ClockThứ Sáu, 12/06/2020 06:45

Ấn tượng với Huế từ những tà áo dài qua cầu Trường Tiền

TTH - Đưa khách Bỉ đến Huế du lịch đã gần 20 năm và mỗi năm, trên dưới 10 đoàn khách do ông Philipp Van Den Borch - Tour leader (trưởng đoàn tour nổi tiếng ở nước Bỉ) đưa đến Việt Nam và Huế. Huế là điểm đến đã để lại những ấn tượng khó quên đối với Tour leader này, nhất là những tà áo dài của nữ sinh Huế sau mỗi lần tan trường ngang qua cầu Trường Tiền.

Điểm nhấn cho áo dàiTà áo năm xưa còn mãiGợi ý cho áo dài Huế

Ông Philipp Van Den Borch cho biết, không chỉ áo dài, Huế có nhiều đặc trưng được khách Bỉ yêu thích, tuy nhiên, gần như hình ảnh về Huế vẫn chưa được du khách ở nước Bỉ biết đến.

Ông Philipp Van Den Borch

Ông đánh giá như thế nào về du lịch Huế?

Văn hóa truyền thống, bề dày lịch sử, nơi từng là kinh đô phong kiến của nước Việt Nam chính là những nét nổi bật, thu hút chúng tôi đưa khách đến với Huế.

So với trước dây, mật độ dân số ở Huế tăng lên khá nhiều, cuộc sống cũng nhộn nhịp hơn xưa. Dù cuộc sống ngày càng phát triển, song điều mà Huế đang làm rất tốt là ở một số điểm tham quan, nhất là khu vực Đại Nội và xung quanh, không hề bị đô thị hóa. Cảnh quan được giữ gìn, cây xanh nhiều và được trồng thêm khiến không khí thật trong lành. Những nét văn hóa, truyền thống vẫn được giữ và phát huy rất tốt. Đó là điều mà các bạn phải phát huy hơn nữa.

Dịch vụ du lịch cũng đã tốt hơn, như ca Huế trên sông Hương đã có nhiều thay đổi theo hướng chất lượng so với trước. Các dịch vụ thưởng thức ẩm thực cung đình được tổ chức bài bản hơn. Những người tham gia làm du lịch cũng đã có tính chuyên nghiệp cao so với khoảng 15 - 20 năm trước. Người dân biết cách làm du lịch, luôn thân thiện và cười, khiến du khách hài lòng (cười).

Quan trọng nhất là hệ thống di sản được Huế trùng tu và tái tạo. Những năm đầu mà chúng tôi đưa khách đến, hệ thống di sản chưa được phục dựng nhiều, phần lớn là các phế tích. Qua mỗi lần đưa khách đến Huế là một lần thấy một công trình mới nào đó đã được trùng tu. Đó là hướng phát triển du lịch dựa trên truyền thống và có tính bền vững của Huế mà nơi khác khó làm được.

Theo ông Philipp Van Den Borch, áo dài Huế sẽ là sản phẩm thu hút khách

Huế có phải là điểm đến không thể bỏ qua của khách Bỉ?

Huế luôn có một vị thế không thể thay thế trong hành trình khám phá đất nước Việt Nam của du khách Bỉ. Như tôi đã nêu, khách Bỉ rất thích khám phá văn hóa, tìm hiểu về đời sống, con người ở mỗi điểm đến. Và khách Bỉ hài lòng bởi các nhu cầu đó được đáp ứng khi đến Huế.

Không chỉ có văn hóa, qua dịch bệnh COVID-19, chúng tôi thấy đất nước các bạn kiểm soát dịch bệnh rất tốt. Các bạn đã cho cả thế giới thấy đất nước mình thật sự an toàn. Một điểm đến giàu về văn hóa, an toàn, con người thân thiện. Quả thật chỉ có thể dùng từ “tuyệt vời” khi nói đến Huế.

Nếu không có dịch bệnh, riêng trong năm 2020, chúng tôi tổ chức hơn 10 đoàn khách đến Huế. Dịch bệnh đã khiến tour trong năm bị hủy gần toàn bộ. Dù thế, trong năm 2021, số tour đặt vẫn giữ ổn định, không hề sụt giảm. Và chắc chắn một điều rằng, chúng tôi sẽ đưa khách đến Huế nhiều hơn nữa trong tương lai.

Liệu Huế còn những điểm yếu cần khắc phục để thu hút khách Bỉ hơn không, thưa ông?

Có một vấn đề rất quan trọng là đối với khách đi theo đoàn đến Việt Nam, thường chọn lịch trình tour xuyên Việt Nam khoảng 15 ngày và Huế là một điểm dừng chân trong hành trình đó. Do đó, trên hành trình qua khoảng 10 điểm trong 15 ngày, thì sẽ có điểm ở lại 1 ngày, có nơi sẽ ở được 2 ngày. Huế thu hút khách Bỉ bởi là thành phố giàu bản sắc văn hóa của Việt Nam, nhiều di tích lịch sử. Đây cũng là điều mà Huế nên tập trung khai thác và có thêm các dịch vụ mang tính chiều sâu, thêm các trải nghiệm về văn hóa để Huế là điểm được khách chọn dừng lại 2 ngày, so với 1 như trước.

So với TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội, Huế chưa được du khách ở Bỉ biết nhiều. Do đó, khi lên lịch trình, du khách sẽ ít khi ưu tiên chọn Huế. Chỉ khi đến Huế rồi mới biết và cảm thấy tiếc khi dành thời gian quá ít, không đủ để khám phá. Do đó, công tác xúc tiến, quảng bá điểm đến của Huế phải được tăng cường hơn nữa. Những hình ảnh Huế, nơi từng là kinh đô cuối cùng của triều đại phong kiến ở Việt Nam phải được xuất hiện ở nước Bỉ và có tính thường xuyên.

An ninh ở Huế tốt. Tôi từng ra đường phố ở Huế lúc đêm muộn và cảm thấy vô cùng an toàn. Hay ở các điểm du lịch, an ninh được đảm bảo, không có nạn trộm cắp. Điều này cũng cần được quảng bá để du khách biết và tin tưởng lựa chọn Huế. Bởi không phải điểm đến nào cũng được khách tin tưởng, vì hiện nay an ninh trên thế giới rất phức tạp. Nơi nào càng an toàn sẽ càng thu hút khách đến nhiều hơn.

áo dài, nét văn hóa đặc trưng của Huế. Ảnh: ĐĂNG TUYÊN

Ông ấn tượng gì nhất về Huế?

Ngay từ những lần đầu đến Huế, tình cờ gặp được những đoàn nữ sinh mặc áo dài màu trắng đạp xe qua cầu Trường Tiền. Hình ảnh đó ấn tượng trong tôi mãi và in nguyên cho đến bây giờ. Những lần sau đó, mỗi lần đưa khách đến Huế, tôi đều tranh thủ thời gian để tìm và ngắm nhìn lại những hình ảnh thơ mộng, độc đáo đó.

Tôi biết, đó là trang phục truyền thống của đất nước bạn và đó là điều tuyệt vời khi trang phục truyền thống được sử dụng hàng ngày. Điều mà ở một số quốc gia chỉ vào dịp lễ hội, hay sự kiện lớn.

Tôi nghĩ rằng, hình ảnh đó phải được xem như là “nếp” sống có tính độc đáo, đẹp đẽ, bản sắc riêng có mà Huế cần gìn giữ. Bởi theo quy luật, cái gì đã mất đi thì rất khó có thể tìm lại được. Và đó cũng là một sản phẩm riêng biệt, thể hiện được nét văn hóa của địa phương và có thể thu hút du khách.

Quang Sang (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét
Return to top