ClockChủ Nhật, 07/05/2017 05:46
KỶ NIỆM 63 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2017)

“Điểm hẹn lịch sử” của khối đại đoàn kết các dân tộc

TTH - Cùng với việc trở thành “Điểm hẹn lịch sử” về mặt quân sự quyết định kết cục cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai của Pháp, Điện Biên Phủ cũng trở thành “Điểm hẹn lịch sử” của khối đại đoàn kết các dân tộc với tinh thần Tất cả cho Điện Biên Phủ, tất cả để chiến thắng.

Ngày 7/5/1954, ngọn cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của QĐND Việt Nam anh hùng tung bay trên nóc hầm Đờ Cát-tơ-ri, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng. Ảnh: TL

1. Để phá vỡ Kế hoạch Navarre (1953 - 1954) của Pháp muốn tập trung binh lực“quyết đấu” với bộ đội của Võ Nguyên Giáp, ta mở nhiều mặt trận buộc Pháp phải phân tán lực lượng để đối phó. Bộ đội ta từ Bình - Trị - Thiên triển khai đánh địch ở trung và hạ Lào. Lực lượng vũ trang Khu V uy hiếp địch ở bắc Tây Nguyên. Khi phát hiện bộ đội ta tiến lên Tây Bắc, Navarre đã vội vàng điều quân dù chiếm Điện Biên Phủ ngày 20/11/1953 và xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm “bất khả xâm phạm” để “đón lõng và tiêu diệt” bộ đội ta. Ta cũng hạ quyết tâm chọn Điện Biên Phủ là nơi tiêu diệt bộ phận quan trọng quân chủ lực tinh nhuệ nhất của Pháp. Điện Biên Phủ trở thành “điểm hẹn lịch sử” một cách nhanh chóng chỉ sau hai tuần.

Chọn Điện Biên Phủ là điểm quyết chiến chiến lược, một trong những vấn đề nan giải nhất Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp phải đối phó là bảo đảm hậu cần cho cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ khi chiến trường ở rất xa hậu phương, trong khi lực lượng vận tải cơ giới còn rất nhỏ bé. Phía Pháp hiểu rõ điều này. Tướng H. Navarre và cả Bộ chỉ huy của ông ta còn cho rằng bộ đội của Võ Nguyên Giáp không biết sử dụng súng phòng không để chống lại sự đánh phá bằng máy bay trên toàn tuyến vận tải, lực lượng hậu cần của ông Giáp chỉ có thể duy trì một trận đánh kéo dài chừng 4 ngày và như vậy thì “việc ông Giáp tập trung tới 4 đại đoàn trên hướng Điện Biên Phủ là một “dự án thiếu thực tế”...

Nhưng lịch sử đã diễn ra không như những tính toán của Pháp. Trả lời phỏng vấn trong bộ phim tài liệu truyền hình dài tập về cuộc chiến tranh 30 năm ở Đông Dương “Apokalyse Vietnam” của Đài Phát thanh và Truyền hình Trung Đức (MDR), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giải thích cho điều này: “Cuối cùng thì chúng tôi đã chiến thắng, đạt được điều mà thế giới cho rằng không thể. Chúng tôi chiến thắng vì chúng tôi đã đứng ở phía của chân lý, vì người dân chúng tôi đã tâm niệm câu nói của Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và cuối cùng thì chúng tôi cũng chiến thắng là nhờ vào học thuyết quân sự độc nhất vô nhị về chiến tranh nhân dân của chúng tôi”.

Những chiếc xe đạp thồ đơn sơ và những đôi quang gánh trên vai đoàn dân công nối dài tưởng như bất tận, bất chấp gian khổ, hy sinh đã làm nên bất ngờ lớn, làm đảo lộn những tính toán của các chuyên gia quân sự đối phương. Theo Đại tá, sử gia, nhà báo Pháp Jules Roy, đó chính là “Cái đã đánh bại tướng Navarre” chứ không phải là phương tiện.

2. Theo lời kêu gọi của Đảng, của Bác Hồ, khắp các tỉnh vùng núi Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái, Mông, Dao, Hà Nhì... hăng hái thi đua phục vụ chiến dịch. Gần một nửa số dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ là đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh vùng núi đông bắc và tây bắc. Nhiều người tình nguyện đi dân công nhiều đợt. Nhiều gia đình mang cả ngựa thồ, thuyền, mảng của nhà mình đi chở vũ khí, lương thực, phục vụ tới vài ba tháng. Nhiều phụ nữ người dân tộc vốn chỉ quen lo nội trợ gia đình cũng nô nức lên đường đi dân công, gia nhập thanh niên xung phong.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng kể: “Trên những chiếc cầu tre mảnh khảnh, hoặc những cầu gỗ ghép bằng thân cây của công binh mới bắc qua suối, những chị dân công đòn gánh cong vút vì gạo, đạn, cười nói vui vẻ vượt qua. Những anh dân công xe thồ lầm lũi điều khiển chú “voi con” đi thoăn thoắt trên đường. Vận tải xe thồ đã trở thành binh chủng vận tải quan trọng thứ hai, đứng sau xe cơ giới. Những đoàn ngựa thồ của đồng bào Mông từ rẻo cao xuống, những chị dân công người Tày, người Nùng gánh, người Thái, người Dao gùi, chấm phá thêm màu sắc cho bức tranh liên hoàn dài vô tận. Lại có cả những đàn bò nghênh ngang, những chú lợn chạy lon ton dưới sự dẫn dắt kiên nhẫn của những chiến sĩ cung cấp, cũng đi ra mặt trận”.

Mặc dù mới được giải phóng (tháng 10/1952), đồng bào Thái ở Mường Lò (Nghĩa Lộ), đồng bào Tày ở Văn Chấn (Yên Bái) mới thu hoạch vụ mùa tự do đầu tiên nhưng đã sôi nổi hưởng ứng nộp thuế và đi dân công. Người miền núi xưa nay chỉ quen dùng cối nhỏ, giã thóc bằng sức nước suối, cả ngày mới được một cối gạo vài cân. Cơ quan hậu cần chiến dịch đã nhanh nhạy đưa những người thợ giỏi từ miền xuôi lên hướng dẫn đồng bào miền núi cách đóng cối xay thóc kiểu của người Kinh. Hàng ngàn cối gạo như vậy đã mọc lên ở Yên Bái phục vụ bộ đội ăn no đánh thắng. Gần cuối chiến dịch, cả vùng Tây Bắc mưa tầm tã, nhưng nhiệm vụ hậu cần vẫn hoàn thành. Trong chiến hào, chiến sĩ ta vẫn đầy đủ cơm ăn, nước uống trong khi quân Pháp lâm vào cảnh khốn đốn vì các sân bay, cả Mường Thanh và Hồng Cúm đã bị pháo binh Việt Nam làm tê liệt và pháo phòng không của Việt Nam khiến cho máy bay Pháp không thể tự do thả dù tiếp tế cho cứ điểm.

Các nhà nghiên cứu lịch sử - quân sự đều thống nhất nhận định rằng: Một trong những nguyên nhân quan trọng của chiến thắng Điện Biên Phủ là do phía Việt Nam đã bảo đảm được hậu cần cho chiến dịch trong khi phía Pháp thì không làm được điều này. Trong chiến công vĩ đại đó có phần đóng góp không nhỏ, trực tiếp và quan trọng của đồng bào các dân tộc thiểu số anh em.

TS. Ngô Vương Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học giả Argentina ca ngợi chiến thắng 30/4/1975 của Việt Nam

Ngày 30/4/1975, ngày Việt Nam hoàn toàn thống nhất là một sự kiện vô cùng trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam và lịch sử thế giới, điều phối viên Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Quan hệ quốc tế Đại học quốc gia La Plata, Argentina, ông Ezequiel Ramoneda khẳng định.

Học giả Argentina ca ngợi chiến thắng 30 4 1975 của Việt Nam
Lan tỏa sở thích đọc sách đến lực lượng biên phòng

Ngày 20/4, Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Thư viện tỉnh, Xã đoàn Hương Thọ (TP. Huế) và Trường tiểu học Hương Thọ tổ chức tuyên truyền kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam cho đoàn viên thanh niên các đơn vị và chiến sĩ mới.

Lan tỏa sở thích đọc sách đến lực lượng biên phòng
Nhà sử học Anh đánh giá chiến thắng Điện Biên Phủ là sản phẩm của thực tiễn chính trị và quân sự độc đáo

Những hy sinh to lớn làm nên chiến thắng quyết định ở Điện Biên Phủ năm 1954 là sản phẩm của thực tiễn chính trị và quân sự độc đáo, xuất phát trực tiếp từ những phẩm chất cá nhân và trí tuệ xuất chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được vận dụng và phát triển trong tập thể Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo nên con đường bền vững đi đến tự do, duy trì và nâng cao cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Nhà sử học Anh đánh giá chiến thắng Điện Biên Phủ là sản phẩm của thực tiễn chính trị và quân sự độc đáo
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc

Ngày 11/4, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và tỉnh Điện Biên tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia với chủ đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc
Return to top