ClockThứ Bảy, 22/12/2018 13:22

Phải thay rồi cách làm

TTH - Mục tiêu của ngành du lịch Huế là kéo dài thời gian lưu trú của khách, tuy nhiên, để thực hiện được nhiệm vụ này đòi hỏi ngành du lịch phải có những giải pháp đột phá và điều đó không gì khác ngoài sản phẩm độc đáo, dịch vụ mới lạ.

Du khách tham quan trở lại ở các điểm du lịchKhách tham quan cũng cần chỗ nghỉ ngơi, mua sắm

Du khách đến Huế thích thú học nấu ăn

Khách tăng, lưu trú giảm

Thống kê mới nhất từ Sở Du lịch, 11 tháng đầu năm 2018, tổng lượt khách đến Huế đạt hơn 4 triệu lượt, tăng 19%. Dự kiến cả năm 2018, tổng lượng khách đến Huế sẽ vào khoảng 4,25 triệu lượt, tăng khoảng 18% so với năm 2017, vượt xa mục tiêu từ đầu năm, khi chỉ dự kiến tăng khoảng 10- 12%. Khách tăng là điều đáng mừng, nhưng cái phải lo hơn là việc giữ khách ở lại lâu hơn, để tiêu tiền nhiều hơn thì Huế vẫn chưa làm được, thậm chí còn giảm. Năm 2017, số ngày lưu trú trung bình của khách là 1,79 ngày, còn năm 2018 số ngày của khách là vào khoảng 1,78 ngày; trước đó, vào năm 2016 là 2 ngày.

Tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục vấn đề trên không phải mới, song dù sở, ngành, doanh nghiệp liên quan đặt ra nhiều lần nhưng vẫn chưa có giải phát đột phá. Ông Nguyễn Hữu Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh phân tích, một điểm đến tốt, trước tiên là phải đáp ứng được những nhu cầu của du khách. Huế không thể giữ chân du khách lâu là do thiếu chiều sâu, thiếu sản phẩm. Di sản là “nam châm” để thu hút khách nhưng sức hút chỉ được 1 ngày. Ngoài di sản, Huế không còn sản phẩm nào có đủ hấp dẫn để giữ khách ở lại lâu hơn. Khi điểm đến của Huế không còn quan trọng như trước thì các hãng lữ hành không ưu tiên lựa chọn là điều dễ hiểu. Riêng với dịch vụ lưu trú chỉ là nơi để khách nghỉ ngơi sau khi đi tham quan; nếu góp phần giữ chân khách chỉ có lưu trú, nghỉ dưỡng mới làm được việc này.

Bà Dương Thị Công Lý, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội - Chi nhánh Huế cho rằng, ngoài sản phẩm thiếu tính đột phá, khả năng quảng bá của Huế còn hạn chế cũng là nguyên nhân. Với khách đi du lịch, cũng như mua một món đồ, sẽ chọn sản phẩm mà họ biết chứ không chọn sản phẩm không biết, dù chất lượng có tốt hơn. Ở Huế, có những sản phẩm đủ sức hỗ trợ thêm cho di sản, nhưng quảng bá chưa tốt, chưa có thương hiệu nên du khách không biết và không sử dụng. Doanh nghiệp của Huế đa số là nhỏ, rất cần có sự giúp sức của cơ quan Nhà nước để có thể quảng bá sản phẩm ra nước ngoài, điều mà các địa phương xung quanh làm rất tốt.

Lãnh đạo ngành du lịch thừa nhận, điểm nhấn mới của Huế chưa có, chưa hình thành được trục sản phẩm chính, du khách đến chưa có chỗ chơi thật sự. Tuy nhiên, muốn có những sản phẩm này đòi hỏi phải có những nhà đầu tư lớn. Lý do mà Huế chưa có nhiều nhà đầu tư là nhà đầu tư khi đến phải tính khoảng thời gian thu hồi vốn, một số địa phương khách đang đến nhiều nên có thời gian thu hồi vốn nhanh. Còn Huế đã qua thời điểm vàng, bây giờ phải xây dựng lại điểm đến nên thời gian thu hồi vốn chậm, khó thu hút nhà đầu tư.

Huế cần có thêm những sản phẩm đột phá để bổ sung thêm cho di sản (Du khách tham quan Đại Nội ngày mưa)

Bán sản phẩm khách cần

Điều càng lo lắng hơn là sức hút của Huế đang có dấu hiệu tiếp tục giảm. Bà Dương Thị Công Lý thông tin, mới đây, có hai đối tác là những hãng lữ hành lớn “bỏ rơi” Huế, khi xây dựng tour đến miền Trung đã không đưa Huế vào danh sách. Hay phía Hội Lưu trú tỉnh cũng thông tin, khách Hàn Quốc thời gian gần đây cũng có dấu hiệu giảm lưu trú ở Huế, trước ở 2 đêm nay chỉ còn 1 đêm.

Ông Nguyễn Hữu Bình cho hay, định hướng của tỉnh là phát triển các vệ tinh Lăng Cô, Bạch Mã, Cảnh Dương, chuỗi sản phẩm gắn với du lịch biển dọc bờ biển từ Thuận An về đến Lăng Cô là hướng đi đúng và cần triển khai sớm. Đây là những sản phẩm để tạo cho viên “nam châm” to hơn và sức hút lâu hơn. Muốn thúc đẩy thì hạ tầng về Thuận An, Lăng Cô cần sớm đầu tư, phải thuận tiện hơn.

Theo ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch, những sản phẩm mới có sức hút đòi hỏi có nhà đầu tư. Nhưng việc kêu gọi đầu tư cần có những chiến lược, những chính sách thu hút đầu tư phù hợp, tạo điều kiện cho nhà đầu tư.

Khoác lên mình di sản “chiếc áo” mới là điều mà 2 năm qua ngành du lịch đang cố gắng thực hiện, bằng việc xây dựng, bổ sung thêm nhiều sản phẩm mới, nhất là Đại Nội về đêm. Song, Đại Nội về đêm chưa thể làm hài lòng khách. Giám đốc Công ty cổ phần truyền thông Du lịch Việt cho rằng, Đại Nội lúc nào mở cửa, lúc nào đóng cửa doanh nghiệp hoàn toàn không hay biết nên rất khó chủ động xây dựng tour. Hay khi khách đến, nếu trời mưa sẽ nghỉ hoạt động, không có phương án dự phòng cho khách đặt theo tour. Điều này Huế cần thay đổi, phải hoạt động như doanh nghiệp đang kinh doanh.

Theo bà Dương Thị Công Lý, song song với những sản phẩm đột phá thì cũng cần phát triển những sản phẩm mang tính sáng tạo, sản phẩm vệ tinh, đáp ứng nhu cầu của khách, nhất là khách truyền thống Tây Âu và Bắc Mỹ. Khả năng quảng bá cũng cần được nâng cao, nhất là các hình ảnh Huế, sản phẩm mới xuất hiện thường xuyên hơn ở các thị trường khách trọng điểm. Huế dù hấp dẫn, dù đẹp nhưng nếu thiếu quảng bá hoặc quảng bá không đến nơi thì sẽ khó hút khách.

Đầu năm 2018, một nhóm doanh nghiệp lữ hành được xem là mạnh nhất Việt Nam hiện nay, vì có những “thâm tình” với Huế, họ đến tìm cách đưa khách về cho Huế. Sau khi khảo sát, góp ý về xây dựng dịch vụ, sản phẩm, nhóm này cam kết đưa đến Huế 30 ngàn khách lưu trú trong năm 2018, thay vì ngủ một đêm thì tăng thêm một đêm nữa, đổi lại miễn phí tham quan một điểm lăng. Nếu “cân đo đong đếm”, Huế vẫn lợi hơn rất nhiều so với miễn phí một điểm lăng, song dự định đó của họ không thể thực hiện do Huế không đồng ý. Qua đó để thấy, có những vấn đề cần cân đong đo đếm. Sau sự việc cần nhìn ở vấn đề vĩ mô, chứ không thể cân đong đo đếm cái lợi trước mắt.

Điều cần làm của Huế thời gian đến là xây dựng những sản phẩm mà khách đang cần, chứ không làm những gì mà Huế đang có. Du lịch Huế muốn thay đổi thì cần thay đổi cách làm theo hướng chủ động hơn.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo

Du lịch cộng đồng được xem là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích trong việc phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa. Với nhiều tiềm năng, Thừa Thiên Huế cùng các địa phương có thể đẩy mạnh loại hình du lịch cộng đồng trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh, chủ đạo trong hệ thống sản phẩm của du lịch Việt Nam.

Đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo
A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp

A Lưới chủ động lồng ghép các nguồn lực từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp từng bước theo hướng toàn diện, góp phần nâng cao đời sống của người dân và góp phần giảm nghèo bền vững.

A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp
Sản phẩm tinh dầu tràm mới đạt tiêu chuẩn FSC

Tinh dầu tràm Huế - Tiền Phong, một sản phẩm mới chất lượng của Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong (Công ty Tiền Phong) vừa mới sản xuất thành công từ dự án khoa học công nghệ được UBND tỉnh giao cho đơn vị. Loại tinh dầu này được đánh giá không chỉ mang lại lợi ích cho sức khỏe, mà còn tôn vinh giá trị văn hóa và thiên nhiên của vùng đất Cố đô.

Sản phẩm tinh dầu tràm mới đạt tiêu chuẩn FSC
Thảo luận Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi):
Phân cấp, phân quyền tạo ra hiệu quả cao trong trùng tu di sản

Tại phiên thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) chiều 23/10, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nguyễn Thị Sửu đã dẫn chứng về công tác bảo tồn, trùng tu di sản Huế để góp ý cho dự thảo.

Phân cấp, phân quyền tạo ra hiệu quả cao trong trùng tu di sản
Return to top