ClockThứ Năm, 22/12/2016 13:50

Đất đã bén duyên người

TTH - Vượt bao núi đồi để đến với nhau, những đôi trai gái chọn đất Việt làm nơi dừng chân sau dặm dài của đại ngàn sương gió. Nơi đây, khi đất đã “bén” hơi người, họ được chính quyền tạo điều kiện nhập quốc tịch, cấp đất đai ổn định cuộc sống…

Một góc “xóm Việt kiều A Bã, Nhâm

Đơm hoa kết trái

Bản A Bã (xã Nhâm, A Lưới)  có khoảng hơn 60 nóc nhà, nằm thấp thoáng trong những rừng cây còn nguyên sơ. Nơi đây, nhiều mối tình đẹp của những người con trai, con gái Việt - Lào đã đơm hoa, kết trái.

 Kê Rờ Nguân (44 tuổi, ở thôn A Bã, xã Nhâm) vốn là của dân huyện Ka Lừm, tỉnh Sê Kong, Lào. Thời chống Mỹ, bố mẹ Nguân là bộ đội Trường Sơn. Sau ngày giải phóng họ trở lại đất Lào sinh sống tại huyện Ka Lừm. Mãi năm 1993, Nguân theo gia đình về lại A Bã. Những ngày đầu về đây, họ phải chặt tranh làm chòi lá, đánh cá trên sông A Sáp để sinh sống. Những đồi nương xung quanh nhà được họ khai hoang trồng cây lúa nước, lúa rẫy. Sau này, chính quyền địa phương hỗ trợ cây giống để trồng rừng kinh tế.

Kê Rờ Nguân nhớ lại: “Về A Bã sống rồi, mình vẫn liên lạc với bạn bè, anh em. Từ đây qua Lào phải vượt mấy con dốc, con suối, đi 2 ngày 1 đêm mới tới. Nhờ qua uống rượu với trai bản mình mới quen được A Riêng Nuốt- vợ mình bây giờ”. Nghĩ về chặng đường Kê Rờ Nguân lấy vợ người Lào là cả những tháng ngày đi lại giữa núi đồi biên viễn. Ban đầu, Nguân phải trở lại nhờ anh em bà con làm quen với lớp trai bản bên đó. Rồi ngày đám hỏi, cả đoàn nhà trai gồng gánh lễ vật gồm trâu, bò, dê, gà và 1 thanh la, sang Ka Lừm làm lễ “Sẽ a say” (đám hỏi) với nhà gái.

A Riêng Sưng được chính quyền tạo điều kiện nhập Quốc tịch, ổn định cuộc sống

Với đồng bào A Bã (xã Nhâm), dốc và hang A Cứp đã trở thành một “chứng tích” cho tình yêu đôi lứa dám vượt núi non trọn thề nguyền. Nguân tâm sự: “Hang A Cứp được bộ đội Trường Sơn gọi là cao điểm 2.800. Hồi xưa cũng như bây giờ, muốn qua thôn A Bã của Lào, đoàn đi đều phải nghỉ chân tại hang này vì trời tối. Tại hang này mấy chục năm nay đã có hàng trăm đoàn cưới hỏi giữa những nhà trai nhà gái dừng chân tại đây”.

Trong những lần qua thôn A Róc (huyện Ka Lừm, tỉnh Sê Kong, Lào), buôn bán với dân làng ở đây, A Cờ Rập (30 tuổi, ở thôn A Bã) quen được chị Ka Riêng Nhàng. Sau hai năm tìm hiểu, cùng với sự đồng ý của bố mẹ Nhàng và đám trai bản đã quen chén rượu Tà Vạt anh Rập mời, nhà gái đồng ý cho nhà trai sang làm lễ “Sẽ a say”.

Cũng như Kê Rờ Nguân, năm 2000, A Cờ Rập mang vợ về đất Việt, được chính quyền cấp đất sản xuất, tạo điều kiện làm các giấy tờ hộ tịch. Đến nay, họ đã ổn định cuộc sống, con cái được đến trường. “Giờ mình có đất sản xuất, có hàng quán để bán, vợ cũng có việc làm. Những gì mình có ngoài công sức lao động hai vợ chồng, còn có sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền nữa”, A Cờ Rập nói như tri ân.

Đất đã bén duyên người

Ghé nhà A Riêng Sưng (36 tuổi, còn gọi là Hồ Tưng Hà, thôn A Bã), anh tất tả rót nước mời khách, rồi “gọi với” sau hồi nhà bảo vợ “vào nói chuyện cho vui”! Hỏi về chuyện duyên số hai người, chị Hồ Thị Lưu, vợ anh Sưng cười bẽn lẽn: “Không kể mô, chuyện lâu rồi, từ bên Lào”. Chuyện se duyên giữa người con gái Tà Ôi là chị Lưu dân bản bây giờ không nhắc tới nhiều bằng việc với sức trẻ, hai vợ chồng A Riêng Sưng đã khai hoang, phát triển kinh tế hộ gia đình, trở thành một trong những thanh niên làm kinh tế giỏi của xã.

Theo Phòng Tư pháp huyện A Lưới, toàn huyện có 12 xã giáp biên giới với nước bạn Lào. Trong những năm qua, địa phương đã triển khai hoàn thiện giấy tờ, nhập quốc tịch, ổn định cuộc sống cho hàng trăm hộ dân. Tại thôn A Bã (xã Nhâm) đã tổ chức kết nghĩa với bản A Róc, I Reo (huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào). Đến nay, toàn xã Nhâm có 62 người Lào được các cấp tạo điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam.

Hiện tại, A Riêng Sưng có 1 ha lúa rẫy, cây ăn quả, ngô, sắn, cùng 10 ha keo tràm nằm bên dòng A Sáp và đàn bò gần 20 con. Ngồi kể về chặng đường “đất bén duyên người” để có được cơ ngơi ngày hôm nay, A Riêng Sưng tâm sự: “Hồi đó mình về, vùng đồi Ta Keo còn khá hoang vu. Chính quyền cấp cho đất sản xuất, đồi nương ở đây chỉ quen với lúa rẫy. Làm lúa rẫy thì nhờ trời nên năng suất thấp, chỉ đủ ăn trong 3 tháng. Thế là mình xin chính quyền thuê đất, khai hoang vùng đồi ở thôn Ta Keo (xã Nhâm)”.

Mười ha đất nằm chênh vênh bên sông A Sáp, sau ròng rã cả năm trường đốt thực bì, cải tạo đất đã nên hình hài. Nhìn qua sông A Sáp, đồi A Cứp, sau lưng là đồi nương quê nhà, Sưng cảm thấy như có nguồn động lực ấm áp vô cùng! Có những ngày làm quần quật, cứ phát nương rẫy, đến khi nhìn lên đỉnh núi, mặt trời đã lặn lúc nào không hay. Làm xong đất, A Riêng Sưng xoay sang đi tìm cây giống, phân tro ươm những mầm keo tràm đầu tiên trên vùng đồi Ta Keo. Có đất rồi, hai vợ chồng tích cóp vốn đầu tư. Đến nay, riêng 10 ha rừng keo tràm A Riêng Sưng đã đầu tư 150 triệu đồng, cây lớn ngang ngực người, đang hứa hẹn một mô hình kinh tế triển vọng.

Cùng với lúa rẫy, sắn, ngô thu hoạch đảm bảo lương thực hàng năm, A Riêng Sưng còn phát triển đàn bò thịt. “A Lưới có lợi thế đồi nương. Nhờ duy trì đàn bò cùng gà thả đồi mà mình có thể “lấy ngắn nuôi dài” chờ ngày rừng keo thu hoạch, nuôi hai con ăn học đàng hoàng”.

Ông Hồ Viết Rưng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhâm đánh giá, A Riêng Sưng là một thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi tại địa phương. Nhiều năm qua, anh Sưng đã được các cấp huyện, xã tặng giấy khen về phát triển kinh tế hộ gia đình. Ông Rưng cho biết thêm: “Toàn thôn A Bã có 60 hộ dân, trong đó có khoảng 15 hộ có vợ, hoặc chồng là người Lào. Sau quá trình định cư, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện nhập quốc tịch, làm hộ khẩu để con em được đến trường. Những trường hợp khó khăn địa phương quan tâm cấp đất sản xuất, lồng ghép hỗ trợ vào các chương trình để phát triển sản xuất nông nghiệp, ổn định cuộc sống”.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi nghiệp từ gà

Chàng trai trẻ Nguyễn Đình Dũng (A Lưới) đã biến đất vườn thành trang trại gà với quy mô hơn 25 ngàn con/năm.

Khởi nghiệp từ gà
Nhặt một cọng rác, bạn đã góp phần làm cho Huế đẹp hơn

Thông điệp trên được Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ đưa ra với đồng bào thôn A Hưa, xã Nhâm, huyện A Lưới sáng 16/3, tại lễ phát động Ngày chủ Nhật xanh lần thứ 2 của huyện A Lưới.

Nhặt một cọng rác, bạn đã góp phần làm cho Huế đẹp hơn
Return to top