Niềm vui của chị em phụ nữ Phú Vang khi được tặng áo dài
Thành nếp
Khi trở thành thành viên duy nhất đại diện cho Việt Nam tham gia diễn đàn “Thanh niên ASEAN về mục tiêu phát triển bền vững xã hội” được tổ chức tại Thái Lan năm 2018, ngày đầu tiên tham gia diễn đàn, Trương Anh Thư là thành viên duy nhất mang trang phục truyền thống của đất nước mình.
Anh Thư tự hào giới thiệu với bạn bè các nước Đông Nam Á về chiếc áo dài Việt Nam và nhận được nhiều lời khen ngợi. Khi nhận được học bổng 6 tháng tại Trường đại học Lisbon, Bồ Đào Nha, trong thời gian du học, Trương Anh Thư có luôn một bộ sưu tập ảnh áo dài trên đất nước bạn.
Cách đây mấy hôm, GS. TS. Hoàng Thị Thái Hòa (Trường đại học Nông Lâm Huế) cho tôi xem ảnh khi chị bảo vệ luận án tiến sĩ tại nước ngoài. Ảnh nào chị cũng mặc áo dài. Chị chia sẻ: “Không bắt buộc nhưng với tôi, mặc áo dài đã thành nếp. Tôi tự tin, hãnh diện khi khoác lên mình bộ áo dài truyền thống”.
Tôi ấn tượng mãi nụ cười rạng ngời, niềm hạnh phúc trên gương mặt chị Nguyễn Thị Kịp ở thôn định cư xã Phú Mỹ, Phú Vang khi nhận món quà là bộ áo dài từ cán bộ Hội LHPN Phú Vang trao tặng. Chị Kịp mưu sinh bằng nghề vá lưới thuê. Cuộc sống vất vả nên không lo được nhiều cho bản thân. “Trước đây, tôi cũng có một bộ áo dài, nhưng sử dụng nhiều lần đã sờn. Từ đó tôi ít mặc áo dài. Bộ áo dài được tặng tôi sẽ dành để mặc trong các ngày lễ”, chị Kịp nói.
“Cố gắng để tất cả hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện đều có áo dài trong tủ áo quần của mình, Hội LHPN huyện Phú Vang đã phát thư ngỏ đến các trường học nhằm quyên góp áo dài và đăng tải trên các trang mạng kêu gọi. Từ những bộ áo dài quyên góp được, Huyện hội chọn lọc lại, đo kích cỡ làm size, giặt ủi sạch đẹp rồi treo tại gian hàng để các chị dễ lựa chọn. Ngoài ra, các cấp hội cũng vận động kinh phí mua tặng thêm áo dài cho các chị. Nhờ đó, hàng trăm hội viên đã có áo dài.
Riêng Hội LHPN TP. Huế đã ra mắt mô hình “Sắc tím”, bằng cách vận động cán bộ, hội viên phụ nữ đồng loạt mang trang phục áo dài truyền thống màu tím vào thứ 2 tuần đầu tiên của tháng và trong các ngày diễn ra lễ khai mạc, bế mạc festival hàng năm, các hoạt động lớn của các cấp hội. “Trong màu áo tím, tôi rèn mình nhã nhặn hơn”, chị Nguyễn Thị Anh Thư, hội viên phụ nữ phường Thủy Xuân chia sẻ.
Xinh tươi, gần gũi
Cuối tuần, hơn 30 cán bộ, hội viên phụ nữ TX. Hương Trà trong trang phục áo dài tím đã có mặt rất sớm tại lăng Minh Mạng. Chị nào cũng chuẩn bị cho mình một thần thái tốt nhất để bắt đầu buổi quay clip "Áo dài và di tích" do Hội LHPN thị xã thực hiện. Khi tiếng nhạc trong bài hát “Một thoáng quê hương” của nhạc sĩ Thanh Tùng cất lên, các chị cũng bắt đầu tự tin tạo dáng để quay phim, chụp ảnh. Những tà áo dài nền nã hôm đó khiến không ít du khách trầm trồ, ngưỡng mộ. Nhiều vị khách còn thích thú xin chụp ảnh cùng.
Chị Lê Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN TX. Hương Trà, cho biết: "Với mong muốn tà áo dài mãi được bảo tồn, lưu giữ và ngày càng hiện hữu trong đời sống phụ nữ, chúng tôi đã nảy ra ý tưởng này. Để thực hiện clip 35 phút, chúng tôi đã vận động 90 cán bộ, hội viên và chia làm 3 tốp. Địa điểm là các di tích, lịch sử; danh lam thắng cảnh nổi tiếng trên địa bàn thị xã như: phố cổ Bao Vinh, Rú Chá… "Ngoài tôn vinh áo dài, chúng tôi còn muốn giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp của quê hương Hương Trà", chị Hương nói.
Từ khi cuộc thi ảnh “Nữ CNVCLĐ với áo dài truyền thống” trên mạng xã hội facebook do Liên đoàn Lao động tỉnh phát động, hình ảnh người phụ nữ thướt tha trong tà áo dài tràn ngập trang facebook của nhiều cá nhân. Mỗi người mỗi kiểu dáng, mỗi góc ảnh khác nhau, song thí sinh nào cũng tìm cách để tôn vinh nét đẹp trang nhã, dịu dàng của tà áo dài.
Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, chưa tổng kết trao giải nên chưa đánh giá được nhiều, tuy nhiên đến thời điểm này đã thu hút hàng ngàn thí sinh dự thi. Ngoài giúp nữ CNVCLĐ có cơ hội thể hiện vẻ đẹp duyên dáng của mình qua tà áo dài, cuộc thi sẽ tuyên truyền, tôn vinh nét đẹp và giá trị của áo dài trong đời sống xã hội. Đồng thời, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam trong nữ CNVCLĐ, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của trang phục dân tộc Việt Nam.
Thời gian qua, ngoài thực hiện lời kêu gọi của lãnh đạo tỉnh mặc áo dài vào ngày thứ 2 đầu tuần, Hội LHPN tỉnh còn vận động chị em mặc vào những dịp lễ lớn. Bắt đầu từ năm nay, Tỉnh hội nhân rộng mô hình "Sắc tím", xem đó như bộ áo dài đồng phục trong hệ thống hội. “Nếu hiệu ứng tốt, chúng tôi sẽ nhân rộng trong các tầng lớp phụ nữ, tạo điểm nhấn tôn vinh áo dài nói chung và áo dài tím Huế nói riêng”, chị Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết.
Bài, ảnh: HẢI THUẬN