ClockThứ Sáu, 22/10/2021 20:19

Con đường của ý chí và khát vọng

TTH.VN - Cùng với đường Hồ Chí Minh xuyên dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển - con đường vận tải chiến lược bí mật, bất ngờ và hiệu quả trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước là một sáng tạo độc đáo, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nghệ thuật chiến tranh Nhân dân; biểu tượng của ý chí và khát vọng thống nhất non sông của dân tộc Việt Nam.

Rẽ sóng bạc đầu, mở đường xuyên biển

Tàu Không số vận chuyển hàng hóa, vũ khí vào Nam trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: Tư liệu

Là sự sáng tạo chiến lược

Trước sự phát triển của phong trào đấu tranh cách mạng miền Nam, đầu năm 1961, Thường trực Quân ủy Trung ương xác định: “Cuộc đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta ở miền Nam đã bước sang một giai đoạn mới và ngày càng trở nên gay go, quyết liệt... Muốn đẩy mạnh cách mạng miền Nam tiến lên giành thắng lợi quyết định cần phải kiên quyết chi viện cho miền Nam những thứ mà chiến tranh cần thiết. Miền Bắc phải thực hiện nhiệm vụ này với tất cả khả năng của mình trên nguyên tắc góp sức đẩy mạnh cách mạng miền Nam, nhưng vẫn giữ vững hòa bình ở miền Bắc... Việc chi viện cho miền Nam có tính chất lâu dài và toàn diện”.

Ngày 23/10/1961, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đoàn 759 (trên cơ sở Tiểu đoàn 603 được thành lập tháng 7/1959, có nhiệm vụ nghiên cứu, tìm phương thức vận chuyển bằng đường biển), mà nòng cốt là Đoàn tàu Không số, do Trung tá Đoàn Hồng Phước làm Đoàn trưởng (tiền thân của Lữ đoàn 125 thuộc Hải quân Nhân dân Việt Nam), đánh dấu sự ra đời đường Hồ Chí Minh trên biển, nhằm vận chuyển vũ khí, trang thiết bị chiến tranh từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ.

Việc mở đường Hồ Chí Minh trên biển là một chủ trương kiên quyết, táo bạo của Trung ương mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự quyết định sáng suốt đó là kết quả của sự kết hợp về “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” và đã mang lại những đóng góp vô cùng to lớn.

Cùng với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn (đường 559), đường Hồ Chí Minh trên biển (đường 759), là sự thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng, lòng dũng cảm và khí phách của một dân tộc anh hùng; một huyền thoại vĩ đại, một “kỳ tích” của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX.

Đường Hồ Chí Minh trên biển không chỉ là phương thức chi viện mới hết sức quan trọng, trực tiếp cho các chiến trường miền Nam, mà còn là một sáng tạo chiến lược của Đảng ta về chiến tranh Nhân dân.

Trong suốt quá trình tồn tại, đường Hồ Chí Minh trên biển thực hiện gần 2.000 lượt tàu thuyền vượt biển vào Nam, vận chuyển hàng chục ngàn cán bộ từ Bắc vào Nam, cùng gần 160 nghìn tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh chi viện cho chiến trường, cập 19 bến bãi thuộc địa bàn 9 tỉnh miền Nam, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, góp phần to lớn làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử.

Vượt qua thử thách, cập bến vinh quang

Xuất phát từ vị trí chiến lược quan trọng của đường Hồ Chí Minh trên biển, đế quốc Mỹ đã dùng mọi thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, điên cuồng tìm cách chặt đứt nguồn chi viện từ miền Bắc vào Nam. Những cuộc đấu trí căng thẳng trên biển diễn ra, đã có những tổn thất, hy sinh. Trên con đường vận chuyển ấy, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu Không số luôn trung thành với Đảng, với Nhân dân, nêu cao ý chí quật cường, tinh thần mưu trí, sáng tạo, sẵn sàng xả thân chiến đấu hy sinh để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Bác Hồ và Quân đội giao phó với tinh thần “Vì miền Nam ruột thịt”.

Thành công của những chuyến vận chuyển vũ khí, hàng hóa đã trực tiếp góp phần đẩy mạnh chiến tranh Nhân dân, xây dựng và phát triển khối chủ lực ở chiến trường Nam Bộ, Nam Trung Bộ; góp phần làm nên những chiến thắng oanh liệt của quân dân ta trên khắp chiến trường miền Nam. Đặc biệt, sự xuất hiện kịp thời những loại vũ khí hiện đại, có tính năng chiến đấu cao đã làm thay đổi cách đánh, thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch, tạo đà cho cách mạng miền Nam tiến lên và giành thắng lợi.

Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, hàng ngàn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh của Trung ương chi viện cho chiến trường miền Nam qua đường Hồ Chí Minh trên biển đã đến được với nhiều địa phương dọc duyên hải miền Trung, đến tận mũi Cà Mau, nơi mà đường Trường Sơn không thể vươn tới, để tiếp sức cho cuộc kháng chiến đến đích thành công.

Đó là một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, đã đi vào lịch sử thế giới như một trong những chiến công vĩ đại nhất của thế kỷ XX, khẳng định giá trị văn hóa và nền nghệ thuật quân sự đặc sắc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

NGUYỄN ĐÌNH DŨNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG (15/4/1974 - 15/4/2024)
Mài sắc ý chí, gan dạ, dũng cảm

50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cùng với lực lượng công an toàn tỉnh, lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) không ngừng nỗ lực, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; vì sự bình yên cuộc sống của Nhân dân.

Mài sắc ý chí, gan dạ, dũng cảm
Khát vọng Thái Hòa

Trong thế giới quan Á Đông, mối quan hệ giữa Trời - Người - Đất được kết nối qua thế giới động, thực vật, với vô vàn quan niệm nhân sinh thiêng liêng để trừ tà, cầu an cho con người và vạn vật. Trong đó, Tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng) khởi đầu từ Rồng là một biểu trưng của tạo hóa trong khát vọng cầu mùa mãnh liệt của cư dân nông nghiệp gắn liền với nắng, mưa... trong tín ngưỡng phồn thực, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, xua tan ôn dịch.

Khát vọng Thái Hòa
Sức trẻ với ý chí và trách nhiệm

Dù mới vào đầu mùa sơ tuyển, thế nhưng tại huyện Quảng Điền xuất hiện nhiều thanh niên là những đoàn viên viết đơn tình nguyện nhập ngũ, nối tiếp truyền thống vẻ vang của cha ông, thể hiện ý chí, trách nhiệm đối với Tổ quốc, sẵn sàng lên đường bảo vệ quê hương, đất nước.

Sức trẻ với ý chí và trách nhiệm
Lê Duy Ngọc và con đường nuôi dưỡng ước mơ

Sinh năm 1989, yêu hội họa từ thời bé, năm 2010, Lê Duy Ngọc rời quê hương Tuyên Hóa, Quảng Bình vào Huế để nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật và tìm con đường chinh phục ước mơ.

Lê Duy Ngọc và con đường nuôi dưỡng ước mơ
Return to top