Thiếu nét riêng
Một vòng quanh các quầy bán hàng quà lưu niệm ở các đường Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, các bến xe và phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu… không khó để tìm một mặt hàng lưu niệm đẹp, giá cả phù hợp, đa dạng chủng loại, chất liệu phong phú. Song cảm nhận chung là vẫn còn thiếu “chất Huế” ở bên trong. Một chủ quầy trên đường Lê Lợi cho biết: “Ngoài những sản phẩm thủ công truyền thống như nón lá, đèn lồng, hoa giấy, còn lại được nhập từ các nơi khác về”.
Du khách mua quà lưu niệm khi đến Huế
Hướng dẫn viên du lịch Nguyễn Đình Quyên cho hay, các quà lưu niệm, như đèn lồng, nón lá rất đẹp, tính thẩm mỹ cao. Nhưng những mặt hàng này chỉ được khách nội địa mua với số lượng khá hạn chế. Trong khi đó, khách quốc tế kén hơn, hầu như không chọn. Những sản phẩm có kích thước lớn, để mang về nước rất vất vả. Đó cũng là nguyên nhân mà quà lưu niệm bằng đồng ở Phường Đúc chủ yếu chỉ bán được cho khách nội địa.
Ông Phạm Bá Vương, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh từng chia sẻ, có đoàn khách nước ngoài về liên hệ công tác và trao quà từ thiện cho trẻ em khuyết tật. Sau khi kết thúc chuyến công tác, hội có tặng cho những người khách này một số sản phẩm bằng gỗ và tre do chính các em khuyết tật làm ra. Họ đã để các sản phẩm lại tại khách sạn. Ban đầu không hiểu lý do, sau này được thông tin là quà có kích thước lớn, họ còn phải đi nhiều nơi khác để làm từ thiện. Mang theo sẽ vướng víu, chứ không phải vì quà của mình không đẹp.
Theo ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển du lịch (Sở Du lịch), quà lưu niệm của Huế hiện thừa về số lượng, chủng loại, nhưng lại thiếu đặc trưng riêng. Trong khi một số sản phẩm thể hiện được nét riêng lại cồng kềnh, dễ hư hỏng khi vận chuyển và thiếu công năng sử dụng thực tế. Nhiều người làm du lịch đang còn lầm tưởng rằng, cứ khách du lịch là mua những mặt hàng đắt tiền, mẫu mã đẹp. Nhưng, đặc điểm chung là thích những gì nhỏ, gọn, rẻ tiền để có thể mua được số lượng lớn, mang về tặng được nhiều người. Nghĩ từ nhu cầu của chúng ta khi đi du lịch, đến đâu cũng muốn mua những món quà đặc trưng, gọn và có giá phù hợp.
Bạn ở xa đến Huế hỏi, giờ phải mua gì để “mang Huế” về tặng người thân. Phân vân một lúc, nón bài thơ và áo dài là hai gợi ý được đưa ra. Dẫn anh bạn đi, cuối cùng anh chọn nón lá, còn áo dài anh sợ không đúng với kích cỡ người mặc. Anh bạn thật lòng: “Tính ra Huế “nghèo” quà lưu niệm quá ông ơi”.
Cần tìm đặc trưng của Huế
Ông Trần Viết Lực cho rằng, lý do mà đến nay quà lưu niệm của Huế chưa mang đặc trưng riêng là do chưa định hình được hình ảnh của du lịch Huế. Khi xác định được hình ảnh của du lịch Huế thì những sản phẩm được làm ra sẽ gắn với hình ảnh đó. Chẳng hạn như lấy cầu Trường Tiền làm hình ảnh cho Huế. Trên tất cả các sản phẩm như áo dài, nón lá, đến móc chìa khóa, bấm móng tay… đều có in hình cầu Trường Tiền. Khi được dùng phổ biến, tự khắc du khách sẽ biết mua những món quà có cầu Trường Tiền mới thể hiện đã đến Huế du lịch.
Không ít lần, Sở Công thương và UBND TP. Huế tổ chức các cuộc thi, hội thi về thiết kế quà lưu niệm cho Huế. UBND TP. Huế đang tổ chức hội thi sản phẩm quà lưu niệm Huế 2016, dự kiến tổng kết và trao giải tại Festival Nghề truyền thống Huế 2017. Ông Đồng Sĩ Toàn, Trưởng phòng Kinh tế TP. Huế cho biết, tín hiệu mừng là nhiều sản phẩm đã hướng đến công năng sử dụng hơn, có kích thước nhỏ gọn, chứ không còn nặng về hình thức như những hội thi trước đây.
Theo ông Lực, những cuộc thi như vậy là rất cần thiết, nhưng sẽ mãi không hiệu quả khi chưa định hình được hình ảnh đặc trưng. Trước tiên, ngành du lịch phải đưa ra được hình ảnh đặc trưng, còn những cuộc thi sẽ tìm ra những sản phẩm có mẫu mã đẹp, phù hợp với nhu cầu của du khách. Chứ những cuộc thi hiện nay sẽ rất khó cho người tham gia khi phải hội tụ được cả hai yếu tố có mẫu mã đẹp, bắt mắt và phải thể hiện được đặc trưng của Huế.
Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Vietravel chi nhánh Huế góp ý, ngành du lịch nên chú ý đến khó khăn rất lớn hiện nay là quy trình và kỹ thuật sản xuất. Những mặt hàng lưu niệm có tính đại chúng, cần nhiều về số lượng, trong khi đó, để sản xuất đại trà bằng dây chuyền máy móc ở Huế chưa làm được. Chẳng hạn như móc chìa khóa, khi tung ra thị trường cần một số lượng lớn. Nếu vẫn còn sản xuất thủ công như hiện nay sẽ không cung ứng đủ cho thị trường và giá thành cũng sẽ cao hơn, thiếu sức cạnh tranh.
Theo Ban tổ chức hội thi sản phẩm quà lưu niệm Huế 2016, hội thi nhận được 131 sản phẩm của 65 tác giả và nhóm tác giả dự thi; trong đó, có 17 nghề và sản phẩm mới, như: tranh đá quý, tranh vẽ phân lớp, hoa đất sét, đồng hồ gỗ, đèn hộp trang trí, móc chìa khóa… |
Bài, ảnh: Đức Quang