ClockThứ Sáu, 15/02/2019 14:02
Hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên”:

Cơ hội quảng bá di sản văn hóa Huế

TTH - TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nhấn mạnh điều đó, khi trao đổi về cơ hội cho di sản văn hóa Huế trước Hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên”, được tổ chức tại TP. Huế trong hai ngày 15 và 16/2.

Cơ hội để du lịch Huế có những phát triển mới

Dạ tiệc hoàng cung tại nhà hát Duyệt Thị Đường. Ảnh: P. Thành

TS. Phan Thanh Hải nói: Hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên” vinh dự được đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và hơn 500 đại biểu bao gồm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương..., đem lại nhiều cơ hội cho không chỉ riêng Quần thể di tích Cố đô Huế mà là các ngành dịch vụ nói chung của Thừa Thiên Huế. Đây cũng là cơ hội lớn để các nhà đầu tư thấy được tiềm năng dịch vụ du lịch của Thừa Thiên Huế. Trong đó, khu di sản Huế có vai trò quan trọng được xác định là thế mạnh then chốt của tỉnh. Nếu chúng ta có sự quảng bá phù hợp và lôi kéo được sự quan tâm chú ý của các doanh nghiệp, thì sự kiện này chính là cơ hội tốt, hiếm có để thu hút họ trực tiếp đầu tư cho ngành dịch vụ du lịch Huế nói chung và việc khai thác dịch vụ khu vực địa bàn di sản hoặc các khu vực lân cận nói riêng.

Dịp này, khu di sản Huế sẽ được giới thiệu như thế nào?

Đợt này, chúng tôi có một số hoạt động quan trọng. Thứ nhất là trung tâm được giao chủ trì đêm Gala dinner với chủ đề “Huế - Kinh đô ẩm thực”. Chương trình này được tổ chức tại sân điện Cần Chánh – Đại Nội vào tối 15/2, có sự tham gia của 500 khách mời tham dự hội nghị. Hoạt động này nhằm tăng cường sự gặp gỡ, giao lưu văn hóa, quảng bá, giới thiệu ẩm thực cung đình Huế. Đây là cơ hội tốt để quảng bá ẩm thực cung đình – một trong những di sản độc đáo của Huế.

Thứ hai, chúng tôi tổ chức lễ khởi công trùng tu phục hồi điện Kiến Trung và rất hy vọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có thể tham dự. Điện Kiến Trung là công trình đặc biệt quan trọng trong hệ thống quần thể kiến trúc cung đình Huế. Nó gần như là kết tinh của dòng kiến trúc tân cổ điển mang phong cách phương Tây, nhưng sử dụng toàn bộ cách thức trang trí và giá trị tinh thần của văn hóa truyền thống của Huế, của Việt Nam.

Ngoài Đại Nội, những điểm đến nào được quan tâm, thưa ông?

Trong 3 tour du lịch được chúng tôi phối hợp với ngành du lịch tổ chức để các đại biểu, khách mời tham quan tìm hiểu và khám phá các tiềm năng thế mạnh du lịch Huế, có 2 tour liên quan trực tiếp đến di sản. Một tour du ngoạn lên thượng nguồn sông Hương và thăm các di tích 2 bên bờ sông, như: lăng vua Gia Long, lăng vua Minh Mạng, điện Hòn Chén, Văn Thánh - Võ Thánh, chùa Thiên Mụ… Tour thứ hai tham quan chùa Thiên Mụ và Đại Nội. Tuy thời gian ngắn nhưng chúng tôi coi đây là cơ hội tốt để quảng bá giá trị quý báu và phong phú của di sản văn hóa Huế, cũng như cách chúng ta đang bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa ấy như thế nào.

 “Huế - Kinh đô ẩm thực” được tổ chức tại sân điện Cần Chánh, liệu đây có phải là địa điểm phù hợp nhất?

Thực ra, các chương trình dạ tiệc Hoàng cung vẫn được tổ chức thường xuyên ở Duyệt Thị Đường, nhưng quy mô chỉ nhỏ theo các tour du lịch đặt, gắn với biểu diễn Nhã nhạc. Đối với những đoàn lớn với quy mô khoảng 500 khách trở lên thì mới được tổ chức như đại tiệc ở sân điện Cần Chánh. Không gian này đẹp, thoáng đãng nhưng có hạn chế là phụ thuộc thời tiết. Chúng tôi vẫn kiến nghị làm sao có một không gian phù hợp để có thể tổ chức được các sự kiện lớn, không phụ thuộc thời tiết và có sự đầu tư lâu dài cho âm thanh, ánh sáng. Ngay cả các nhà đầu tư cũng mong điều đó. Nhân Hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên”, chúng tôi hy vọng có thể mời gọi được những nhà đầu tư xứng tầm phối hợp làm việc này.

Nhưng việc này sẽ không đơn giản khi có liên quan đến khu di sản Huế?

Đúng vậy. Việc xây dựng những hạ tầng thiết yếu trong khu di sản luôn gặp nhiều vấn đề. Không chỉ là những vấn đề liên quan đến luật pháp, mà còn là dư luận xã hội và sự thống nhất của cộng đồng. Đương nhiên, khi muốn làm gì liên quan đến khu di sản Huế, việc đầu tiên là phải tuân thủ đúng các quy định pháp luật, tiếp đến là tính toán sự hài hòa với không gian kiến trúc đô thị Huế, màu sắc Huế và tính cách Huế… Đồng thời, phải tính toán lượng khách phù hợp. Những yếu tố đó yêu cầu chúng tôi cân nhắc kỹ khi lựa chọn không gian thích hợp và không xung đột với những vấn đề khác.

Ngành dịch vụ du lịch của Huế đang có cơ hội phát triển. Lượng khách tham quan khu di sản Huế cũng tăng đều. Tôi nghĩ, quan trọng hơn hết là chúng ta phải có giải pháp để khai thác và bảo tồn di sản văn hóa Huế một cách bền vững. Nếu nóng vội hoặc đơn thuần giao cho doanh nghiệp, không có cơ chế quản lý tốt thì di sản văn hóa Huế rất dễ bị thương mại hóa và phá hỏng giá trị bền vững nhưng cũng rất mong manh của nó.

Xin cảm ơn ông!

ĐỒNG VĂN

(Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống

Trong khuôn khổ chương trình thúc đẩy phát triển sản phẩm truyền thống địa phương thuộc đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) Thừa Thiên Huế vừa tổ chức cho các doanh nghiệp (DN) phát triển thị trường tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống
Những con đường xanh mát giữa lòng Cố đô

Huế sở hữu những con đường xanh và nhiều “công viên xanh”. Điều này khiến du khách gần xa mỗi khi đến Huế điều có cảm giác thư thái, dễ chịu, tận hưởng không gian xanh mát giữa lòng thành phố, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng oi bức.

Những con đường xanh mát giữa lòng Cố đô
Đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm, thu hút nguồn lực phát triển

Với nhiều hoạt động, giải pháp thiết thực, hoạt động đối ngoại của Thừa Thiên Huế góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh địa phương, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), củng cố quốc phòng - an ninh và nâng cao vị thế, hình ảnh Cố đô Huế trên trường quốc tế.

Đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm, thu hút nguồn lực phát triển
Huế tạo bức tranh lớn về du lịch

Tăng trưởng mạnh mẽ về lượng khách quốc tế cũng như sự ghi nhận của báo chí và những tổ chức du lịch uy tín hàng đầu thế giới, mở ra cơ hội để Huế tạo được một bức tranh lớn về du lịch. Du lịch Huế 2024 và những năm tiếp theo sẽ là những gam màu sáng.

Huế tạo bức tranh lớn về du lịch
Nâng cấp hậu cần nghề cá, phát triển ngành thủy sản bền vững

Các dự án (DA) nâng cấp hậu cần nghề cá, chỉnh trị cửa biển đã và đang triển khai góp phần quan trọng vào giảm thiểu bồi lắng, xâm thực cửa biển, đảm bảo giao thông đường thủy, nâng cao hiệu suất khai thác của cảng cá và khu neo đậu, tránh trú bão ở các địa phương.

Nâng cấp hậu cần nghề cá, phát triển ngành thủy sản bền vững
Return to top