|
Đô thị Huế đang mở rộng về hướng biển
|
Thiên thời - địa lợi - nhân hoà là thế “chân kiềng” mà Thừa Thiên Huế đang nỗ lực với khát vọng trở thành đô thị văn hoá, di sản của Việt Nam. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch mang tầm chiến lược để các ban, ngành, địa phương có thêm những quyết sách mới, biến mục tiêu thành hiện thực, mà trước mắt là trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2025. Theo đó, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế, khoa học và công nghệ chuyên sâu…
|
Cầu vượt biển Thuận An (TP. Huế) tăng tốc vào giai đoạn cuối kết nối đôi bờ, tạo động lực mới cho đô thị Huế
|
Chuỗi đô thị vệ tinh phía Nam và phía Bắc của tỉnh đã định hình với nhiều sắc thái, tạo cho bức tranh đô thị Huế mang bản sắc riêng; trong đó không thể không nhắc đến đô thị trung tâm từ lâu đã mang nét đặc trưng văn hoá, di sản Cố đô Huế.
Những năm gần đây, TP. Huế được xem là đô thị duy nhất đã hình thành chức năng đặc trưng là một đô thị văn hóa, di sản, du lịch, cảnh quan môi trường… bởi những vị thế, tiềm năng của vùng đất ít nơi nào sánh được từ hệ thống cảnh quan sông Hương, núi Ngự, đền đài lăng tẩm, Đại nội Huế và di tích văn hoá lịch sử.
Chính đặc trưng riêng mà Huế có 7 di sản văn hoá được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới; thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
|
Không gian đô thị Huế với trục cảnh quan “xương sống” là sông Hương
|
Trong quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 và đến năm 2050 và quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065 và đưa cả tỉnh lên thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, TP. Huế được xác định là “trái tim” của đô thị Thừa Thiên Huế với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Gần đây, TP. Huế đã “khoác áo mới” với việc nới rộng diện tích lên gần 4 lần so với trước đây; đồng thời đẩy mạnh đầu tư nâng cấp chỉnh trang cơ sở hạ tầng nhiều công trình, dự án (DA) trọng điểm tạo dấu mốc lịch sử, như di dời dân cư khu vực I Kinh thành Huế; làm đẹp đôi bờ sông Hương; mở rộng lề lòng đường hệ thống giao thông nội, ngoại thành…
|
Đự án cầu vượt sông Hương tăng tốc về đích theo kế hoạch vào năm 2025
|
Năm 2023, TP.Huế đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện 22 đồ án quy hoạch, chương trình, thiết kế đô thị, trong đó ưu tiên các phường, xã mới sáp nhập, chủ động điều chỉnh, đề xuất điều chỉnh các quy hoạch không phù hợp. Đồng thời, hoàn thành chương trình phát triển đô thị Huế đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Thời gian này, TP. Huế tiếp tục triển khai DA đô thị xanh (Green City), DA Cải thiện môi trường nước; tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh và cầu qua cửa Thuận An; cầu vượt sông Hương…
Nhớ lại hơn một năm trước, ông Phan Thiên Định, UVTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành ủy Huế trong hội nghị góp ý vào đồ án quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho rằng, với tiềm năng, vị thế, cùng với quyết sách cụ thể, cùng với sự quan tâm hỗ trợ từ các bộ ngành Trung ương, các tổ chức, những người bạn yêu Huế, TP. Huế đã định vị một đô thị trung tâm, đẳng cấp mang sắc thái là đô thị di sản mẫu mực, một đô thị xanh chứa đựng đầy đủ những “hồn cốt” văn hóa Huế và Việt Nam. Bên cạnh đó, TP. Huế đang phát triển thành một trung tâm tri thức, công nghệ, thông minh, tạo sức lan toả cho cả tỉnh Thừa Thiên Huế.
|
Những công viên xanh bên bờ Nam sông Hương
|
Chính điều kiện, vị thế mang sắc thái riêng của đô thị Cố đô Huế đã được khẳng định theo quy hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2030, TP. Huế có những định hướng trở thành đô thị mang tính chất chuyên ngành văn hoá, di sản, mang tầm quốc gia, đủ năng lực tổ chức các sự kiện quốc tế… Nơi đây cũng trở thành các trung tâm y tế, giáo dục, khoa học công nghệ chuyên sâu hàng đầu của Việt Nam.
|
|
|
|
Theo mục tiêu phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, phạm vi mở rộng đô thị Huế gồm TP. Huế hiện hữu (265,99km²) và một phần các TX. Hương Thủy, Hương Trà và huyện Phú Vang, với diện tích khoảng 348,54km². Cụ thể, không gian đô thị Huế sẽ mở rộng theo hướng Đông - Tây và Bắc - Nam, với trục cảnh quan “xương sống” là sông Hương kéo dài từ phía tây Bình Điền về biển; kết nối biển Thuận An, đầm phá Tam Giang. Để tăng diện tích, tạo các khu đô thị vệ tinh cho khu vực lõi TP. Huế hiện tại thì hướng chính để thúc đẩy cho thành phố phát triển mạnh hơn là kéo biển và sân bay lại gần nhau hơn. Sân bay Phú Bài và biển Thuận An là hai “chân kiềng” hết sức quan trọng tạo động lực để phát triển TP. Huế trong thời gian đến.
|
Đường Phú Mỹ-Thuận An kết nối đưa đô thị Huế về giáp biển
|
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, phát triển Thừa Thiên Huế trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, ngoài việc lấy Kinh thành Huế làm trung tâm thì việc đưa đô thị Huế về hướng biển phải xem trọng. Hiện tại từ trung tâm TP. Huế hướng về phía Đông, tiệm cận với huyện Phú Vang qua các tuyến “huyết mạch” đã mở thông thoáng, như Phú Mỹ-Thuận An; đường phía Tây ven phá Tam Giang; đường chợ Mai - Tân Mỹ…
Các trục này sẽ kết nối với đường biển, cầu vượt cửa biển Thuận An hoàn thiện vào năm 2025 sẽ tạo hệ thống giao thông kết nối vùng đông và cửa ngõ phía Nam qua QL1A. Từ những lợi thế này, phía Đông giáp biển của đô thị trung tâm sẽ tạo nhiều quỹ đất lợi thế hai bên các trục giao thông; kết nối các đô thị mới An Vân Dương, Đông Nam Thuỷ An, Mỹ Thượng…
|
Đô thị Huế tiếp tục đầu tư hạ tầng trở thành trung tâm văn hoá, di sản cảnh quan đặc sắc của khu vực Đông Nam Á
|
Các đô thị mới này hiện đã trở thành khu vực thu hút các nhà đầu tư “đại bàng”, tập đoàn đa quốc gia đã đến đầu tư phát triển du lịch, thương mại và tiệm cận được với hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, vùng biển Hải Dương, Thuận An… là những “di sản” mà cả Đông Nam Á muốn có.
Nhiều nhà quy hoạch nhìn nhận sự độc đáo của yếu tố đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, các vùng đô thị vệ tinh này sẽ bám dọc theo đầm phá, đường ven biển- nơi có nhiều quỹ đất lợi thế tạo cơ hội phát triển đô thị đặc trưng cho phía Đông đô thị trung tâm để mở mang các dịch vụ, thương mại, hậu cần nghề cá, du lịch biển; kết nối với với đô thị Vinh Thanh (Phú Vang) có định hướng trở thành thị xã, hoặc quận vào năm 2030. Đồng thời, kết nối chuỗi đô thị Vinh Hưng, Vinh Hiền (Phú Lộc). Với hướng đi này, nơi đây cần phải tổ chức không gian, cấu trúc đô thị phù hợp để vừa phát huy lợi thế vừa chống chịu được điều kiện khắc nghiệt của vùng ven biển cũng như thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH).
Nội dung: MINH VĂN - HOÀI THƯƠNG
Ảnh: SONG MINH - HỒ TUẤN
Biểu đồ: MINH TUẤN
Thiết kế: QUANG THIỀU
>> Kỳ 1: Hình hài bức tranh đô thị phía Nam và phía Bắc
>> Kỳ 3 Nhìn lại để đi tới