây là nguồn thu khá lớn không chỉ đối với gia đình ông Pháo mà với cả các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vốn còn nhiều khó khăn.

Điều kiện kinh tế từng bước ổn định từ nguồn vốn chi trả DVMTR, ông Pháo ý thức hơn trong việc tham gia QLBVR chính là bảo vệ môi trường, sự sống con người và muông thú. Ông tích cực tham gia cùng với cộng đồng thôn Dỗi, lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát rừng, kể cả những cánh rừng sâu, không quản ngày lẫn đêm, mưa gió. “Bà con đồng bào thiểu số biết tầm quan trọng của rừng, nhưng vì kinh tế khó khăn đành phải đốn cây lấy củi, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. Giờ đây kinh tế, đời sống từng bước ổn định, bà con chung tay QLBVR, cũng là cách mà chúng tôi bù lại một thời chặt phá rừng”, ông Pháo trải lòng.

Cộng đồng thôn Dỗi được đánh giá là điển hình toàn tỉnh trong sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn kinh phí DVMTR trong QLBVR gắn với phát triển các mô hình sinh kế. Cách đây bốn năm, Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Dỗi được DVMTR chi trả hơn 200 triệu đồng phục vụ quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao gần 700ha. Cộng đồng thôn trích nguồn hỗ trợ mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động BVR, một phần hỗ trợ cho 16 hộ thành viên mượn theo hình thức quay vòng để xây dựng các mô hình sinh kế. Các mô hình phù hợp với điều kiện trình độ, năng lực canh tác của người dân như chăn nuôi gà, lợn, cá, trồng tre lấy măng, trồng mây dưới tán rừng tự nhiên và dọc khe suối. Mô hình trồng tre, mây không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần phòng chống tình trạng sạt lở bờ sông, suối trong mùa mưa lũ.

Được tham gia cùng với cộng đồng, tập thể, bà con đồng bào dân tộc thiểu số được chia sẻ kinh nghiệm, truyền đạt kiến thức QLBVR kết hợp sản xuất, làm kinh tế. Mỗi chuyến tuần tra rừng, bà con kết hợp chăm sóc tre, mây, với phụ nữ thì hái măng, thanh niên trai tráng thì chăm sóc rừng mây, khai thác lâm sản phụ. Từ đó không chỉ giúp các thành viên cộng đồng thôn Dỗi gắn bó với rừng hơn mà còn làm đa dạng hệ sinh thái, chất lượng rừng ngày càng được cải thiện. Đồng thời ngăn chặn kịp thời các hành vi, dấu hiệu xâm phạm tài nguyên rừng, lấn chiếm đất rừng.

Cộng đồng thôn A Tin, xã Thượng Nhật (Nam Đông) được giao gần 290ha rừng tự nhiên với số thành viên tham gia quản lý, bảo vệ 90 hộ. Hàng năm, cộng đồng thôn A Tin được chính sách DVMTR chi trả hơn 100 triệu đồng. Số tiền này được cộng đồng trích một phần cho hoạt động tuần tra, BVR, một phần hỗ trợ các hộ nghèo mượn để phát triển sinh kế. Hộ Ta Rương Đại và Trần Văn Đát là hai thành viên được cho mượn 5 triệu đồng/hộ mua cây giống và phân bón để trồng rừng kinh tế, mỗi hộ hơn một ha. Rừng vừa mới thu hoạch lứa đầu tiên, lãi trên 50 triệu đồng/hộ, các hộ đã hoàn trả vốn để hỗ trợ cho các hộ thành viên khác. Một số hộ khác chăn nuôi lợn, chỉ trong vòng một năm lãi từ 10-20 triệu đồng đã sớm hoàn trả nợ.

Giúp gắn kết trong QLBVR

Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, ông Nguyễn Xuân Hiền cho rằng, DVMTR là chính sách tạo ra nguồn tài chính ổn định, chia sẻ gánh nặng với ngân sách Nhà nước đầu tư vào ngành lâm nghiệp. Chính sách này thông qua việc sử dụng nguồn kinh phí từ các bên hưởng lợi dịch vụ rừng để chi trả cho các hoạt động QLBVR, nâng cao chất lượng rừng. Chính sách này được áp dụng rộng rãi trên toàn quốc nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng từ năm 2011 với các dịch vụ bảo vệ nguồn nước, cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng phục vụ du lịch, hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng...

DVMTR còn được xem công cụ tạo ra nguồn tài chính để thực hiện công tác QLBVR và làm tăng thêm nguồn thu nhập cho cộng đồng từ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Hoạt động phát triển sinh kế trong cộng đồng, nhóm hộ nhờ nguồn tiền chi trả DVMTR được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống cho các thành viên trong cộng đồng, nhóm hộ. Đây là một trong những điểm nổi bật đáng ghi nhận, làm thay đổi nhận thức trong QLBVR của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Cũng từ nguồn kinh phí này đã giúp cho các bên liên quan như chính quyền địa phương, kiểm lâm và người dân gắn kết nhau hơn trong hoạt động QLBVR. Từ khi có chính sách chi trả DVMTR, rừng được bảo vệ tốt hơn, góp phần ổn định diện tích, độ che phủ rừng. Thông qua nguồn vốn chi trả DVMTR này góp phần tăng cường lực lượng đáng kể tại các chủ rừng là tổ chức không có lực lượng kiểm lâm, từ đó hình thành một lực lượng QLBVR với 226 người (trong đó lực lượng chuyên trách là 133 người và 93 người hợp đồng lao động).

Từ nguồn kinh phí chi trả DVMTR, không ít cộng đồng thôn, bản trên địa bàn tỉnh xây dựng thành công nhiều mô hình phát triển sinh kế, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng ngàn hộ gia đình là thành viên thuộc các ban quản lý rừng cộng đồng, nhóm hộ, thôn, bản. Trong khi nhiều địa phương trong cả nước triển khai việc giao rừng thông qua các ban quản lý rừng phòng hộ, thì tại Thừa Thiên Huế hình thức giao rừng được tiến hành giao trực tiếp cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình.

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 5.438 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân tham gia QLBVR, gồm 355 chủ rừng là hộ gia đình và 5.083 hộ gia đình, cá nhân là thành viên của 292 ban quản lý rừng cộng đồng, nhóm hộ; trong đó có 3.329 hộ là đồng bào thiểu số (chiếm gần 70%). Từ năm 2014 đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã chi trả trên 207 tỷ đồng tiền DVMTR để quản lý hơn 158,6 ngàn ha, chiếm 55% diện tích có rừng toàn tỉnh.

Bài, ảnh: H. Triều - V. Hoa

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập

Những năm qua, các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội nói chung và đối với người khuyết tật (NKT) nói riêng trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt, tạo điều kiện cho NKT vượt qua khó khăn, trở ngại để vươn lên sống độc lập, hoà nhập với cộng đồng.

Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập
Đầu tư dịch vụ để hút khách quốc tế

Thu hút khách quốc tế và đầu tư dịch vụ trong nhiều trường hợp như vướng vào bài toán “con gà, quả trứng”. Nhưng để phát triển du lịch, thu hút khách quốc tế, chuyện đầu tư dịch vụ xứng tầm vô cùng quan trọng.

Đầu tư dịch vụ để hút khách quốc tế
Thêm dịch vụ bổ trợ cho du lịch biển

Tuy tiềm năng du lịch biển Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng rất lớn, nhưng hiện vẫn đang chủ yếu được khai thác ở mức độ đơn giản với các hoạt động tắm biển và ăn uống thông thường. Du lịch biển cần thêm các hoạt động, dịch vụ bổ trợ.

Thêm dịch vụ bổ trợ cho du lịch biển

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top