ClockChủ Nhật, 13/10/2019 05:54

Chưa có tour chuyên biệt về ẩm thực

TTH - Huế đang tập trung khai thác ẩm thực để trở thành sản phẩm quan trọng thu hút du khách. Tuy nhiên, các tour tuyến liên quan đến ẩm thực đang dừng lại ở mức hỗ trợ, chưa phải là điểm nhấn chính trong các tour.

Quảng bá ẩm thực chưa chuyên nghiệp

Ẩm thực Huế luôn có sức hút, nhưng cần có tour tuyến để du khách khám phá, trải nghiệm. Ảnh: ĐQ

Chỉ mang tính hỗ trợ

Thông tin từ các doanh nghiệp (DN) có tổ chức tour tuyến liên quan đến ẩm thực, hầu hết đều cho rằng, trong các tour du lịch phục vụ khách khi đến Huế hiện nay ít nhiều đều có lồng ghép với khám phá, trải nghiệm ẩm thực. Ẩm thực chủ yếu chỉ mang tính đóng góp, làm phong phú thêm cho các tour, chưa phải là sản phẩm “đinh”, yếu tố quyết định để DN bán cho khách hàng.

Phòng Quản lý lữ hành, Sở Du lịch khẳng định, hiện nay Huế chưa có tour riêng biệt về ẩm thực. Các DN du lịch tổ chức các tour du lịch tham quan di sản, trải nghiệm văn hóa, các sinh hoạt cộng đồng tại các điểm du lịch, sau đó là ăn trưa, ăn tối và kết thúc tour. Ẩm thực được phục vụ khách cũng là các loại mang tính đại chúng, tỷ lệ ẩm thực đặc trưng của Huế để đưa vào khai thác trong tour có, nhưng ít.

“Không khó để chỉ ra được lý do ở Huế chưa thể xây dựng tour ẩm thực chuyên biệt. Trước hết là do kinh phí để tổ chức một tour chuyên về ẩm thực sẽ rất cao. Chẳng hạn, xây dựng một tour du lịch ẩm thực thưởng thức cơm vua, không chỉ ăn uống mà phải gắn với tái hiện lại hình thức văn hóa, diễn xướng cung đình xưa nên đội chi phí lên cao. Lý do nữa, thời gian mà du khách đến và lưu lại Huế trung bình khoảng 2 ngày, do đó các DN sẽ tận dụng hết thời gian để đưa đi tham quan di sản, văn hóa, việc thưởng thức ẩm thực theo đó cũng không được đặt nặng”, anh Trần Đình Minh Đức, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành Sở Du lịch phân tích.

Huế cần thêm những dịch vụ ẩm thực kết hợp với diễn xướng để tạo ấn tượng với khách. Ảnh: ĐQ

Hướng dẫn viên Nguyễn Đình Quyên cho biết, thông thường ban đêm sẽ là khoảng thời gian rảnh rỗi và có nhu cầu thưởng thức ẩm thực nhiều nhất, đặc biệt là khách nội địa. Nhưng vào ban đêm, đa số các quán nổi tiếng bán các món ăn đặc trưng của Huế không bán, hoặc đóng cửa khá sớm (trước 8h tối). Bên cạnh đó, các món ăn đặc trưng không tập trung về khu vực trung tâm, nơi có nhiều du khách lưu trú, do khó khăn về di chuyển nên nhiều du khách chọn cách thưởng thức những món ăn gần điểm lưu trú.

Qua trao đổi với một số du khách, họ rất quan tâm đến trải nghiệm ăn cơm vua khi đến Huế và đã từng liên hệ với khách sạn nơi lưu trú để được trải nghiệm. Điều đáng tiếc là, du khách không thể tham gia vì để tổ chức trải nghiệm cơm vua phải đặt trước và phải có số lượng nhất định các nhà hàng chuyên về phục vụ cơm vua mới nhận lời phục vụ. Các DN du lịch cho rằng, các tour ghép về ẩm thực cung đình, cụ thể ở đây là trải nghiệm ăn cơm vua ở Huế chưa triển khai được, đúng là với tour này đòi hỏi số lượng khách nhất định, còn chỉ khoảng 2 - 3 khách sẽ không đủ chi phí để tổ chức.

Du khách thưởng thức ẩm thực tại Khách sạn Mường Thanh. Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Cần chủ động giải pháp

Theo Sở Du lịch, không riêng ở Huế mà các địa phương khác trong cả nước và các quốc gia có ngành du lịch nổi bật như Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn rất bị động trong việc tổ chức tour ẩm thực. Do đó, thời gian đến, ngành sẽ định hướng, khuyến khích các DN tổ chức thêm các tour tuyến mới về ẩm thực. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu để triển khai đề án “Kinh đô ẩm thực”.

Lãnh đạo Sở Du lịch thông tin, ngành du lịch đang trong quá trình hoàn thiện các bước để triển khai gắn nhãn hiệu “Kinh đô ẩm thực” cho các nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn để tăng khả năng phục vụ du khách tốt hơn. Khi được gắn nhãn hiệu, cũng tạo cơ sở để các DN lữ hành sớm xây dựng tour và tự tin đưa các nhà hàng vào lịch trình tour.

Theo Hội Lữ hành, trước tiên Huế cần quy hoạch và mở thêm các điểm phục vụ ẩm thực. Tại các điểm này, ẩm thực dân gian, truyền thống được giới thiệu, phục vụ khách và gần các tuyến đường gắn với du lịch vào ban đêm của Huế.

Phố đi bộ Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An và Võ Thị Sáu đi vào hoạt động đã hơn 2 năm, dịch vụ ẩm thực khá sôi động, nhưng chủ yếu là ẩm thực phục vụ cho giới trẻ, thiếu những không gian phù hợp để thưởng thức ẩm thực và chiêm nghiệm về Huế. Một điểm nhấn khác, cũng được xem là tạo thêm sản phẩm về đêm cho Huế, là ẩm thực đường phố. Dù đã được nói nhiều, nhưng đến nay vẫn chưa được hình thành để phục vụ khách. Nhất là ẩm thực đường phố mùa đông, được cho là thêm giải pháp thu hút khách, sản phẩm thay thế cho Huế vào mùa mưa.

Trở lại với việc xây dựng tour, tuyến để phục vụ khách du lịch, việc chuẩn bị tốt các điều kiện, cơ sở vật chất, điểm phục vụ khách… mới có thể tạo điều kiện tốt để DN xây dựng tour tuyến mới. Bên cạnh đó, các DN cũng cần linh hoạt hơn, xây dựng các tour làm nổi bật ẩm thực. Chỉ khi ẩm thực quảng bá tốt và tổ chức tour tuyến bài bản, Huế mới là điểm đến không thể bỏ qua.

Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng du lịch đường sông

Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng du lịch đường sông ở Huế phát triển vẫn còn chậm, chưa tương xứng với tài nguyên hiện có. Thiếu dịch vụ, hạ tầng giao thông, thiếu liên kết trong phát triển du lịch đường sông là những trở lực khiến du lịch đường sông chưa thể bứt phá.

Khai thác tiềm năng du lịch đường sông
Sản phẩm tinh dầu tràm mới đạt tiêu chuẩn FSC

Tinh dầu tràm Huế - Tiền Phong, một sản phẩm mới chất lượng của Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong (Công ty Tiền Phong) vừa mới sản xuất thành công từ dự án khoa học công nghệ được UBND tỉnh giao cho đơn vị. Loại tinh dầu này được đánh giá không chỉ mang lại lợi ích cho sức khỏe, mà còn tôn vinh giá trị văn hóa và thiên nhiên của vùng đất Cố đô.

Sản phẩm tinh dầu tràm mới đạt tiêu chuẩn FSC
Hình thành nhiều sản phẩm du lịch mới

Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 03 của Thành ủy về phát triển du lịch, dịch vụ (DLDV), trọng tâm là phát triển, hoàn thiện dịch vụ, du lịch về đêm, ẩm thực Huế (viết tắt là Nghị quyết 03), nhiều sản phẩm du lịch mới trên địa bàn thành phố hình thành, chất lượng dịch vụ ngày càng nâng lên đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.

Hình thành nhiều sản phẩm du lịch mới
Chuyển đổi từ cơ chế “phân cấp” sang “phân quyền” để quản lý, khai thác tài sản công hiệu quả

Chính phủ đề xuất sửa đổi quy định về thẩm quyền quyết định trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, từ cơ chế Chính phủ, bộ, cơ quan Trung ương, HĐND cấp tỉnh “phân cấp” thẩm quyền sang cơ chế phân quyền cho Chính phủ, bộ, cơ quan Trung ương, HĐND cấp tỉnh “quy định” thẩm quyền nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Chuyển đổi từ cơ chế “phân cấp” sang “phân quyền” để quản lý, khai thác tài sản công hiệu quả

TIN MỚI

Return to top