ClockThứ Năm, 19/11/2015 15:03

Dấu ấn giảm nghèo

TTH - Chương trình giảm nghèo bền vững không chỉ giải quyết vấn đề dân sinh mà còn có giá trị nhân văn sâu sắc; từ đó, phát huy sức mạnh nội lực của cộng đồng, hình thành các mô hình giảm nghèo phù hợp và hiệu quả. Sau 5 năm thực hiện, Thừa Thiên Huế đạt được thành quả nổi bật khi có 16.500 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ  hộ nghèo từ 11,16% xuống còn 4,5%.

Làm đường bê tông liên thôn ở xã Vinh Hưng (Phú Lộc)

Tiếp sức cho người nghèo

Xã Vinh Hưng (Phú Lộc)  là một trong những địa phương  thoát nghèo bền vững khá hiệu quả nhờ các chương trình, dự án đầu tư đúng trọng điểm. Trước đây, nông dân chỉ canh tác nông nghiệp đơn thuần, năng suất lúa thấp nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Sau khi xã Vinh Hưng được đầu tư các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh như đường bê tông giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi đã tạo điều kiện cho người dân đi lại, giao thương hoàng hóa thuận tiện hơn. Người dân đã biết tính toán, biết lựa chọn loại hình sản xuất, cách kinh doanh phù hợp gắn với yếu tố thị trường.Nhiều hộ đã vay vốn, mua xe đông lạnh để thu mua hải sản từ các xã lân cận chuyển vào Đà Nẵng tiêu thụ. Khá nhiều người dân mua sắm máy cày, máy gặt lúa và có điều kiện đầu tư sản xuất, do vậy,  từ vùng đồng ruộng đất cát chua phèn nhiễm đến nay đã đạt năng suất 52,5 tạ/ha. Ông Trần Đình Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Hưng cho hay: Trước năm 2008, tỷ lệ hộ làm nông nghiệp thuần túy trên địa bàn xã chiếm 70%, đến nay hộ làm nông nghiệp nay chỉ còn dưới 35%; trên 65% các hộ trong toàn xã làm các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ kinh doanh mua bán. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, từ 17,21% (2011) nay chỉ còn khoảng 3%.

Nuôi cá lồng ở Phú Vang

Hiện nay, toàn tỉnh còn 14 xã và 19 thôn thuộc đồng bào dân tộc thiểu số đang hưởng lợi từ Chương trình 135. Người nghèo được hỗ trợ vốn, đất sản xuất, kỹ thuật và xây dựng trên 110 mô hình sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản… phù hợp với tình hình thực tế địa phương.  góp phần tăng thu nhập, cải thiện sinh kế, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Trong đó, có nhiều mô hình cho thu nhập khá, như: hoa ở Phú Mậu (Phú Vang), rau má theo VietGAP Quảng Thọ (Quảng Điền), dưa hấu ở khu 3 Phú Lộc, Hải Dương (Hương Trà), cam ở Nam Đông, bò lai, gà Ai Cập, nuôi xen ghép đối tượng trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai… Ngoài nguồn lực hỗ trợ của tỉnh, các huyện, thị xã đều bố trí kinh phí đối ứng thực hiện mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đáp ứng nhu cầu sản phẩm của thị trường, tăng hiệu quả sản xuất …

Một khó khăn trong công tác giảm nghèo ở các huyện miền núi là thay đổi tập quán canh tác của đồng bào nên cán bộ khuyến nông, khuyến lâm luôn sát cánh cùng bà con dân bản để hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, tăng vụ, phát triển kinh tế; chuyển giao các loại giống lúa mới cho năng suất cao, giống ngô cho nhiều hạt đến từng hộ gia đình. Đồng bào dân tộc, miền núi biết chủ động trong công tác tạo đất sản xuất, lập vườn, rừng kinh tế, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các vùng cà phê ở A Lưới, cao su ở Nam Đông, Hương Trà, Phong Điền… từng bước chú trọng đầu tư mang lại hiệu quả. Tại Nam Đông, ước tính có gần 4.000 ha cao su, trong đó diện tích có chất lượng tốt đạt hơn 73%. Ước tính, mỗi ha thu về khoảng từ 45 triệu đồng đến 50 triệu đồng/năm. Từ một huyện nghèo của tỉnh, giờ đây lương thực bình quân đầu người ở Nam Ðông đạt mức 250 kg/năm, giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác từ 25 triệu đồng đến 30 triệu đồng/năm.

Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 được đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập sẽ được đẩy mạnh. Các hoạt động trợ giúp người nghèo phát triển sản xuất, tạo và tăng nhanh thu nhập, vượt nghèo vươn lên khá giả và làm giàu; tạo cơ hội để người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội công bằng và chất lượng đặc biệt là về y tế, giáo dục, nước sạch và nhà ở... góp phần giảm số hộ nghèo toàn tỉnh từ 1,5-2,0%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020. Trong đó, số hộ nghèo trên địa bàn các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao giảm bình quân từ 2,5 đến 3%/năm.

Bồi đắp khát vọng thoát nghèo

Yếu tố quan trọng giúp hộ nghèo vươn lên là cần phải bồi đắp khát vọng thoát nghèo, làm giàu trong mỗi người nghèo. Do đó, cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ nghèo xóa bỏ tập tục lạc hậu trong sản xuất, ra sức thi đua lao động, sử dụng đồng vốn hiệu quả. Nội lực từ mỗi gia đình, bản thân mỗi người nghèo đã được khơi dậy, tự nhận thấy nghèo rất vất vả nên nỗ lực hết mình và trân trọng sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước cũng như cộng đồng để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Trong 5 năm 2011 – 2015, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã đầu tư trên 316 tỷ đồng cho các công trình phục vụ dân sinh. Ngoài ra, có trên 57.000 lượt hộ nghèo được vay vốn ưu đãi trên 794 tỷ đồng để phát triển kinh tế gia đình. Số lao động thuộc hộ nghèo được đào tạo nghề ngắn hạn miễn phí gần 1.500 lao động,, trong đó, có trên 1.260 lao động có việc làm.

Ông Nguyễn Thanh Kiếm, Giám đốc Sở Lao động TB&XH khẳng định, nét mới trong công tác giảm nghèo của tỉnh là giám sát chặt chẽ các hộ nghèo trong việc sử dụng vốn vay. Hộ nghèo được vay vốn,  được các tổ chức đoàn thể cơ sở hướng dẫn cách làm ăn, xây dựng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Khắp nơi đều thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn, giúp người nghèo sử dụng vốn vay đúng mục đích. Chương trình giải quyết việc làm đã thực hiện hiệu quả việc tuyển dụng lao động đi làm việc ở các khu công nghiệp trong nước và nước ngoài, tạo việc làm ổn định, nâng cao mức sống cho người dân.

Nhìn nhận khách quan về công tác giảm nghèo trong giai đoạn 2011-2015 vẫn còn bất cập. Số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình khó khăn và số thôn, xã đặc đặc biệt khó khăn còn nhiều.  Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn tỉnh tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên rất khó khăn đối với công tác giảm nghèo. Một số địa phương khi xây dựng chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm thấp, không phù hợp với chỉ tiêu của tỉnh. Nguồn lực của địa phương, hộ nghèo tham gia đối ứng cùng với ngân sách hỗ trợ thấp hoặc chưa có. Một số chính sách ban hành có mức đầu tư thấp, đa phần mang tính hỗ trợ về an sinh xã hội. Trình độ dân trí của người dân còn thấp, ý thức tự lực vươn lên trong cuộc sống của một bộ phận hộ nghèo chưa cao, vẫn còn tồn tại một số suy nghĩ không muốn thoát nghèo để hưởng cơ chế, chính sách. Vai trò của chính quyền và các hội, đoàn thể ở một số địa phương chưa phát huy và thực sự là chỗ dựa cho người nghèo.

Huế Thu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top