ClockThứ Năm, 22/03/2018 13:15

Cơ hội giúp trẻ tích lũy kỹ năng sống

TTH - Không thể bảo hội trại bây giờ là không vui, nhưng chắc chắn là sự sinh động, sự "đào luyện" kỹ năng sống cho trẻ đã "loãng" đi rất nhiều...

Khai mạc Hội trại kỷ niệm 60 năm thành lập trường ĐH Sư phạmGần 150 đoàn viên tham gia Hội trại Nguyễn Khánh ToànHơn 80 đoàn viên thanh niên tham gia Hội trại Nguyễn Chí ThanhKhai mạc Hội trại “Trẻ em với Festival Huế 2012”

Hội trại là cơ hội tốt giúp trẻ tích lũy kỹ năng sống (Trong ảnh: Hội trại 26/3 của Trường THCS Nguyễn Tri Phương). Ảnh: NH

Năm nào cũng vậy, cứ đến độ đầu tháng ba là học sinh các trường rộn ràng tất bật chuẩn bị cho hội trại 26/3. Không phải "than nghèo kể khổ" hay so bì so cốt, nhưng quả thật, so với thế hệ chúng tôi, lũ trẻ bây giờ quá sướng. Thời chúng tôi, để chuẩn bị cho một hội trại là phải phân công nhau lo trước cả tháng. Nào là đi xin tre để làm cọc trại. Cọc chính nếu kiếm được tre cán giáo thì tuyệt, còn không thì phải chấp nhận chọn đoạn tre nào thân nhỏ, cứng và tương đối thẳng là được. Riêng cọc con, chỉ trừ "bọn con nhà giàu" có đồ xưa để lại mới có vài cây cọc sắt, còn lại thì cọc tre cắt ngắn, vát nhọn toàn tòng. Căng thẳng nhất là khâu tăng, bạt. Nhiều trại không kiếm được chấp nhận "lợp" mái bằng tấm rèm che buồng nằn nì mượn được của bà mẹ dễ tính tốt bụng nào đó. Vật dụng sinh hoạt thì chia đứa mang soong, đứa mang chảo, đứa mang nồi, đứa mang chiếu... Lương thực thì tự cân đối, mỗi đứa mang lon rưỡi hoặc 2 lon gạo, cộng thêm mấy hào tiền chợ, cứ vậy góp vào "thổi cơm chung".

Khỏi phải nói sự háo hức mong chờ, ngày nào cũng đếm, ngày nào cũng bàn tán. Đến ngày đi, mới 4- 5 giờ sáng đã đứa này sang nhà đứa khác í a í ới náo loạn cả xóm. Có đứa cả đêm thao thức không ngủ, chỉ chờ "gà gáy" cái là đã lập tức vùng dậy đánh răng rửa mặt dọt liền. Sau khi tập kết và hành quân đến nơi hạ trại, các tổ trong lớp lập tức "tác chiến" ngay. Dưới sự trợ giúp, hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm, nam thì đứa buộc dây chăng bạt, đứa đóng cọc dựng khung...; nữ thì lo soong nồi bếp núc, gạo cơm củi lửa... Công việc cứ thế ro ro chạy, bởi trước đó, các tổ đều tìm hỏi và "tự tổ chức tập huấn" không biết bao nhiêu lần. Trại dựng xong là trang hoàng làm đẹp vì còn phải thi trại nào đẹp nhất, rồi phân công nhau nhóm đi chợ, nhóm nhặt rau, vo gạo, nấu nướng... Đứa nào đứa nấy mồ hôi mồ kê nhễ nhại, cơm thì "trên sống dưới khê tứ bề nhão nhoẹt"... Vậy mà vui vô kể, ăn ngon cũng vô kể. Tối là lửa trại, là sinh hoạt hát hò, và háo hức chờ nồi chè ăn khuya đang được mấy "đầu bếp" tích cực canh chừng...

Bây chừ, lũ trẻ đi trại quá khỏe, quá sướng. Trại thì đã có người đóng sẵn cho thuê, hoặc có dịch vụ kêu đến bao trọn gói, kiểu ta vẫn thuê làm rạp đám cưới. Cơm thì đến bữa có cơm hộp "ship" đến tận nơi... Không thể bảo là trại bây giờ không vui, nhưng chắc chắn là sự sinh động, là kỹ năng sống được "đào luyện" qua hội trại đã "loãng" đi rất nhiều. Làm sao các cháu có kỹ năng tự dựng cho mình một chỗ trú ẩn tạm khi đi dã ngoại mà không tìm ra chỗ che mưa tránh nắng? Làm sao các cháu biết cách kê bếp nhóm lò khi chung quanh chỉ là lá khô, củi mục chứ không phải là bếp ga, bếp điện như vẫn có ở nhà? Làm sao các cháu biết cách nêm nếm một nồi canh, một soong thịt hay xào một món thức ăn nào đó... Trách gì, trên sóng truyền hình quốc gia ở những chương trình nấu ăn như "Chuẩn cơm mẹ nấu" chẳng hạn, từng thấy những cô nàng to tướng nhưng đến bóc một múi tỏi, vo một nhúm gạo, thái một quả cà chua vẫn lóng nga lóng ngóng khiến khán giả "tức lộn ruột" muốn tắt béng TV cho khuất mắt.

Thế hệ chúng tôi, nam cũng như nữ, cho dù người giỏi kẻ lếu, nhưng có thể khẳng định một điều rằng không ai là không biết nấu ăn, không ai là không biết tự lập nếu phải rời xa gia đình để đi học, đi làm... Đó một phần cũng là nhờ những kỹ năng sống được tích lũy ít nhiều qua các hội trại. Trẻ em bây giờ phải học quá nhiều, ít có giờ chơi, cha mẹ lại càng không nỡ bắt phải "vo gạo, nhặt rau, bồng em, bửa củi" như trẻ của nhiều thế hệ trước. Vậy thì hội trại là những dịp rất tốt để giúp các em cọ xát, tập làm quen với những kỹ năng thiết thân của cuộc sống, và chắc hẳn không em nào là không hào hứng. Vậy lý do gì người lớn chúng ta lại phí hoài những cơ hội như vậy?

Hiền An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ

Là hoạt động thường niên, triển lãm mỹ thuật trẻ vừa là sân chơi, vừa là cơ hội để các họa sĩ tuổi đời dưới 45 của Thừa Thiên Huế bộc lộ tài năng, chứng tỏ hoạt động nghệ thuật của bản thân với giới chuyên môn và những người yêu “nghệ thuật của cái đẹp” Cố đô.

Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ
Cơ hội thu hút đầu tư nhìn từ quy hoạch tỉnh

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) là nền tảng, mở ra rất nhiều dư địa để thu hút đầu tư. Từ những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, cùng với chiến lược hoàn thiện hạ tầng trong từng giai đoạn, các doanh nghiệp sẽ tìm thấy “miền đất lành” để đầu tư, phát triển.

Cơ hội thu hút đầu tư nhìn từ quy hoạch tỉnh
Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

TIN MỚI

Return to top