ClockChủ Nhật, 11/04/2021 08:05

“Đất lửa” nở hoa

TTH - Gió bên sông Đại Giang hắt lên nhè nhẹ. Tôi đứng trên cầu Phú Thứ, nhìn qua Phú Đa (Phú Vang) người xe rộn rã trên những con đường trong nắng sớm mà lòng đầy cảm xúc. Những gì tôi biết và nghe kể về Phú Đa - vùng “đất lửa” trong chiến tranh, hôm nay đã đổi khác.

Cửa ngõ vào địa bàn thị trấn Phú Đa hôm nay

Một thời để nhớ

Có lẽ lớp trẻ bây giờ ít biết chuyện hơn bốn mươi năm trước, Phú Đa là vùng quê đầy tiếng súng, tiếng bom của chiến tranh. Riêng tôi, Phú Đa rất đỗi thân thương bởi không chỉ là “địa chỉ đỏ” mà còn là nơi lo sinh kế của gia đình những năm sau ngày đất nước thống nhất. Nhắc đến Phú Đa là ít nhiều những người đi qua chiến tranh biết đến với địa danh Hòa Tây, Đức Thái, Trường Lưu hay Viễn Trình. Đó là vùng quê nghèo đầy nắng cát nhưng một thời là những địa bàn trọng điểm mà địch tập trung đàn áp, càn quét khốc liệt.

Ông Phan Văn Tưởng, 76 tuổi, nguyên du kích tập trung địa phương, người may mắn sống sót trong năm tháng chống Mỹ kể cho tôi nghe về các khu dồn dân ngày trước và những trận đánh trả nhiều đồng đội đã ngã xuống. Đã bốn mươi lăm năm, thậm chí xa hơn nữa, nhưng mọi thứ với ông cứ như mới ngày hôm qua.

Ông kể, suốt những năm tháng ấy, Phú Đa có Mỹ ngụy đóng ở quận Phú Thứ nhưng lại là địa chỉ hậu cần cho bộ đội và trạm liên lạc kết nối 3 mũi chiến lược từ phía đông, tây và nam của tỉnh. Vì thế, không ngày nào ở đây thôi tiếng súng. Mỹ ngụy dùng mọi âm mưu, các loại súng đạn, xe tăng tối tân hòng quyết sạch, đốt sạch, xóa sạch Phú Đa. Có thời điểm vào năm 1967, Mỹ ngụy đổ bộ hàng vạn quân lên mảnh đất Phú Đa nhỏ hẹp, tính bình quân 1 người dân trong xã (từ em bé đến cụ già) phải đương đầu với 3 tên Mỹ ngụy. Cuộc càn của Mỹ ngụy tại Lương Viện, Đức Thái-Trường Lưu đã đốt hơn 700 nóc nhà, bắt bớ, đánh đập dã man... Người dân Phú Đa không nao núng, sôi sục với quyết tâm: “Tan nhà, nát cửa cũng ừ/Quyết tâm đánh Mỹ, cực chừ sướng sau”...

Ngày hòa bình lập lại, Phú Đa xơ xác. Qua cầu Phú Thứ - nơi điểm đầu vào Phú Đa bấy giờ chỉ một con đường đất đỏ nối ra thôn Lương Viện, Viễn Trình hai bên là triền cát trắng dài chỉ có vài 3 nóc nhà. Cũng từ điểm đầu này có thêm một tuyến đường đất hẹp quanh co với dường lúa nối về xã Vinh Thái, Vinh Hà nhưng chỉ sau 5 giờ chiều không một bóng người.

Những năm cuối thập niên 80, theo những chuyến xe đò của bố từ Huế về Phú Đa để ra bến đò Viễn Trình đưa khách qua các xã Vinh Thanh, Vinh Xuân-bên kia phá Tam Giang mà chạnh lòng. Mỗi ngày, có đôi ba chuyến sáng lên, chiều về. Đoạn đường chưa đến 30 cây số mà mỗi chuyến là một hành trình mất cả nửa ngày cũng vì đường nắng bụi, mưa lầy nhấp nhô “ổ gà” chồng “ổ voi”. Bây giờ gợi lại, những người cùng thời như ông Tưởng bảo ký ức khó nghèo Phú Đa còn rõ lắm...

“Trái tim” của Phú Vang

Về Phú Đa bây giờ, không chỉ theo một con đường độc đạo như trước mà có thể theo những tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ từ Huế về, Hương Thủy qua hay Phú Lộc lên. Những vùng quê nghèo khó ở Phú Đa giờ đã xanh hơn, hiện hữu những khu dân cư mới có nhà mái ngói, mái bằng đẹp mắt.

Cuộc cách mạng thực sự đến nhờ những chủ trương đầu tư, chính sách đổi mới giúp cho Phú Đa vốn quen sống dựa vào thuần nông. Thêm một cơ hội mở ra khi Phú Đa được chọn làm trung tâm kinh tế - xã hội của huyện Phú Vang vào năm 2004, diện mạo nơi đây dần thay đổi. Năm 2011, Phú Đa lên thị trấn, các khu dân cư, đường sá được quy hoạch, mở rộng xứng tầm đô thị loại V.

Nắm bắt những lợi thế trên, Phú Đa kiến nghị, đề xuất cấp trên để quy hoạch giãn dân, hình thành điểm chợ trung tâm, các dịch vụ thương mại, ăn uống, lưu trú... Các công trình hạ tầng dân sinh, như điện, đường, trường, trạm cũng nâng cấp, khang trang. Bước ngoặt tạo dấu ấn vào năm 2008, Phú Đa được quy hoạch, hình thành khu công nghiệp với diện hơn 230ha tại Hòa Tây và Lương Viện. Đất nghèo trở thành miền đất hứa. Đến nay khu công nghiệp này đã có 10 doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất hàng sợi, may mặc, gỗ dân dụng... với gần 5 nghìn lao động.

Dạo quanh Phú Đa cùng anh Trương Minh Thanh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phú Đa qua từng con đường nơi đây mà lòng phấn khích. Từ tuyến đường Mai Bá Trai đến tổ dân phố Lương Viện vào ban trưa không gian với người xe rộn ràng vào các ngõ nhà máy, công ty ở khu công nghiệp. Hai bên tuyến đường này chẳng khác phố thị.

Anh Thanh khoe thêm, hiện nay ở vùng quê này người trẻ không thiếu việc làm, vì nhu cầu cần lao động tại các nhà máy, công ty ở khu công nghiệp rất lớn.

Đất lành, chim đậu

Khi trở thành vùng thị tứ, là “trái tim” của huyện Phú Vang, ở Phú Đa việc ruộng đồng không còn là sinh kế duy nhất như ngày trước. Ông Lê Thuận, Bí thư Đảng ủy thị trấn Phú Đa chia sẻ, sự thay đổi ấy cũng bắt đầu khoảng 1 thập niên gần đây khi lãnh đạo địa phương mạnh dạn chuyển kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Điều đã chứng minh cụ thể trong 5 năm gần đây, lĩnh vực công nghiệp đạt hơn 554,5 tỷ đồng, chiếm hơn 60% trong cơ cấu kinh tế.

Theo ông Thuận, dẫu xác định công nghiệp là kinh tế mũi nhọn ở địa phương nhưng Phú Đa vẫn chú trọng phát triển nông nghiệp phù hợp với tiềm năng sẵn có. Mấy năm nay, chính quyền chú trọng giúp người dân cải tiến thiết bị khai thác thủy sông đầm, đưa giống lúa mới tăng năng suất trên ruộng đồng, xây dựng mô hình trồng cây gỗ lớn, cây bản địa có giá trị để xanh hóa vùng cát. Ngoài ra, ưu tiên phát triển kinh tế trang trại tổng hợp trên những rú cát nhằm tạo những sản phẩm hàng hóa.

Khởi đầu cho hướng đi này là anh Lê Đình Đức, con trai của thương binh nặng Lê Đình Đệ, 80 tuổi, gốc ở thôn Đức Lam Trung, Phú Đa. Anh Đức sinh năm 1973, lớn lên ở Hà Nội, nguyên là tài xế đã trở về Phú Đa vào năm 2011. Mất gần 2 năm, anh Đức chọn vùng cát ở Lương Viện lập trang trại VAC với diện tích hơn 11 nghìn m2. Bằng đồng vốn tích lũy của gia đình, cùng ăn ngủ trên vùng cát Lương Viện dài ngày, cuối năm 2019 trang trại của anh mới nên vóc dáng.

Hiện nay, mô hình trang trại này được xem hình mẫu ở Phú Đa, với 3 khu nuôi gia cầm khép kín, với gần 8 nghìn con gà; trong đó lúc nào có hơn 50% gà thịt để cung cấp cho thương lái. Ngoài ra có gần 100 con ngỗng ngan, để nuôi lấy giống. Ở trang trại này, anh Đức còn quy hoạch trồng cây ăn trái, hoa kiểng, đặc biệt là vườn mai vàng lên gần 100 cây, mỗi cây có giá trị từ vài chục triệu trở lên. Tính từ năm 2019 đến nay, riêng gà, ngan ngỗng gia đình thu lãi không dưới 500 triệu đồng.

Anh Lê Văn Phước, thuộc hệ 8X, quê xã Phú Mỹ, là một kỹ sư nông nghiệp có việc làm ổn định ở TP. Huế. Năm 2015, Phước bỏ phố về vùng cát Phú Đa khởi nghiệp bằng cách lập trang trại nuôi lợn hơn 7.500m2. Với điều kiện thuận lợi ở Phú Đa, cùng với tính chịu khó, không sợ thất bại, hiện nay trang trại của Phước mỗi tháng cũng xuất 2-3 tấn lợn, tạo việc làm thường xuyên cho gần 8 lao động có thu nhập khá. Kế hoạch phía trước, Phước đang hướng đến nuôi lợn công nghệ an toàn sinh học, khép kín...

“Đất lửa” Phú Đa hôm nay đã thực sự nở hoa.

Bài, ảnh: MINH VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai mạc giải bóng đá nữ huyện Phú Vang năm 2024

Chào mừng kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024), ngày 11/3 Liên đoàn Lao động huyện Phú Vang phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức lễ khai mạc giải bóng đá nữ năm 2024.

Khai mạc giải bóng đá nữ huyện Phú Vang năm 2024
“Dấu ấn” và đóng góp trong sự phát triển vững chắc của địa phương

Cán bộ, đảng viên, người dân Phú Vang luôn nhận thức đúng đắn về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; nhiệm vụ quân sự quốc phòng, từ đó chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương phát triển vững chắc. Để đạt được kết quả đó, có “dấu ấn” và đóng góp không nhỏ của Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện.

“Dấu ấn” và đóng góp trong sự phát triển vững chắc của địa phương
Return to top