ClockThứ Ba, 21/04/2015 10:53

“Con sợ mẹ không có tiền chữa bệnh, mẹ chết…”

TTH - Khi chị Võ Thị Liên (trú tại thôn La Khe Trẹm, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà) biết mình mắc căn bệnh ung thư vú, cũng là lúc chồng bỏ đi theo người đàn bà khác. Không nhà cửa, không một xu dính túi, người phụ nữ bất hạnh cùng hai đứa con dại nương nhờ mẹ già gần 80 tuổi.

Khối u ác tính ngày càng lớn, sức khỏe càng yếu, nhưng chị vẫn phải gắng gượng đi cạo mủ cao su, chặt vác cây thuê, nuôi mình, nuôi con qua ngày, lấy đâu ra tiền chữa bệnh? Lúc hoàn toàn kiệt quệ, chị Liên được những người tốt bụng trong thôn đưa đến bệnh viện phẫu thuật từ khoản tiền hơn 20 triệu đồng gom góp, chạy xin nhiều nơi.

Chị Liên trơ trọi một mình tại bệnh viện

Vợ ung thư, chồng bỏ theo người khác 

Trên giường bệnh tại khu vực hóa trị Khoa Ung bướu Bệnh viện Trung ương Huế, người phụ nữ gầy gò trong chiếc áo bệnh nhân rộng thùng thình, trùm miếng vải cũ che mái đầu đã rụng sạch tóc vì hóa chất, ngồi co ro phía cuối giường, mặt tái nhợt bởi những cơn đau giằng xé. Lời kể của chị hổn hển, đứt quãng trong từng cơn thở khó nhọc: “Tui bị ung thư giai đoạn cuối. Các khối u đã di căn khắp cơ thể, vào lách, gan, xương… Đau lắm! Có lúc tưởng không chịu nổi”. Cố gắng không khóc vì bệnh tật đau đớn hành hạ, nhưng người phụ nữ lại không kìm được nước mắt bởi sự nghiệt ngã của số phận.

Cũng như nhiều thôn nữ nghèo ở làng La Khe Trẹm, sau khi lấy chồng, chị Liên cùng chồng vào TP Hồ Chí Minh làm thuê kiếm sống. Công việc phụ hồ vất vả nhưng thu nhập không đủ cho hai vợ chồng, ba đứa con với khoản tiền thuê trọ đắt đỏ và rất nhiều khoản chi tiêu khác. Nén thương nhớ, chị Liên gửi cậu con trai đầu về quê, nhờ mẹ già chăm sóc, tính lúc nào ki cóp dành dụm được chút ít, lại đón con vào đoàn tụ. Vậy nhưng dự định chưa thực hiện được, thì chị không may mắc bệnh hiểm nghèo. Chồng chị Liên đành đoạn bỏ mặc vợ, đi theo người đàn bà khác. “Anh ta bảo, tui bị bệnh nên anh ta sẽ đem theo thằng cu út 2 tuổi, Tôi tự lo liệu cho hai đứa lớn. Xa lìa con nhỏ tôi đứt ruột đứt gan, nhưng biết làm sao khi trong người mang trọng bệnh, lại không có nhà, không một xu dính túi…” - chị Liên sụt sùi.

Lúc mới phát hiện bệnh, bác sĩ bảo phải mổ. Nhưng vì chồng bỏ, không có tiền, chị Liên ngậm ngùi trở về quê nương nhờ mẹ già. Ngôi nhà “bằng bàn tay” làm “ké” trên miếng đất làng cho người mẹ, trống huơ trống hoác, duy nhất chỉ một chiếc giường ọp ẹp. Trong lúc đó, chi phí cho ca mổ hơn 20 triệu đồng. Người phụ nữ bất hạnh phó mặc bệnh tật cho “trời”, hàng ngày gắng gượng làm thuê từ cạo mủ cao su đến làm te (chặt và vác cây thuê) hoặc bất cứ công việc gì, dẫu nặng nhọc nhưng kiếm ra tiền nuôi mình, nuôi con. Được một thời gian, khối u ác tính ngày càng lớn. Những cơn đau hành hạ khiến chị kiệt quệ, suy sụp, đi đứng không vững. Mẹ già và người dân trong thôn chạy ngược chạy xuôi xin chỗ này, chỗ kia mỗi nơi một ít, gom góp người 50 chục, kẻ 100 nghìn đồng, được tổng cộng hơn 20 triệu đồng cho chị Liên nhập viện phẫu thuật. Sau ca mổ, lẽ ra phải tiếp tục xạ trị, nhưng không còn tiền nên chị Liên xin xuất viện, về nhà tìm các loại lá mà người ta mách miệng, sắc nước uống. Lại đi cạo mủ cao su, làm te, ai thuê gì làm nấy… “Vậy mà cũng qua được 4 năm. Nhưng bây giờ không cầm cự được nữa. Các khối u di căn khắp cơ thể. Tui bệnh như thế này làm mẹ già khổ lây. Đã 78 tuổi còn phải lặn lội qua Lào rửa chén bát thuê, ki cóp từng đồng gửi về phụ tiền chữa bệnh cho tui” - chị Liên ngậm ngùi.

Gia cảnh thương tâm

Chị Liên có một anh trai và hai chị gái, nhưng tất cả đều nghèo khổ và sinh sống tại các tỉnh xa. Cố gắng lắm cũng chỉ gửi phụ giúp em chút tiền. Đứa con trai lớn mới 15 tuổi nhưng từ lúc mẹ bệnh nặng phải bỏ học, vào TP Hồ Chí Minh học nghề. Đứa con gái thứ 2 đang học lớp ba, được một người trong thôn đem về chăm sóc. Trơ trọi một mình ở bệnh viện, giữa những cơn đau khủng khiếp hành hạ, người phụ nữ bất hạnh như chiếc lá héo. Các khối u di căn vào xương sống, nhiều đêm đau quá không nằm được, chị ngồi khóc thầm trong bóng tối. “Những bệnh nhân cùng phòng ai cũng có người thân bên cạnh xoa bóp cho dịu bớt cơn đau. Tui mẹ già con dại phải tứ tán xa ngái mưu sinh. Khóc cũng phải cắn răng lại để khỏi ảnh hưởng người khác. Nhưng đau mấy tui cũng ráng chịu đựng. Chỉ sợ không có tiền chữa bệnh thì…”, bỏ nửa chừng câu nói, người phụ nữ đang cận kề cửa tử nuốt nước mắt.       

Cần lắm những tấm lòng nhân ái, hỗ trợ chia sẻ với chị Võ Thị Liên (thôn La Khe Trẹm, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, số điện thoại 0126.7100.782, hiện đang điều trị tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Trung ương Huế). Hoặc sự hỗ trợ xin gửi về Báo Thừa Thiên Huế, 61 Trần Thúc Nhẫn, TP Huế.

Trong bóng chiều tà, ngôi nhà nhỏ lạnh vắng sau chiếc cổng tre xiêu vẹo và những cánh cửa đóng im lìm. Đứa bé gái nhỏ thó, lủi thủi chạy về, leo lên bậc thềm ngồi ủ rũ, ánh mắt thảng thốt...“Đó là Võ Thị Linh, con gái chị Liên. Chiều nào nó cũng về nhà ngồi ngơ ngác thế này. Tội nghiệp!”- chị Lê Thị Ớt, người hàng xóm tốt bụng đang cưu mang đứa trẻ thở dài. “Trước lúc qua Lào làm thuê, bà ngoại nó rớm nước mắt nói, nếu bà có mệnh hệ gì, nằm lại trên đất khách quê người, bà cắn rơm cắn cỏ nhờ tui cưu mang hai đứa cháu”- chị Ớt không cầm được nước mắt kể lại. Cách đây nửa tháng, thằng anh 15 tuổi đã theo người làng vào TP Hồ Chí Minh học nghề mong tự kiếm sống. Linh mới 9 tuổi nhưng đã tự ý thức hoàn cảnh của mình. Mỗi buổi sáng cầm cái bánh mỳ chị Ớt mua cho, lúc nào nó cũng ngại ngùng bảo: “Dì cho con bánh mỳ không nhân là được rồi, đừng mua bánh kẹp nhân, tốn tiền lắm”. Chị Ớt nói, gia đình chị cũng không thể chăm sóc tốt đứa trẻ mãi được nên đang dò hỏi các trung tâm bảo trợ xã hội hoặc có ngôi chùa nào nuôi trẻ em côi cút thì gửi Linh vào. Ngoài giờ đứa trẻ đi học, lúc nào rảnh, người nhà chị lại chở Linh về bệnh viện cách chừng 15km thăm mẹ. Nghe nhắc đến mẹ, cô bé tủi thân bật khóc. Em nói trong tiếng nấc: “Con nhớ mẹ, thương mẹ lắm. Con sợ mẹ không có tiền chữa bệnh, mẹ chết…”.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để sông Hương mãi xanh

Không vui và lấy làm tiếc là cảm giác của không chỉ tôi mà cả nhiều người trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và cầu gỗ lim vào mỗi sáng khi nhìn thấy cảnh tượng hoa đăng giấy nổi bập bềnh bên bờ sông Hương - dòng sông thơ mộng và đẹp nổi tiếng của Huế.

Để sông Hương mãi xanh
Chuyện tử tế bên cầu Ga Huế

Chiều muộn, một người đàn ông lớn tuổi, tóc hoa râm ngồi cặm cụi băng bó hai chiếc chân đế bằng sắt của tấm pano vừa được lắp trên cầu ga Huế. Ông bảo làm thế để tránh thương tích cho người nếu không may va phải, nhất là những ngày này Huế đón người dân, du khách nơi khác về rất đông.

Chuyện tử tế bên cầu Ga Huế
Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông

Tại một số tuyến đường, tình trạng cây xanh không được cắt tỉa mọc lấn ra đường che lấp đèn tín hiệu giao thông. Điều này không những gây mất mỹ quan, mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy đối với người tham gia giao thông.

Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông
Return to top