ClockThứ Hai, 30/04/2018 13:00

Du lịch Huế & “cái bánh có sẵn”

TTH - Sản phẩm du lịch TTH có lợi thế như “cái bánh có sẵn”. Nhưng nói khơi khơi như thế người viết sẽ khó nhận được sự đồng tình.

Xét tặng giải thưởng Du lịch Thừa Thiên HuếLuật Du lịch sửa đổi: Lấy khách du lịch làm trung tâm, bảo vệ quyền lợi của kháchDu lịch Huế: Vẫn lận đận

Ở góc độ nào đó, Festival Huế cũng là “cái bánh có sẵn”

Thảm đã trải

Chuyện bắt đầu từ năm 2016, lúc lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế (TTH) chú trọng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn thể hiện qua nội dung của Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 08/11/2016. Câu chuyện “du lịch là kinh tế mũi nhọn” càng khẳng định hơn nữa trong tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị.

“Tỉnh luôn luôn xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương”

(Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Để nghị quyết đi vào cuộc sống, tỉnh đã và đang tập trung nguồn lực bảo tồn và tôn tạo công trình di sản - văn hóa - tôn giáo; đầu tư mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng: đường, điện, cống, nước, công viên, internet, cảng biển, sân bay… Những đầu tư mà nếu tỉnh không làm thì không doanh nghiệp tư nhân nào chịu làm. Nói theo giới kinh doanh là “tỉnh tạo sân cho doanh nghiệp tư nhân chơi”. Nói theo giới học thuật thì những đầu tư ban đầu của tỉnh là nhằm tăng năng lực cạnh tranh (competitiveness) cho tỉnh, một cách tạo điều kiện tốt nhất cho ngành du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn.

Thảm đã trải, đã đến thời điểm TTH mong đón nhiều khách du lịch hơn, và mong du khách ở lại với tỉnh nhà lâu hơn. Nhưng, chúng ta đều biết, trải thảm là chuyện của chủ, khách chịu bước lên thảm hay không lại là chuyện của khách. Vậy lời giải là, để ngành du lịch đạt được mục tiêu trở thành kinh tế mũi nhọn, lãnh đạo và toàn thể bộ máy hành chính, tất cả doanh nghiệp kinh doanh du lịch và người dân TTH hãy cùng nhau mời khách bước lên thảm, không chỉ bước một lần mà bước nhiều lần.

Muốn được vậy, những sản phẩm du lịch của TTH phải được thiết kế không sao chép, không hòa tan, không trộn lẫn, không “xêm xêm” với vùng miền, tỉnh thành trong nước và quốc gia khác. Nếu không được vậy, du khách bỏ công, tốn của tìm đến TTH làm gì?.

“Cái bánh có sẵn”

Sản phẩm du lịch TTH có lợi thế như “cái bánh có sẵn”. Nhưng nói khơi khơi như thế người viết sẽ khó nhận được sự đồng tình. Do vậy, nên bắt đầu từ một vùng đất “bánh không có sẵn”; đó là Dubai. Dubai không có gì ngoài nắng nóng quanh năm, sa mạc, bão cát, bờ biển, cây chà là và cây cọ. Còn dầu thì sao? Xin thưa, nguồn dầu thô của Dubai chiếm 4,6% trên tổng sản phẩm nội địa (GDP) và chỉ mươi năm nữa nguồn dầu cũng cạn. Hiểu rõ Dubai “không có sẵn bánh”, chính quyền đã tập trung nguồn lực đầu tư bất động sản (tất cả vật kiến trúc trên đất) để thu hút du lịch. Những kiến trúc xây mới tại Dubai không chỉ là kiến trúc, mà phải đạt kỷ lục thế giới, phải khác, phải lạ, phải hấp dẫn để gây sự tò mò, nhằm mời gọi du khách tới chiêm ngưỡng, mua sắm, ăn chơi, hưởng thụ. Du lịch Dubai đã góp phần làm nên sự giàu có tột bậc của quốc gia này.

TTH là vùng đất lạ kỳ, chỉ hơn 30 phút xe chạy du khách đã có thể ngắm nghía và đắm mình trong biển, sông, đầm phá, nước khoáng nóng, đồi, núi, rừng và vùng đất Bạch Mã khí hậu ôn đới quanh năm. Dù đi bộ hay đi xe thì du khách vẫn thỏa thích hòa mình vào cảnh quan đẹp như bức tranh thủy mặc. Các hãng du lịch không phải quá nhọc công, không cần chi phí nhiều cũng đã có thể khai thác không ít sản phẩm du lịch thuộc loại “cái bánh có sẵn” từ cảnh quan thiên nhiên.

Đại Nội cũng là một “cái bánh có sẵn”. Du khách đến Huế mà chưa mua vé vô tham quan Đại Nội coi như chưa đến Huế. Nhưng “cái bánh có sẵn” sẽ lớn hơn nếu có thêm nguồn thu từ những sản phẩm du lịch kèm theo. Ví dụ: Hướng dẫn làm bánh cung đình, uống trà cung đình, cắt tỉa bon sai, lập vườn; du khách ngồi lại trò chuyện với hội thơ, nhạc, cắm hoa, chim cảnh, vẽ tranh, thư pháp, sau đó là mua về lưu niệm. Và có thêm vài nhà hàng chay nằm khuất đâu đó dưới bóng mát sân vườn… Đương nhiên, chúng ta hoàn toàn làm chủ thân và tâm, để cái muốn của chúng ta không làm xuống cấp di sản.

Hệ thống chùa dày đặc, số lượng tăng - ni đông đảo cũng là “cái bánh có sẵn”. Nhưng những tour hành hương tổ chức cho Phật tử viếng mười chùa trong một buổi thật sự không mang lại thân an, tâm lạc. Các hãng du lịch tâm linh thử tổ chức tour viếng một chùa trong một ngày (hoặc nhiều ngày) để khi rời khỏi chùa, ít nhất, Phật tử cũng hiểu được lịch sử ngôi chùa, thực hành một thời trà thiền, ăn một buổi cơm chay, tham tụng một thời kinh, hoặc nghe một thời Pháp. Mô hình tập tu tại chùa (temple stay) hiện nay nhiều hãng du lịch của Hàn Quốc, Nhật Bản kết hợp với chùa địa phương tổ chức rất thành công.

Nghề truyền thống cũng là “cái bánh có sẵn”. TTH là Cố đô, do vậy thời còn vua nhiều nghệ nhân giỏi của cả nước được trưng tập về Huế chế tác vô số sản phẩm để phục vụ triều đình. Bát Tràng chỉ có một nghề nung gốm, mà đình đám khắp năm châu. TTH không dưới 80 sản phẩm nghề, sản phẩm nào cũng đẹp tinh tế. Du lịch nghiên cứu, thực hành, mua sắm sản phẩm nghề là một dịch vụ “không nơi nào có được”.

Đa dân tộc, đa ngành nghề cũng là “cái bánh có sẵn”. Du khách thích homestay để được cùng sống, cùng lao động, cùng ăn, cùng chơi, cùng làm, cùng ở chung nhà với đồng bào thiểu số thì lên A Lưới, Nam Đông. Thích homestay với ngư dân thì về vùng biển Phú Vang, Phú Lộc, Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền. Thích homestay với nông dân thì gần như huyện nào cũng sẵn lòng đón khách.

Ẩm thực cũng là “cái bánh có sẵn”. Những món ăn vừa đẹp, vừa xinh, vừa ngon và lành trước đây chế biến hầu vua thì nay phải được quảng bá rộng khắp để du khách “thử một lần rồi xem, bạn sẽ thích ngay mà”.

Festival Huế và Festival nghề truyền thống Huế, ở góc độ nào đó, cũng là “cái bánh có sẵn”. Nếu nhân hai dịp lễ hội này chúng ta tổ chức mời nhiều hãng du lịch trong nước và nước ngoài về thưởng lãm sản phẩm du lịch để tổ chức tour tuyến; tổ chức luôn hội chợ thu hút mời gọi đầu tư cho doanh nghiệp địa phương thì “một vốn bốn lời”.

Nhiều nụ cười từ sân bay, bến tàu, ga tàu lan toả cũng là “cái bánh có sẵn”. Người dân hiếu khách, chân thành, không tham lam, không ngại khó cũng là “cái bánh có sẵn”. Thêm nữa, lãnh đạo TTH và bộ máy hành chính luôn kề vai sát cánh với nhà đầu tư để hoàn tất thủ tục đầu tư, thành lập doanh nghiệp trong một thời gian chỉ tính bằng ngày, bằng tuần cũng có thể xem là “cái bánh có sẵn” của TTH?!

Phân khúc nhóm khách hàng nào để mời bước lên thảm? Sử dụng “cái bánh có sẵn” như thế nào để cái bánh ngày một lớn? Mỗi phần “bánh” được bán với giá nào cho vừa túi tiền khách hàng và túi các hãng du lịch, và còn túi ngân sách địa phương để tái đầu tư?... Ở các nước, như Thái Lan, Malaysia, Singapore... Chính phủ bố trí “tư lệnh ngành” để quản trị du lịch hiệu quả. Nếu trong nước chưa có nhân sự thì thuê chuyên gia nước ngoài, đây là những vấn đề mà TTH cần tính tới nếu muốn khai thác, phát huy hiệu quả "cái bánh có sẵn".

Bài: TẠ THỊ NGỌC THẢO - Ảnh: THANH TOÀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống
Return to top