ClockThứ Tư, 06/05/2020 08:20

Cơ cực nhà nông

TTH - Nhớ cảnh ngày mùa năm cũ, khi nhà tôi còn làm đến hơn mẫu ruộng, ngày mùa ba mạ thì đi cắt ở cánh đồng ruộng cồn bên kia sông Ô Lâu.

Phơi lúa sợ nhất là nắng ban trưa và mưa buổi chiều. Nắng mùa hè như đổ lửa mà ra giữa sân lấy hai cái chân sục lúa lên thành những đường như đường cày rồi cào lúa đều, rồi trang lúa qua một bên để cho cươi (sân) khô ráo rồi lại trang lúa ra... Mồ hôi ướt áo, bụi lúa thấm vô da xót xáy khó chịu nhưng vẫn mong trời nắng cho đến chiều tà.

Những ngày nắng to, phơi lúa khoàng 2, 3 ngày thì khô khén, mang đi dên hoặc quạt đổ vô bồ, vô bao. Nhưng trời không phải khi mô cũng chiều lòng người. Có những ngày, chừng khoảng 2 giờ chiều nghe tiếng sấm đùng đùng từ phía núi, rồi mấy cột mây dựng lên ở chân trời, rồi chẳng lâu sau thì mây gió kéo về đen đặc bầu trời, sấm rung chớp giật.

Lúc đó, dù có mải chơi cũng phải chạy về nhà để un lúa. Mấy anh em người trang, kẻ cào, bà nội thì cầm chổi nhanh tay un lúa lại. Hì hà hì hục người chạy đua với trời. Nếu nhà đông người thì có thể xúc lúa vô nhà, hoặc đổ vô bao khi hột lúa đã khô và chỉ cần một hai nắng nữa là khén. Nhưng nhà tôi khi mô cũng chỉ mấy mệ cháu nên giải pháp tốt nhất là un lúa lại thành một đống to giữa sân rồi dùng tấm bạt và rơm tươi phủ lên chống mưa.

Mà không phải khi mô cũng un kịp lúa. Có khi đang trang, cào, quét lở dở thì trời đổ mưa, cả người ướt mèm, những hột lúa vàng cũng ướt và trôi ra vườn. Khi đó chỉ biết vuốt mặt nhìn trời và mong mưa mau tạnh.

Ở quê tôi, lúa phơi ở sân gạch trước nhà. Có nhà hồi đó phơi lúa trên sân đất sét. Mưa xuống, xúc lúa không kịp, hột lúa chìm vô đất màu vàng thành màu nâu sẫm. Xót mấy hột lúa vàng nhưng người làm ruộng cũng chẳng buồn lâu làm chi, bởi là con nông dân thì ai cũng thấm câu ca làm ra hột lúa thì phải: “Trông trời trông đất trông mây - Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm...”.

Ở những làng quê xứ Huế, có những nhà tuy không phải là ngư dân nhưng bên cạnh vách nhà vẫn có những chiếc ghe nhỏ bằng nhôm hoặc bằng mây đan quét dầu rái. Đó là những nông dân biết lo xa những khi trái gió trở trời hoặc trong những cơn bão lụt... Những cơn mưa dài tháng tư khi lúa đang chín rộ xót lòng con nhà nông. Lúa đổ xuống, rạp đi. Họ thường buồn mà nói: Trời cho chộ mà không cho ăn.

Dù rứa thì họ cũng dùng những chiếc ghe nhỏ để gặt lúa. Công việc ngày mùa bây chừ còn nặng nhọc gấp mấy lần những ngày mùa có nắng. Nước dưới chân ruộng ngập ngang bụng, người cắt lúa phải cúi xuống nước chấm vào mặt để vớt từng nhánh lúa lên để cắt và chất lên ghe. Đến khi lúa chất đầy ghe thì chồng trước vợ sau thêm mấy đứa con ở giữa đẩy ghe tới chân đê để chất lúa lên chỗ khô ráo.

Mỗi sào lúa bình thường cắt khoảng nửa ngày chừ phải cắt thành một đến hai ngày. Mà ở làng tôi không phải nhà ai cũng có sẵn một chiếc ghe. Như nhà tôi, không có ghe phải thuê ghe của bà con xóm vạn để cắt lúa. Mỗi ngày thuê như vậy khoảng một bó lúa. Cũng giúp nhau là chính, mất mùa thì nhà làm ngư giúp nhà làm nông...

Mưa rơi ngoài trời, lúa đã tuốt xong rồi rải khắp nền nhà. Lúa chưa kịp tuốt thì chất trước hiên. Cả nhà nồng lên cái mùa chua của hột lúa và rơm bị thối. Nhưng sợ nhất là khi lúa nảy mầm lên trắng cả nền nhà. Cái mầm trắng vốn là hy vọng đầu mùa gieo mạ bây chừ bạc bẽo trong những đôi mắt chợt tối sầm lại của người làm nông.

Nhưng nghề nông là không bao giờ tắt hy vọng. Bát cơm lúa mới không trắng và có chút vị đắng của những hạt lúa bị dầm nước lâu ngày nhưng những hạt giống dành cho mùa sau vẫn tươi vàng.

Phi Tân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Tìm kiếm giải pháp tưới bắp tự động tốt nhất cho nhà nông

Bắp chính là một trong những cây công nghiệp được khá nhiều nhà nông lựa chọn gieo trồng. Thông thường, bà con nông dân sẽ lựa chọn gieo trồng chung một loại cây trên một mảnh vườn. Điều này giúp cho hoạt động chăm bón chúng trở nên thuận lợi hơn. Tuy nhiên, việc cấp đủ nước cho bắp cũng là điều vô cùng quan trọng. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về giải pháp tưới bắp tự động tốt nhất cho nhà nông qua nội dung sau nhé.

Tìm kiếm giải pháp tưới bắp tự động tốt nhất cho nhà nông
Gắn bó với nhà nông

Tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhà nông, nắm bắt lợi thế trồng trọt, chăn nuôi tại địa phương, anh Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã Vinh Mỹ (Phú Lộc) là “bà đỡ” của nhiều mô hình kinh tế thiết thực.

Gắn bó với nhà nông
Hỗ trợ nhà nông và bà nội trợ

Chưa đầy 1 tháng, dự án “Leafpic Pro - ứng dụng xác định thừa thiếu đạm cho cây trồng trên smartphone” liên tiếp giành hai giải thưởng lớn về khởi nghiệp. Đây là dự án có giá trị thực tiễn cao.

Hỗ trợ nhà nông và bà nội trợ
Hỗ trợ nhà nông

Bà Đặng Hoàng Ái Thụy, Chủ tịch Hội Nông dân (HND) huyện Phú Lộc thông tin: Tiếp tục hỗ trợ hội viên (HV) phát triển kinh tế, ngoài đẩy mạnh phối hợp hỗ trợ HV vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chúng tôi sẽ tập trung hỗ trợ HV theo chiều sâu; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, quảng bá sản phẩm cho nông dân...

Hỗ trợ nhà nông

TIN MỚI

Return to top