Khách hàng tham quan mô hình BĐS nghỉ dưỡng của Công ty CP Quốc tế Minh Viễn. Ảnh: ĐỨC QUANG
Khởi động từ Chân Mây - Lăng Cô
Theo các chuyên gia, BĐS nghỉ dưỡng (condotel) trong du lịch đã phát triển trên thế giới nhiều thập kỷ qua.
Ở Việt Nam, loại hình này cũng đã được giới đầu tư triển khai vài năm trở lại và đang tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ ở Phú Quốc, Quảng Ninh, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng,… gần đây có Huế, Bình Định.
BĐS du lịch dù được xem là “món hàng” xa xỉ, nhưng vẫn có một lượng khách lớn khi có sức hấp dẫn, sinh lời cao và bảo toàn được vốn.
Ông Phan Quang Minh, Giám đốc khai thác phát triển Khu du lịch quốc tế Minh Viễn, một trong nhà đầu tư BĐS nghỉ dưỡng lớn ở Huế đánh giá, sẽ có nhiều người chưa hiểu về BĐS du lịch nghỉ dưỡng là gì. Thực tế, đây là hình thức mà các nhà đầu tư nhỏ cùng hợp tác, góp vốn với nhà đầu tư lớn hơn để cùng khai thác và sinh lời. Thay vì “rót” vốn vào những kênh đầu tư chưa chắc chắn, hoặc ít lợi nhuận, đây là hợp tác lâu dài, sinh lời bền vững.
Dù mới manh nha ở Huế, song BĐS nghỉ dưỡng đã khởi động mạnh mẽ ở Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô. Ông Phan Quang Minh cho biết, Huế nói chung và Lăng Cô nói riêng nằm trên con đường di sản miền Trung và sở hữu nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Vịnh Lăng Cô có bờ biển đẹp, cách Huế hơn 60km và cách Đà Nẵng khoảng 20km. Lăng Cô đã vinh dự nhận được danh hiệu “Lăng Cô-Vịnh đẹp nhất trên thế giới”.
Lượng khách đến Huế ổn định là điều kiện tốt để phát triển BĐS nghỉ dưỡng. Ảnh: ĐỨC QUANG
“Chúng tôi còn biết Lăng Cô sẽ phát triển thành đô thị du lịch biển; bao gồm du lịch sinh thái biển, trung tâm biển, văn hóa miền biển, gắn với du lịch sinh thái rừng, trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp. Đó là lý do cho cơ hội đầu tư và phát triển BĐS nghỉ dưỡng”, ông Phan Minh Quang cho hay.
Laguna Lăng Cô hiện đang tiến hành thực hiện giai đoạn 2 với hệ thống biệt thự đồi hướng biển Banyan Tree và phát triển hạng mục casino sau khi nâng tổng vốn đầu tư lên đến 2 tỷ USD. Tổ hợp resort này bao gồm các khách sạn, khu dịch vụ spa, kèm sân golf 18 lỗ cùng nhiều tiện ích đẳng cấp và khu BĐS nghỉ dưỡng cao cấp đang được chào bán cho khách hàng. Ngành du lịch Thừa Thiên Huế xác định, Laguna khi hoàn thiện sẽ tạo cú “hích” lớn; trong đó, thúc đẩy phát triển BĐS nghỉ dưỡng của tỉnh nhà.
Tại Chân Mây – Lăng Cô, Khu du lịch phức hợp Địa Trung Hải đang hoàn thiện giai đoạn cuối, với khu du lịch này, tạo thành “bộ ba” dự án BĐS nghỉ dưỡng đẳng cấp, quy mô, có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, giới đầu tư trong và ngoài nước; giúp thị trường du lịch sôi động, động lực thu hút thêm những nhà đầu tư mới.
Hiệp hội BĐS Việt Nam từng đánh giá, Huế nằm trong vành đai du lịch vàng của miền Trung, có lượng khách lớn và ổn định. Do đó, các chủ đầu tư vẫn đang tiếp tục đầu tư nhiều dự án quy mô lớn, trải rộng các khu vực có lợi thế du lịch biển. Hệ thống các dự án nghỉ dưỡng được đầu tư quy mô và chất lượng tại thị trường Huế là một trong những yếu tố tối quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của khu vực này.
Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch thông tin, hiện Chân Mây - Lăng Cô đã được quy hoạch thành Khu du lịch Quốc gia. Cùng với thu hút các nhà đầu tư, tại khu vực này tiếp tục được đầu tư về cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ hơn, từ đó kết nối với Bạch Mã – cảng Chân Mây tạo thành “tam giác” tăng trưởng về du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái.
Laguna Lăng Cô có dịch vụ BĐS nghỉ dưỡng đầu tiên ở Huế. Ảnh: VĂN ĐÌNH HUY
Cơ hội của Huế
Hiện Huế đang cố gắng giải quyết về sự “khan hiếm” về cơ sở nghỉ dưỡng đạt chuẩn cho khách lưu trú. Đây cũng là giải pháp tăng thời gian gian lưu trú mà du lịch Huế hướng đến.
Theo dự báo, BĐS du lịch sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn, phù hợp với xu hướng nhu cầu của thế hệ khách du lịch mới, thời kỳ gắn với cách mạng công nghiệp 4.0. Một số nhà đầu tư cho biết, sự phát triển quá nhanh của Đà Nẵng khiến thị trường có dấu hiệu bão hòa. Theo quy luật, sự phát triển sẽ tiến dần về hai phía, nếu phía nào có sức hút tốt, lượng khách du lịch ổn định sẽ là tương lai của BĐS du lịch ở miền Trung.
Theo ông Phan Quang Minh, trong tương lai không xa, khu vực Lăng Cô sẽ năng động. Nhất là khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư lựa chọn Chân Mây – Lăng Cô, khi đó sẽ tạo thành chuỗi sản phẩm, điều kiện cần để tạo ra thị trường sôi động.
Thị trường BĐS nghỉ dưỡng có nhiều cơ hội phát triển ở Huế, nhưng cũng không ít khó khăn và cả rủi ro. Nhiều dự án chào bán nhưng chưa đi vào hoạt động nên người mua, nhà đầu tư thứ cấp không lường trước được tiến độ, chất lượng. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư chạy đua theo cam kết lợi nhuận cao nhưng lại khá mơ hồ về đầu ra của sản phẩm. Trong khi, loại hình này phụ thuộc phần lớn vào khách du lịch, phải hướng đến làm hài lòng và thu hút khách.
Ông Phan Quang Minh cho biết, hiện nay chưa có khung pháp lý rõ ràng chuyên biệt trong kinh doanh BĐS nghỉ dưỡng. Đây chính là khó khăn lớn cho chủ đầu tư và cả nhà đầu tư thứ cấp, vì tâm lý ai cũng muốn quyền được sở hữu. Hiện không có cơ sở cấp giấy chứng nhận sở hữu đối với các sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng. Về phía nhà đầu tư, trước khi đợi những cơ chế, chính sách mở từ Nhà nước, điều cần làm là chú trọng dịch vụ, chất lượng dịch vụ để người mua tin tưởng lựa chọn.
“Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ cơ chế chính sách để phát triển kinh tế; trong đó, có lĩnh vực BĐS nghỉ dưỡng. Những khó khăn, vướng mắc sẽ phần nào được tháo gỡ, giúp thị trường BĐS ở Huế có cơ hội phát triển nhiều hơn. Bên cạnh đó, BĐS nghỉ dưỡng cũng được quy định rất rõ trong Luật Du lịch 2017, nên đây là thị trường kinh doanh có pháp lý và góp phần làm đa dạng cho du lịch Huế trong tương lai”, ông Lê Ngọc Sanh nói.
QUANG SANG