ClockThứ Hai, 20/07/2020 08:01

Giá tour chi phối quyết định của du khách

TTH - Theo các doanh nghiệp du lịch, qua khảo sát thị trường, giá tour đang chi phối hơn 90% quyết định “xê dịch” của du khách hiện nay.

Thêm tour, thêm cơ hội thu hút kháchĐến Huế du lịch & nhiếp ảnhKhai thác du lịch trên đầm Cầu Hai

Du lịch Huế cần chủ động hơn trong giải pháp về giá để thu hút khách trong Festival Huế 2020

Giá tour giảm

Từ khi chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động, nhiều địa phương đã và tiếp tục công bố hàng loạt sản phẩm, gói kích cầu mới. Điều này tạo ra một “làn sóng” đi du lịch, với giá tour, dịch vụ rẻ chưa từng có. Đây được xem là thời điểm “vàng” để khách nội địa đi du lịch trong nước.

Ông Nguyễn Như Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Travel Mart phân tích, chỉ bỏ ra số kinh phí bằng nửa so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn có một chuyến du lịch nội địa như mong muốn, với chất lượng dịch vụ không hề thay đổi là chuyện không khó để du khách lựa chọn hiện nay. Một nghiên cứu mới đây của ngành du lịch Việt Nam cho thấy, 90% du khách đưa ra quyết định đi du lịch của mình là do giá các tour giảm sâu. Có thể khẳng định, giá tour chính là yếu tố hàng đầu để du khách lựa chọn điểm đến hiện tại.

Cũng trong kết quả nghiên cứu mà giám đốc này thông tin, dòng khách chủ yếu đi du lịch là những người có thu nhập ở mức trung bình và khá. Còn những khách có mức thu nhập cao và giới “nhà giàu” vẫn chọn đi du lịch thời điểm này, song tỷ lệ thấp hơn. Tiếp cận thông tin dễ dàng cũng giúp du khách dễ lựa chọn điểm đến và họ đang trở thành những người chi tiêu khôn ngoan.

Như thế để thấy, trong cạnh tranh để thu hút khách du lịch nội địa hiện nay, ngoài những khác biệt của mỗi điểm đến thường chi phối quyết định của khách, nếu các điểm đến có chung về thế mạnh, những sản phẩm tương đồng nhau, giá tour sẽ là yếu tố cạnh tranh.

Xét về yếu tố cấu thành nên giá tour, sẽ có 3 dịch vụ chiếm nhiều kinh phí nhất: vận chuyển, lưu trú và phí tham quan. Trong đó, hai yếu tố lưu trú và phí tham quan thường có sự tương đồng nhau giữa các điểm đến. Riêng khả năng tiếp cận điểm đến bằng vận chuyển dễ hay khó sẽ làm chênh lệch giá tour giữa các điểm đến. Với Huế đây là khó khăn và phần lớn là do khách quan, khiến giá tour thường cao hơn.

Vẫn còn đó những chủ quan nhất định khiến Huế gặp khó trong cạnh tranh về giá tour. Đó là sự kết nối trong kinh doanh ở Huế chưa tốt. Các doanh nghiệp Huế đã bỏ qua hai cơ hội hợp tác để đưa giá về mức thấp hơn, thứ nhất với Vietnam Airlines và thứ hai theo như thông tin từ lãnh đạo Sở Du lịch mới đây, các doanh nghiệp lại tiếp tục lỡ cơ hội hợp tác với Vietjet Air.

Giá tour chi phối quyết định đi du lịch của du khách

Chủ động trong cách làm

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, hiện nay hầu hết các địa phương đều thực hiện chương trình giảm giá tour, dịch vụ. Mối lo là các doanh nghiệp giảm chất lượng dịch vụ, giảm các tiện ích. Đây là điều không nên. Do đó, cái bắt tay thật chặt giữa các địa phương, doanh nghiệp để có mặt bằng giá hợp lý là điều mà các địa phương cần làm. Nếu không các doanh nghiệp nhỏ sẽ càng gặp khó khăn và phá sản là điều tất yếu.

Phải khẳng định rằng, trong tình huống nào cũng phải giữ chất lượng, bởi đó là uy tín, là thương hiệu mang tính lâu dài của Huế. Khuyến mãi không phải giảm giá mà là tạo ra một giá trị tốt nhưng giá hợp lý hơn cho khách hàng trong giai đoạn khó khăn. Tất nhiên, vẫn có một số đơn vị giảm giá gắn liền với giảm dịch vụ, nhưng chương trình khuyến mãi đó cần phải được thông tin rộng rãi, minh bạch, để khách hàng biết trước để lựa chọn, tránh việc làm ăn gian dối và tác động xấu cho cả cộng đồng.

Trên một diễn đàn du lịch miền Trung gần đây, có du khách so sánh giá tour giữa Huế và một địa phương khác trong khu vực. Du khách này nêu ví dụ, vì sao tour 2 ngày 1 đêm ở một thành phố khác có giá chưa tới 2 triệu đồng mà ngủ ở khách sạn 4 sao, kèm thêm cả vé máy bay khứ hồi; trong khi đó ở Huế lên đến 2,7 triệu đồng.

Ông Trương Thành Minh, Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh phân tích, du khách cần lưu ý, trong giá tour đã bao gồm những dịch vụ gì. Đối với các tour ở Huế, các doanh nghiệp đang triển khai tour đã “full” toàn bộ dịch vụ. Ngay cả các khách sạn trước đây chỉ có ăn một buổi sáng, nay kèm thêm một bữa ăn chính. Do đó, khi chọn tour đến Huế sẽ không đội thêm chi phí phát sinh.

“Chúng tôi sẽ cố gắng để chứng minh cho du khách biết khi đến Huế sẽ không bao giờ có cảm giác bị lừa; đồng thời sẽ chú trọng chất lượng dịch vụ tốt hơn. Đó là hai yếu tố mà Huế cố gắng triển khai tốt nhất”, ông Trương Thành Minh khẳng định.

Mỗi điểm đến có một cách để thu hút khách, nhưng không phủ nhận cách làm một số địa phương đáng để học hỏi, tăng thêm khả năng thu hút khách, quan trọng là thông tin minh bạch để du khách biết và lựa chọn.

Đã qua gần 2 tháng từ khi cái “bắt tay” mới giữa 3 địa phương Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam để kích cầu du lịch hậu COVID-19, nhưng hiện các tour tuyến chung của 3 địa phương chưa khai thác tốt. Theo các doanh nghiệp, hiện tại 3 địa phương vẫn chưa thống nhất được các giá lưu trú, dịch vụ cụ thể nên hiệu quả từ các chương trình tour vẫn chưa có nhiều.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khuyến cáo du khách cảnh giác chiêu trò lừa đảo trên mạng

Lợi dụng nhu cầu du lịch của người dân tăng cao, nhất là vào dịp lễ tết, mùa cao điểm du lịch và tâm lý muốn đi du lịch giá rẻ của một bộ phận người dân, nhiều đối tượng lừa đảo đã mạo danh công ty, khu nghỉ dưỡng, phòng vé bán combo, vé máy bay du lịch để lừa đảo du khách.

Khuyến cáo du khách cảnh giác chiêu trò lừa đảo trên mạng
An toàn cho du khách mùa mưa bão

Những tháng cuối năm, Huế bước vào mùa cao điểm khách quốc tế cũng là thời điểm thời tiết miền Trung thường xảy ra mưa lớn, bão và ngập lụt. Song hành với phục vụ du khách, phát triển du lịch là yêu cầu đảm bảo an toàn cho du khách.

An toàn cho du khách mùa mưa bão
Phát triển du lịch làng nghề tại Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế còn gìn giữ và lưu truyền nhiều nghề, làng nghề truyền thống đặc sắc, có nhiều tài nguyên du lịch văn hoá và tài nguyên du lịch thiên nhiên có thể kết hợp với du lịch nghề, làng nghề truyền thống. Đó là cơ sở để mảnh đất Cố đô phát triển loại hình du lịch bổ trợ cho thế mạnh du lịch văn hóa - di sản.

Phát triển du lịch làng nghề tại Thừa Thiên Huế
Chuyện “hoa hồng”

Cuối tháng 10 vừa rồi, cảng Chân Mây đón tàu du lịch Celeberity Millennium của hãng Royal Caribbean với hơn 3.000 du khách và thuyền viên. Đây được biết là chuyến tàu du lịch quốc tế thứ 30 cập cảng Chân Mây tính từ đầu năm 2024. Sau khi cập cảng, một nửa du khách và thuyền viên đã chọn tham quan Huế, nửa còn lại tham quan Đà Nẵng, Hội An.

Chuyện “hoa hồng”

TIN MỚI

Return to top