|
Đô thị TP. Huế quy hoạch mở rộng về hướng biển
|
Thiên thời - địa lợi - nhân hoà là thế “chân kiềng” mà Thừa Thiên Huế đang nỗ lực với khát vọng trở thành đô thị văn hoá, di sản của Việt Nam. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch mang tầm chiến lược để các ban, ngành, địa phương có thêm những quyết sách mới, biến mục tiêu thành hiện thực, mà trước mắt là trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2025. Theo đó, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế, khoa học và công nghệ chuyên sâu…
|
Lăng Cô đang đứng trước cơ hội trở thành cực tăng trưởng phía Nam
|
Vùng đông nam của tỉnh - nơi có cảng Chân Mây hiện hữu như “trái tim” của khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (KKT CM-LC) gắn với cái tên Phú Lộc. Nơi đây với đặc trưng vùng đất vốn bạc màu được mệnh danh “cát bay cát nhảy” từng lặng yên bên sóng biển giờ đã thức giấc với bình minh của nhịp sống thị thành.
Ngoài tuổi 80, ông Nguyễn Minh Chiến (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) trở thành một trong những chứng nhân của vùng đất. Từ khi những con đường ven biển Bình An, Cảnh Dương quê ông nối ra QL1A tạo nên hình hài Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô (KKT CM-LC) đã chở theo ước mơ của bao người.
Cát thôi nóng dưới chân người mà họ hẳn nhẹ gánh mưu sinh nơi xóm biển nghèo hay trằm đất hoang hoá khô khốc với vạt lúa, đồng khoai qua những mùa vụ phó mặc cho trời. Đường sá thênh thanh ngang dọc, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, giọng nói mọi miền đã hội tụ, với nhiều phân xưởng, nhà máy, các khu du lịch, dịch vụ, cảng biển…hình thành nét đô thị. Cũng từ đây, người dân vùng cát Lộc Vĩnh, Lộc Tiến…, nhất là lớp trẻ có nhiều lựa chọn, từ giã biển, ruộng vườn để bước vào nhà máy, phân xưởng… với môi trường lao động mới, có thu nhập ổn định hơn và bớt vất vả hơn.
|
Khu kinh tế Chân Mây -Lăng Cô, điểm hẹn lý tưởng của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước
|
Không ít lần qua lại vùng đất cực Nam này của Thừa Thiên Huế, chúng tôi thật bồi hồi trước sự chuyển mình. Những ngôi trường khang trang, những con đường nhựa thoáng rộng; thấp thoáng hai bên là những nhà mái bằng, mái ngói vững chãi. Dịch vụ cũng phát triển cùng hàng quán, cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn ...phục vụ du lịch, hình thành gắn với tiềm năng biển ở Bình An, Tân Cảnh Dương...
Theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ mới đây về quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2030 và định hướng đến năm 2065, KKT Chân Mây-Lăng Cô với các xã, thị trấn hiện hữu, như Lộc Vĩnh, Lộc Tiến, Lộc Thuỷ, thị trấn Lăng Cô và thêm một phần mở rộng sẽ được đầu tư xây dựng trở thành đô thị Chân Mây loại III mang nét đặc trưng đô thị công nghiệp, dịch vụ du lịch, hậu cần cảng biển, logistics... ở khu vực phía Nam.
|
Biển Cảnh Dương là điểm nghỉ dưỡng thu hút du khách
|
Đến thời điểm này, tại KKT CM-LC, nhiều tập đoàn mang thương hiệu quốc tế đến đầu tư, với hơn 52 DA đã, đang chuẩn bị vào hoạt động với tổng vốn hơn 83.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hơn 4.400 lao động. Trong số này có DN được xem là “sếu đầu đàn”, như Laguna Lăng Cô; Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế..., góp phần kết nối, thúc đẩy KT-XH tỉnh và cả khu vực miền Trung phát triển.
“Tạo nền” cho mục tiêu phát triển mới, hiện nay, tỉnh đang tiếp tục quan tâm phát triển hệ thống hạ tầng, nhất là giao thông kết nối các khu chức năng, giao thông đối ngoại để cụ thể hóa quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, các vấn đề như công tác quản lý hiện trạng, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, việc làm, an sinh xã hội phục vụ cho mục tiêu mới không chỉ riêng cho KKT CM-LC và khu vực đô thị phía Nam cũng đang được chú trọng.
|
Cảng Chân Mây tấp nập àu xe ra vào “ăn hàng”
|
Còn nhớ, tại một hội nghị tiếp cận, kêu gọi các nhà đầu tư quốc tế vào KKT CM-LC, về giải pháp thúc đẩy phát triển, theo ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh, ngoài việc khớp nối hạ tầng theo quy hoạch, tỉnh tiếp tục có những chính sách thu hút đầu tư phù hợp nhằm kêu gọi, lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu quốc tế, đủ năng lực, kinh nghiệm để xây dựng một đô thị đúng tầm vóc ở cực Nam của Thừa Thiên Huế theo quy hoạch khi toàn tỉnh lên thành phố trực thuộc Trung ương và giai đoạn 2025-2030, tạo thành cực tăng trưởng thúc đẩy kinh tế lớn của miền Trung.
Mục tiêu cho đô thị Chân Mây từ sau năm 2025 đến 2030 khi cả tỉnh lên thành phố trực thuộc Trung ương đã nằm trong tầm tay từ thời điểm này. Bởi ngoài tiềm năng vị thế phát kinh tế du lịch, cảng biển, nền tảng cơ sở hạ tầng đã nên vóc dáng với hệ thống giao thông được liên hoàn cùng hệ thống cao tốc La Sơn-Tuý Loan, cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài, QL1A, đường sắt Bắc-Nam kết nối đô thị TP.Đà Nẵng; TP.Hội An, Tam Kỳ (Quảng Nam)… phát triển thành một chuỗi đô thị, khu kinh tế đồng bộ, tạo cửa ngõ cho vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và tiểu vùng sông Mêkông thông ra với thế giới. Từ một vùng quê nghèo, nhiều vùng cát trắng ven biển, bức tranh đô thị phía Nam dần định hình với những điểm nhấn nhiều kỳ vọng.
|
|
|
|
Mục tiêu hướng đến năm 2025, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, cấu trúc không gian đô thị Thừa Thiên Huế gồm “Một hệ thống di sản đồng bộ, hai không gian sinh thái cảnh quan, ba hành lang kinh tế, ba trọng điểm phát triển đô thị và bốn phân vùng quản lý phát triển”, phù hợp với định hướng quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó, có 3 khu vực trọng điểm phát triển đô thị. Ngoài khu vực phía Nam, bên cạnh khu vực trung tâm là đô thị TP. Huế đang mở rộng thì khu vực phía Bắc là huyện Phong Điền sẽ gánh trọng trách mới lên đô thị loại 4, trở thành thị xã, góp phần đưa Thừa Thiên Huế lên đô thị loại I, trực thuộc Trung ương trong thời gian đến.
|
Giao thông kết nối liên vùng ở khu vực đô thị Phong Điền
|
Với hướng đi của mình, thời gian qua, Phong Điền đã nỗ lực xây dựng và phát triển hạ tầng, như nâng cấp chỉnh trang lề đường vỉa hè và các trục đường mới liên khu vực trung tâm huyện, khu vực An Lỗ (Phong An, Phong Hiền) tạo bộ khung cho đô thị, kết nối các xã. Với nhu cầu phát triển tự thân có sự sắp đặt, những sôi động phát triển về công- nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch không chỉ khu biệt ở thị trấn Phong Điền mà lan toả các vùng đồi Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ và hướng về đông giáp biển như Điền Lộc, Điền Hải….
Từ năm 2018, khi tuyến đường Phong Điền-Điền Lộc khởi công và những tuyến "huyết mạch" nối trục đông-tây làm thức dậy nhiều kỳ vọng cho cả một vùng, hứa hẹn sẽ khép kín hệ thống giao thông liên vùng nối từ núi đến đồng bằng và đồng bằng về biển. Tuyến Phong Điền-Điền Lộc hiện đang hoàn thiện giai đoạn cuối sẽ nối với cao tốc Cam Lộ-La Sơn qua TL9 và vào Khu Công nghiệp Phong Điền; xuôi về phía biển. Từ đây kết nối cụm Ngũ Điền và đường ven biển Bắc-Nam của tỉnh dài hơn 100km nối từ Phong Điền đến Phú Lộc- nơi giàu tiềm năng đất đai, hệ sinh thái nuôi trồng thuỷ, hải sản.
|
KCN Phong Điền là vùng đất lành cho các nhà đầu tư hiện nay
|
Một dấu ấn đáng kỳ vọng ở Phong Điền hiện đã được bộ, ngành liên quan quy hoạch cảng biển Điền Lộc nằm trong đô thị Điền Lộc-Điền Hải sẽ xây dựng trong vài năm tới để tiếp nhận tàu có trọng tải 50 nghìn DWT. KCN Phong Điền được mở rộng không chỉ ở địa bàn trung tâm huyện lỵ mà phát triển đến Phong Chương, Phong Bình, Phong Hoà sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn. Vùng đồi Sơn-Xuân-Mỹ được quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề, cùng với các dự án phát triển du lịch sinh thái, hồ thác, di tích lịch sử vùng chiến khu xưa…
Gần đây, tỉnh tiếp đón nhiều tập đoàn kinh tế nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư, phát triển các dự án du lịch, dịch vụ ở vùng cát Điền Lộc, Phong Bình, Phong Chương… với diện tích hàng nghìn ha.
|
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi vấn đề quy hoạch chiến lược vùng đất phía nam với các nhà đầu tư trong và ngoài nước
|
Nội dung: MINH VĂN - HOÀI THƯƠNG
Ảnh: SONG MINH - HỒ TUẤN
Biểu đồ: MINH TUẤN
Thiết kế: QUANG THIỀU
>> Kỳ 2: Định hình bản sắc đô thị