ClockThứ Ba, 07/08/2012 13:45

Đặc sản Huế trong siêu thị

TTH - Sự có mặt của các đặc sản Huế không lạ. Vậy nhưng, được tập trung để hình thành nên những quầy hàng đặc sản Huế thì lại là câu chuyện mới, nhiều trăn trở và tâm huyết của những người quản lý các siêu thị lớn trên địa bàn.

Big C Huế là cơ sở duy nhất hiện nay trong chuổi hệ thống siêu thị Big C ở khu vực miền Trung có quầy đặc sản địa phương. Với tên gọi “Đặc sản Huế” ở ngay tại một trong những vị trí dễ tìm nhất, đến với quầy đặc sản Huế của Big C Huế, người mua dễ dàng nhận ra các hàng hoá từ lâu đã là niềm tự hào của vùng đất Cố đô. Có thể kể, đó là mè xửng Thiên Hương, tôm chua Tô Việt hay rau Hoá Châu.

 

Gian hàng đặc sản Huế được Siêu thị Big C bố trí nằm ngay cửa ra vào tạo điều kiện để khách hàng dễ dàng lựa chọn. Ảnh: Thanh Hương

 

Còn ngay từ khi mới ra đời, cách nay 4 năm, Co.op mart Huế đã tạo được ấn tượng với quầy hàng “Huế Thương”. Quầy hàng phục vụ khách du lịch của Co.op mart tiếp tục được duy trì và phát triển. Hiện nay, quầy hàng đặc sản Huế nổi bật của siêu thị lớn nằm ngay cầu Trường Tiền và chợ Đông Ba nổi tiếng này đã là điểm đến của đông đảo khách du lịch trong những chuyến tham quan Huế và khách hàng có thể dễ dàng tìm mua ở đây nhiều món quà lưu niệm của xứ Thần kinh mà không còn phải băn khoăn về giá cả cũng như chất lượng an toàn vệ sinh.

 

Đặc sản Huế không thiếu. Một thời vùng đất này là kinh đô của cả nước. Tuy nhiên, thực tế các đặc sản Huế đến với các siêu thị đã không dễ dàng và sự ra đời của những quầy đặc sản Huế được xem là nỗ lực lớn của những siêu thị Huế. Vẫn chưa có nhiều những nhà sản xuất địa phương có đủ năng lực có thể cung ứng được một khối lượng sản phẩm lớn đảm bảo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của các siêu thị.

 

Sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, mua bán theo một thói quen định sẵn “xưa bày nay làm”, người sản xuất là những nông dân hay thợ thủ công còn e ngại với việc quảng bá sản phẩm, chưa quen với thủ tục thanh toán bằng hoá đơn, chứng từ cũng là một trở ngại. Dịp Tết Nhâm Thìn là một ví dụ, chính cái hoá đơn chứng từ tưởng chừng đơn giản đã làm “khổ” siêu thị Co.op mart và những người làm mứt. Mứt Huế là đặc sản mùa vụ. Các cơ sở sản xuất vào mùa làm mứt tết đã không hề nghĩ đến chuyện phải chuẩn bị trước đó những chứng từ và hoá đơn. Vậy là, nước đến chân mới lo và thực tế là, cũng bởi những vấn đề mang tính thủ tục kia mà mứt Tết sớm phải chuyển từ phía Nam ra, còn các loại mứt Huế ròng phải đến 25 Tết mới vào được siêu thị Co.op mart để đến với người tiêu dùng.

 

Để có mặt trong siêu thị hiện đại, các loại hàng hoá, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm phải tuân thủ những quy định mang tính bắt buộc và trong nhiều trường hợp gắn liền với những chi phí không nhỏ. Chẳng hạn, với mặt hàng thực phẩm như mắm tôm phải có mẫu kiểm nghiệm vi sinh được công nhận đảm bảo. Chi phí cho mẫu công bố là 2 triệu đồng và sau đó mỗi năm 2 lần là mức chi phí từ 600- 700 ngàn đồng cho một mẫu kiểm nghiệm định kỳ. Chưa kể đến những thủ tục hành chính đang khá rườm rà, được xem là những trở ngại lớn cho các mặt hàng đặc sản Huế, đặc biệt là đối với những mặt hàng còn được tổ chức sản xuất nhỏ lẻ trong các gia đình.

 

Vẫn còn nhiều đặc sản Huế đang nằm bên ngoài các siêu thị. Trong khi bưởi Năm Roi được bày bán khá nhiều tại các siêu thị ở Huế, trong đó có Co.op mart, thì lại không thấy bóng dáng của đặc sản thanh trà Huế. Cũng không hiếm những mặt hàng sản phẩm trong các siêu thị ghi rõ đặc sản Huế nhưng lại sản xuất tại TP Hồ Chí Minh (!). Huế đã và đang là một thương hiệu đặc biệt mà những nhà sản xuất kinh doanh luôn tính đến, nhưng chưa được địa phương khai thác một cách hiệu quả.

 

Với những siêu thị lớn như Big C hay Co.op mart hằng ngày có 3.000- 5.000 khách hàng mua sắm và có chuỗi hệ thống liên kết quốc gia và quốc tế, sự ra đời của những quầy hàng đặc sản Huế tạo ra tác động tích cực nhiều mặt. Người tiêu dùng hưởng lợi. Nhà phân phối có thêm mặt hàng sản phẩm phong phú. Những cơ sở sản xuất địa phương tìm được đầu ra lớn cho sản phẩm, có được điều kiện để mở rộng sản xuất, đa dạng hoá các mặt hàng, đặc biệt là có cơ hội để quảng bá sản phẩm, không còn bị “đóng khung” trong phạm vi địa phương nhỏ hẹp. Vậy nên, tháo gỡ ngay những rào cản để đưa ngày càng nhiều những đặc sản Huế vào trong các siêu thị là vấn đề cần làm ngay.

 

Đan Duy

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Trước những chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị liên quan đã có nhiều hoạt động phối hợp tăng cường kiểm tra các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng. Theo đó, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước đã dần thu hẹp.

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Hoãn đấu thầu vàng: Doanh nghiệp không mặn mà hay đang 'nghe ngóng'?

Do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu vàng vào 10h sáng nay (ngày 22/4); đồng thời, công bố sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào sáng mai, thứ Ba, 23/4.

Hoãn đấu thầu vàng Doanh nghiệp không mặn mà hay đang nghe ngóng

TIN MỚI

Return to top