ClockThứ Năm, 03/03/2016 06:54

Đi tìm con chữ

TTH - Không biết chữ, họ gặp muôn vàn khó khăn. Không chỉ đơn giản là nhu cầu đọc chữ cho biết mà họ mù tịt thông tin khi không thể kiểm chứng được theo cách của mình. Họ quyết tâm đi tìm con chữ.

Miệt mài đi tìm con chữ, 25 tuổi, Hà (bên phải) mới bắt đầu tập đánh vần 

Thiệt thòi

Hân, 28 tuổi ở tổ 21 phường Phước Vĩnh (TP Huế) làm nghề thợ may. Cô may đẹp, sắc sảo, giá rẻ nhưng không nhiều người đến may. Nguyên cớ là họ không đủ kiên nhẫn để đợi con bé của cô sau giờ học về giúp mẹ đo áo quần cho khách vì cô chủ không biết chữ. Thế nên, quán Hân chỉ may cho những người quen, khách gọi điện trước rồi đến đo hoặc ngược lại mẹ con Hân về tận nhà để đo cho khách. Hân trải lòng: “Nhà em có đến 7 anh em. Ba mạ đều là dân cư vạn đò lên định cư. Mạ làm nghề bán cá, ba đi đạp xích lô đều không biết chữ. Trong nhà, ai sáng dạ, ưa đi học thì đi, không học thì ở nhà giữ em, làm việc nhà hoặc đi bán vé số phụ giúp bố mẹ”. Mải miết kiếm tiền, lớn lên, đi ra ngoài hễ đụng đến chữ nghĩa là cô ngượng nghịu, điều đó làm Hân mất hết tự tin khi giao tiếp.

Ông Nguyễn Anh Hòa, Tổ trưởng tổ 21, phường Phước Vĩnh xác nhận: “Toàn tổ có 160 hộ với trên 800 khẩu, trong đó có 70% là biết đọc, biết viết lõm bõm, đặc biệt 30% mù chữ. Rất nhiều nhà có đến 7, 8 người con thì có 3,4 người là không biết chữ. Mỗi khi cần đển chữ nghĩa, họ nhờ con cái trong nhà, hàng xóm hoặc đến nhờ tổ trưởng kê khai giúp. Họ làm việc cật lực, song số gia đình khá lên không nhiều do chỉ quẩn quanh với nghề đạp xích lô và thợ nề. Không biết chữ, họ chẳng thể nào có cơ hội để thay đổi công việc. Mong muốn làm công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp để ổn định cuộc sống không thể thực hiện được khi nhiều người không viết được tên mình.

Những người lớn tuổi không biết chữ đã đành, thế hệ 8X cũng chẳng đọc được một câu trọn vẹn.Có quá nhiều rào cản đối với những người không biết chữ. Không biết chữ, đồng nghĩa với việc không đọc được tên đường, chẳng đọc được tin nhắn, dùng điện thoại, cũng không thể lưu được danh bạ, không học bằng lái xe nên vào đường cấm mà không biết... Mỗi khi vào bệnh viện họ lại nháo nhác tìm người biết chữ nhờ đi cùng để làm thủ tục nhập viện. Cũng vì không biết chữ, có người đã chia tay mối tình đầu trong tiếc nuối và tủi thân. Trần Văn M 28 tuổi ở tổ 21, buồn buồn: “Tôi  có quen một cô bé đang học ở một trường đại học, nhưng mỗi lần nhắn tin là tôi không biết làm thế nào để nhắn lại, mà cũng không dám nhờ ai đọc. Bạn tôi bực mình, đâm ra nghi ngờ khi mỗi lần nhắn tin là tôi lại phải gọi điện lại hỏi: “Nhắn cái gì vậy?”, nên tôi đành khai thiệt là không biết chữ. Bạn tôi sửng sốt, rốt cuộc đường ai nấy đi khi chúng tôi quá chênh lệch nhau về trình độ học vấn”.

Không đơn thuần mù chữ là không biết đọc, biết viết, cao hơn là họ không tiếp thu được tri thức trong xã hội năng động. Mù kiến thức, mù thông tin còn đáng lo hơn cả việc không biết chữ. Anh Trần Văn N. ở tổ 22 đăm chiêu: “Nhà tui có 7 anh em, 6 đứa sáng đều không biết chữ, hoặc học thấp, tái mù chữ chỉ có thằng út mắt mờ mờ gởi lên Hội Người mù chăm sóc thì hắn lại lướt web, đọc thông tin trên mạng internet cho cả nhà, rứa có ngược đời không….

Chưa đọc thông, viết thạo, người dân tổ 21 gặp khó khăn trong mưu sinh

Cần cù xóa mù chữ

Không biết chữ, họ phải nghĩ ra nhiều cách để xoay sở tình thế. Họ có những ký hiệu, nguyên tắc để phân biệt mỗi khi tìm đường để chở khách, dần dần rồi cũng quen. Những đứa con lớn lên trở thành “đôi mắt” cho cả bố lẫn mẹ. Tuy nhiên, khát khao biết mặt chữ để đọc điều mình thích, đọc hướng dẫn sử dụng thuốc mỗi khi đau ốm chứ không phải chạy quanh nhờ người. Nhu cầu quá bức bách, nhiều người quyết tâm đi tìm con chữ dẫu việc học không đơn giản. Có người đêm về nhờ con bày cách đánh vần, chữ được, chữ mất, học trước, quên sau nhưng vẫn cố gắng học hết bảng chữ cái rồi tranh thủ lúc vắng khách lại ngồi tập ghép chữ. Chí ít như chị Huệ, làm nghề sửa áo quần ở đầu xóm, được con gái học lớp 5 bày cho cách viết tên khách khi nhận hàng. Đơn giản vậy thôi nhưng chị Huệ cảm thấy rất vui khi có thể chủ động nhận và giao hàng cho khách.

Anh Nguyễn Văn Nghĩa ở tổ 21 cho hay: “Tui vô Đắc Lắc trồng cà phê, đến mùa thu hoạch xe vô chở hàng nhưng tui không quản lý hàng được. Biết tôi mù chữ, chủ trang trại cho tui đi học lớp học xóa mù. Học được ba tháng thì tui nghỉ ra Huế, chừ thì đọc được số, đánh vần được những bảng chữ thông thường, ký được tên mình, còn viết chữ dài dài thì hơi khó. Từ khi tui biết chữ, thằng cu con sợ cha hơn. Mỗi khi cô giáo đưa sổ liên lạc về là tui đem vô phòng, đánh vần. Sau đó, ra gọi nó về đọc vanh vách những điều mà cô giáo ghi trong sổ liên lạc. Biết ba đọc được chữ, hắn cũng sợ không còn ham chơi nữa”.

Chuyện học chữ của những người phải tất bật mưu sinh không hề dễ. Có người may mắn tìm được những người tự nguyện kèm cho học sau giờ làm thì tiến bộ nhanh hơn. Nguyễn Thu Hà, ở tổ 22, làm nghề uốn tóc cho biết: “Lâu ni em cứ tưởng tên mình Thu Hà viết ra chữ là “Thua”, nên kiếm được tờ giấy mô em cũng viết “Thua” đánh dấu đây là của mình. Mấy tháng ni, chị Hương bên xóm dạy em học chữ, chừ em biết viết tên em rồi !”. Tối mô xong việc ở quán, Hà lại tranh thủ học chữ. Một cô, một trò đánh vật với những con chữ hàng đêm để cô gái Thu Hà có nụ cười tự tin khi đứng trước cổng nhà đọc tên các bảng hiệu quanh xóm: Bún bò mụ Chương, cháo Su Su, tại đây có xe thồ… Bây giờ, Hà đã tự lưu được số điện thoại và bắt đầu đánh vần để đọc  được tin nhắn. Chị Ngô Thu Hương, người dạy chữ cho Hà, bộc bạch: “25 tuổi mới bắt đầu làm quen với mặt chữ nên Hà học rất khó khăn, học trước quên sau. Tuy nhiên, em chịu khó, học rất chăm, bài tập ra về nhà đều làm hết. Ngày nào khách đông không qua học được em đều đến xin phép đàng hoàng. Hà bắt đầu đọc, viết được những vần thông dụng”.

Theo thống kê sơ bộ của tổ trưởng tổ 22, phường Phước Vĩnh Lê Văn Bôn, toàn tổ có 220 hộ, trên 1.000 khẩu thì có đến 50% không biết chữ. Năm 2000, ở tổ có mở lớp học tình thương nhưng rất ít người đến học vì bận buôn bán, làm ăn. Trên địa bàn, có một số gia đình làm việc nhà nước nên thỉnh thoảng họ cũng bày cho một số người biết đọc, biết viết, tuy nhiên, con số này không nhiều. Thế nên, nhiều người cứ “học lỏm” để giải quyết nhu cầu bức thiết của cuộc sống, như biết đọc, biết viết tên các thành viên trong gia đình. Tất nhiên, học chữ theo kiểu được chăng hay chớ, học được chữ nọ, lại rớt chữ kia, tốt lắm là  không phải lăn tay khi ký những giấy tờ liên quan đến mình.

Mong muốn đọc và viết được tên mình lại quá xa vời đối với những người dân ngay trong thành phố. Nỗi vất vả trong cuộc mưu sinh nặng trĩu trên đôi vai họ khi con đông, thu nhập không ổn định, lại phải đối mặt với những khó khăn khi thiếu kiến thức ngay trong độ tuổi lao động. Khía cạnh khác, một bộ phận thanh niên khao khát, nỗ lực khắc phục tình trạng mù chữ, chí ít để phục vụ nhu cầu bản thân, tuy nhiên, đường đến với  nhưng con chữ vẫn còn gập ghềnh, gian khó lắm…

Bài, ảnh: HUẾ THU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng đơn vị mẫu mực tiêu biểu

Ngày 3/7, Đảng ủy Bộ CHQS tỉnh tổ chức hội nghị quân chính sơ kết công tác nhiệm vụ quân sự - quốc phòng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có Trung tướng Hà Thọ Bình – Tư lệnh Quân khu 4; ông Nguyễn Văn Phương – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh.

Xây dựng đơn vị mẫu mực tiêu biểu
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV:
Quyết tâm hoàn thành các dự án thành phần đường Hồ Chí Minh

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng 24/5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Quyết tâm hoàn thành các dự án thành phần đường Hồ Chí Minh
Return to top