Khách Thái Lan đang dẫn đầu thị phần khách quốc tế đến Huế hiện nay
Câu hỏi được dư luận đặt ra những ngày vừa qua, là việc khách Thái Lan sang Huế du lịch, chỉ đến trước Quảng trường Ngọ Môn chụp ảnh rồi rời đi chứ không vào bên trong Đại Nội để tham quan, phía các cơ quan chức có biết hay không? Hay đến khi báo chí phản ánh mới biết sự việc và “rốt ráo” triển khai các giải pháp mang tính bổ trợ, thay thế.
Thông tin từ Sở Du lịch, sở đã nắm bắt tình hình từ trước đó. Lực lượng bảo vệ của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng đã nhận thấy điều bất thường một thời gian. Các doanh nghiệp lữ hành ở Huế cũng xác nhận đã thông tin đến ngành du lịch từ cách đó một thời gian, khi biết các đối tác từ Thái Lan yêu cầu không đưa khách vào tham quan Đại Nội.
Thông tin phản hồi lại báo chí mới đây của Sở Du lịch và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, khi làm việc với du khách và doanh nghiệp lữ hành, theo suy nghĩ của nhiều khách du lịch Thái Lan khi đến thăm Cố đô Huế thì phải được xem tận mắt ngai vàng của triều Nguyễn. Tuy nhiên, hiện nay điện Thái Hòa đang được đóng cửa để bảo tồn trùng tu, không tham quan được nên khách du lịch Thái Lan chỉ chụp ảnh công trình Ngọ Môn - Kỳ Đài và dành thời gian cho những trải nghiệm sản phẩm khác khi ở Huế.
Hiện tượng bất thường xảy ra được phát hiện, nguyên nhân cơ bản cũng được xác định, nhưng các cơ quan liên quan đã thiếu tính nhạy bén trong sự việc này. Thời điểm mà khách Thái Lan bỏ điểm được xác định từ khoảng 2 tháng trước. Đáng lẽ ra, ngay khi sự việc vừa xảy ra, cần có ngay những giải pháp thay thế để không ảnh hưởng quá lớn đến việc khai thác khách. Chẳng hạn như phục dựng lại ngai vàng ở lầu Ngũ Phụng cần triển khai từ sớm. Hay làm việc với các doanh nghiệp để điều chỉnh việc du khách không nắm rõ hết các dịch vụ bên trong Đại Nội thay thế cho điện Thái Hòa trùng tu.
Trước đó, liên tiếp trong tháng 9 và 10, nhiều doanh nghiệp Thái Lan đã sang Huế khảo sát tuyến điểm du lịch sau khi du lịch bình thường trở lại; phía doanh nghiệp, các cơ quan chức năng ở Huế cũng sang Thái Lan để bàn cơ hội hợp tác, xây dựng tour, tuyến mới. Vì vậy, việc không nắm bắt hết tình hình như vừa qua cần được nhìn nhận, đánh giá.
Từ sự việc khách Thái Lan, có rất nhiều sự việc khác cho thấy du lịch nói riêng và một số ngành nói chung có liên quan đến du lịch còn chưa phản ứng nhanh, kịp thời trong việc nắm bắt tình hình và có những giải pháp, chính sách kịp thời để giải quyết những phát sinh mới. Như mẫu thuyền rồng phục vụ biểu diễn ca Huế trên sông Hương, hiện các chủ thuyền vẫn đang băn khoăn không biết phương hướng giải quyết như thế nào khi hết niên hạn sử dụng. Hay môi trường du lịch, nạn cò mồi dù nói nhiều, có giải pháp, nhưng gần đây lại có dấu hiệu tiếp diễn. Hay các doanh nghiệp lữ hành rất mong muốn những chính sách kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2023 hiện vẫn chưa có thông tin…
Trở lại câu chuyện khách Thái Lan bỏ điểm tham quan. Dù không phải tất cả khách không vào Đại Nội, nhưng ảnh hưởng đến du lịch Huế đã được chỉ ra: Dư luận có những ý kiến không tốt; du khách có những cảm nhận sai lệch; hình ảnh du lịch Cố đô bị ảnh hưởng và rõ ràng nhất là nguồn thu từ bán vé bị ảnh hưởng, khi khách Thái Lan đang đứng đầu thị phần khách quốc tế đến Huế hiện nay, chiếm tỷ lệ khoảng 13,2%.
Trong phát triển du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung, những phát sinh mới có hướng tích cực lẫn tiêu cực là điều diễn ra liên tục, hàng ngày, hàng giờ. Sẽ có những dịch vụ mất đi, hay không phù hợp nữa. Thay vào đó là những dịch vụ mới. Quan trọng là giá trị mang lại cần tương đương, hoặc cao hơn mới thu hút được du khách. Vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý Nhà nước, những đơn vị hoạch định chính sách là có những phản ứng tốt, kịp thời hình thành những chính sách mới để có những điều chỉnh. Sao cho những phát sinh có tính tiêu cực không ảnh hưởng quá lớn đến sự phát triển chung. Tính nhạy bén trong xử lý các tình huống cũng là giải pháp để thu hút đầu tư, xây dựng các sản phẩm mang tính đón đầu cho du lịch.
Bài, ảnh: QUANG SANG