Dẫn cả đoàn đi tham quan, ai nấy cũng trầm trồ khen ngợi, nào là cảnh đẹp, nào là nét cổ kính nhưng sao mà rộng lớn quá, đi mãi không hết. Lớp trẻ thì than vãn sao không thuê xe điện có phải đỡ công cuốc bộ, người già chỉ cười xòa đi bộ ngắm cảnh mới là cái thú. Sau gần hai giờ đồng hồ tham quan, chụp hình, check in… cuối cùng cũng ra đến cửa Hiển Nhơn. Mọi người đều thấm mệt, nghĩ đến cảnh “cuốc bộ” về lại bãi giữ xe thì ai nấy cũng tặc lưỡi, thôi thì tìm chỗ nào uống nước nghỉ chân vậy.
Quán cà phê Higlands phục vụ một lượng lớn du khách sau khi tham quan Đại nội
Nghĩ lại trước giờ chỉ hay uống mấy xe nước mía vỉa hè ở công viên Nguyễn Văn Trỗi, nhưng giờ dẫn cả đoàn đến đấy thì không phù hợp lắm. Đang chần chừ thì đứa cháu nhanh nhẩu kéo tay mẹ: “Phía đối diện có cà phê Highlands kìa, mình vào đó nghỉ chân đi mẹ, có máy lạnh nữa đó”. Thấy biển hiệu của chuỗi cà phê có thương hiệu khắp cả nước nên cả đoàn có vẻ an tâm, đồng ý ngay.
Ngồi chừng hai chục phút, tôi thấy nhiều khá nhiều khách du lịch cũng dừng lại nghỉ ngơi ở đây hay mua nước giải khát mang đi. Trò chuyện với một du khách vào sau chúng tôi không lâu, chị Cẩm Thư đến từ Hà Nội cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Huế nên chọn Đại Nội là điểm tham quan chính. Kết thúc buổi tham quan cũng đã đến giờ trưa, cả đoàn cần chỗ nghỉ ngơi, giải khát trong lúc chờ xe đến đón nên dừng chân tại quán cà phê này, vừa gần vừa tiện lợi, đỡ phải ngồi vất vưởng ở vỉa hè chờ đợi”.
Chị Thảo Nhi, du khách đến từ Đà Nẵng cho biết: “Sau khi tham quan Đại Nội tôi muốn tranh thủ mua chút đặc sản, quà lưu niệm Huế nhưng quanh khu vực cửa ra lại không có. Khi hỏi bảo vệ, được chỉ dẫn đến một vài cửa hàng bán đặc sản cách đó chừng 1 km nên tôi đành bỏ qua việc mua sắm”.
Anh Ngô Công Thịnh, quản lý cửa hàng cà phê Highlands tại đường Đoàn Thị Điểm cho biết, lượng du khách ghé quán khá nhiều, tập trung phần lớn từ buổi trưa cho đến xế chiều, là thời gian du khách trở ra sau khi tham quan Đại Nội.
Có thể thấy cùng với tham quan thì nhu cầu sử dụng các dịch vụ ăn uống, mua quà lưu niệm… của du khách rất lớn, nhưng hiện nay ở khu vực Đại Nội chỉ mới bước đầu đáp ứng được một phần. Khảo sát tại các điểm di tích khác như lăng Khải Định, lăng Tự Đức các dịch vụ ở đây còn nghèo nàn, với các quầy hàng nhỏ lẻ, tạm bợ, ảnh hưởng đến cảnh quan chung.
Ông Hoàng Văn Triều, Giám đốc Trung tâm phát triển dịch vụ di tích Huế cho biết, từ năm 2012 UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển dịch vụ trên cơ sở phát huy giá trị di tích Cố đô Huế đến năm 2020 với mục tiêu phát triển tổng thể hoạt động dịch vụ di sản Cố đô Huế nhằm khai thác tối đa hiệu quả lợi thế di sản văn hóa, nhưng đồng thời phải phù hợp với các công ước bảo tồn di sản Việt Nam đã tham gia và đảm bảo tuân thủ luật pháp Việt Nam. Tuy nhiên, việc xây quầy dịch vụ tại các điểm di tích phải được khảo sát, thiết kế kỹ lưỡng, đảm bảo hài hòa với cảnh quan di tích và theo đúng các đồ án quy hoạch.
Quán cà phê Highlands tại địa chỉ 46 Đinh Công Tráng là một ví dụ. Để triển khai điểm dịch vụ này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có văn bản xin ý kiến của Sở Xây dựng và UBND tỉnh. Việc xây dựng được đảm bảo đúng theo đồ án Quy hoạch chi tiết Khu Kinh thành Huế và chỉ giới xây dựng; có bãi đỗ xe riêng để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đô thị. Điểm dịch vụ trên không chỉ đáp ứng nhu cầu giải khát, ăn uống của du khách sau khi tham quan Đại Nội mà còn góp phần giảm tình trạng buôn bán hàng rong.
Ngoài ra, tại các điểm di tích khác, Đề án cũng đã đưa ra phương án phát triển dịch vụ, cụ thể như sắp xếp, chấn chỉnh hệ thống hàng quán, điểm kinh doanh bao gồm hàng lưu niệm, giải khát, ẩm thực ở bên ngoài khu vực các lăng Khải Định, Minh Mạng, Tự Đức… nhằm đáp ứng nhu cầu du khách, đồng thời phù hợp với cảnh quan khu vực lăng. Sau nhiều nỗ lực, các điểm dịch vụ bên ngoài di tích các lăng Tự Đức, Khải Định vừa được khởi động nhưng đáng tiếc đã gặp phải trở ngại, ý kiến trái chiều do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Tham quan, giải khát, ẩm thực, mua sắm… là nhu cầu thiết yếu của du khách. Phát triển tốt dịch vụ không chỉ là cách khai thác hiệu quả, tăng nguồn thu từ di tích mà còn tạo sức hút cho điểm đến đối với du khách. Vẫn biết việc phát triển dịch vụ tại các di tích là vấn đề phải cân nhắc kỹ, nhưng đó là việc cần phải làm và triển khai càng sớm càng tốt. Trong đó, việc giải bài toán giữa bảo tồn và phát triển một cách thấu đáo, hài hòa là chìa khóa để thành công.
Bài, ảnh: Nguyên Minh