ClockThứ Sáu, 02/09/2016 05:23

Đoàn kết “Khai sinh ra nước cộng hòa của mình”

TTH - Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam đã diễn ra như một tất yếu, hợp với quy luật phát triển xã hội, với sự đồng thuận của đông đảo nhân dân mang ước vọng xây dựng một xã hội tươi đẹp trong tương lai. Trong cao trào cách mạng đó, nhân dân Thừa Thiên Huế hòa cùng cả nước, đoàn kết, quyết tâm giành độc lập.

Đoàn kết “khai sinh ra nước Cộng hòa”

Đánh giá về một ưu điểm lớn của Cách mạng tháng Tám 1945 so với cách mạng ở một số nước khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cách mạng ở đâu thành công cũng phải đổ máu nhiều. Có nước phải chặt đầu vua. Có nước đồng bào chia đảng phái chém giết nhau liên tiếp trong bao nhiêu năm. Nước ta vua tự thoái vị, các đảng phái không có mấy. Trong một thời gian ngắn, các giai cấp đoàn kết thành một khối, muôn dân đoàn kết để mưu hạnh phúc chung là nước hoàn toàn độc lập và chống được giặc xâm lăng, đuổi thực dân tham ác ngoài bờ cõi”.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ảnh internet)

Buổi tối ngày 2/9/1946, tại Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự lễ kỷ niệm Quốc khánh lần đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hội liên hiệp Việt kiều và Hội hữu nghị Pháp - Việt tổ chức. Trong buổi lễ đặc biệt đó, một lần nữa Người nhấn mạnh: “Chính là sự đoàn kết, đoàn kết hoàn toàn và không gì phá vỡ nổi của toàn thể nhân dân chúng ta đã khai sinh ra nước Cộng hòa của mình”. Đó là nhà nước Cộng hòa của cả dân tộc. Nhìn lại thành quả đó có thể thấy ngay đó là kết quả của cả một quá trình quy tụ sức mạnh dân tộc của Mặt trận Việt Minh...

Quy tụ sức mạnh toàn dân

Ngày 19/5/1941, giữa vùng núi rừng Pắc Bó, theo sáng kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Việt Nam độc lập đồng minh - gọi tắt là Việt Minh đã được thành lập. Trong tình thế mới của cuộc chiến tranh thế giới đang lan rộng, “Quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy”, các tầng lớp quần chúng đông đảo được tổ chức trong những Hội cứu quốc - là thành viên của Mặt trận Việt Minh: Nông dân cứu quốc, Công nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Văn hoá cứu quốc và các tổ chức Thanh niên tiền tuyến (ở Huế và các tỉnh miền Trung), Thanh niên Tiền phong (ở Sài Gòn và vùng Nam bộ)... đã thu hút đông đảo các tầng lớp quần chúng tham gia, tập hợp trong hàng ngũ của Mặt trận Việt Minh, đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng chờ thời cơ đến để đứng lên giành độc lập. Khí thế cách mạng ngày càng dâng cao trong những ngày sôi sục chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành độc lập. Mặt trận Việt Minh đã quy tụ và rèn luyện, đưa lực lượng cách mạng phát triển mạnh mẽ với tốc độ nhanh và quy mô rộng khắp trong cả nước. Nhờ đó, Đảng có chỗ dựa vững chắc trong lòng dân, có cơ sở chính trị rộng lớn để lập các căn cứ địa cách mạng và xây dựng lực lượng vũ trang. Tất cả những điều đó tạo ra đầy đủ các điều kiện chủ quan để khi thời cơ tới, chỉ với số lượng đảng viên không nhiều, thông qua Mặt trận Việt Minh, Đảng đã lãnh đạo nhân dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công trên cả nước, làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945, thay đổi hoàn toàn vận mệnh của cả dân tộc.

Huế năng động hòa cùng cả nước

Ở Huế, trong những ngày sục sôi cao trào tiến lên Tổng khởi nghĩa, Trường thanh niên tiền tuyến Huế ra đời trong một cách tương kế tựu kế của các trí thức có tinh thần dân tộc, lợi dụng tình thế để nắm lấy lực lượng thanh niên, đưa họ vào một tổ chức và hướng dẫn họ hoạt động có lợi cho đất nước, không để Nhật lợi dụng. Hai nhà trí thức Phan Anh và Tạ Quang Bửu đã khôn khéo tạo cho trường vỏ bọc thuộc Bộ Thanh niên và “bảo đảm cho học viên tự chọn con đường riêng của mình”. “Con đường riêng” của Thanh niên tiền tuyến được xác định ngay sau đó. Từ tháng 7/1945, Trường Thanh niên tiền tuyến Huế đã được “Việt Minh hóa”,  nhóm Việt Minh của trường nhập với Việt Minh tỉnh.

Dù lệnh khởi nghĩa từ trung ương chưa kịp đến, song sau khi Hà Nội giành chính quyền thành công, Việt Minh Nguyễn Tri Phương Thừa Thiên Huế đã nhanh chóng, kịp thời huy động toàn dân khởi nghĩa. Lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay, làm rung động cả Kinh thành Huế, đã được các đội viên Thanh niên tiền tuyến Đặng Văn Việt và Nguyễn Thế Lương treo trên kỳ đài từ ngày 21/8.

Chiều 23/8, tại sân vận động Huế, hàng chục nghìn quần chúng nhân dân hàng ngũ chỉnh tề tập trung dưới rừng cờ sao vàng phấp phới. Ủy ban khởi nghĩa tiến vào lễ đài giữa tiếng hoan hô vang dội cả một góc trời. Ủy ban tuyên bố từ nay chính quyền về tay Nhân dân.

Ngày 30/8, trước Ngọ môn, Bảo Đại vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến đã tự nguyện thoái ngôi hoàng đế của một nước nô lệ để làm công dân của một nước tự do - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Để phát triển đất nước hôm nay 

Cuộc Cách mạng vĩ đại của toàn dân tộc tháng Tám 1945 để lại bài học lớn về xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong mỗi hành động cách mạng. Bài học lớn đại đoàn kết từ thành công năm xưa vẫn cần tiếp tục phát huy.

Để đất nước phát triển bền vững hôm nay, trong bối cảnh mới càng cần chúng ta phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc rộng rãi, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, đoàn kết đồng bào trong nước và cả cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, ở một tầm cao mới, bằng những phương pháp mới. Điểm chung để đại đoàn kết dân tộc năm xưa là Độc lập tự do. Điểm chung của mọi người dân Việt Nam hiện nay là “giữ vững độc lập, thống nhất, tiến lên dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh” .

Với tinh thần đó, Đại hội Đảng lần thứ XII xác định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc” (Báo cáo Chính trị).

TS. Ngô Vương Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đoàn kết - sức mạnh vượt qua mọi khó khăn

94 năm qua, Đảng bộ tỉnh đã có những bước chuyển đáng ghi nhận. Đoàn kết chính là sức mạnh để Đảng bộ tỉnh tập trung lãnh, chỉ đạo và đạt được những kết quả quan trọng trên tất các lĩnh vực, hướng đến mục tiêu, đưa tỉnh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Đoàn kết - sức mạnh vượt qua mọi khó khăn
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị:
Khai thác các nguồn lực phục vụ mục tiêu an sinh xã hội

Chiều 1/2, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị Ban chấp hành lần thứ V, nhiệm kì 2021 - 2026 nhằm tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Khai thác các nguồn lực phục vụ mục tiêu an sinh xã hội
Khai mạc chương trình “Tết Đoàn kết” năm 2024

Chiều 28/1, UBND phường An Đông, TP. Huế tổ chức khai mạc chương trình Tết Đoàn kết, hội thi gói bánh chưng bánh tét, chế biến mứt truyền thống năm 2024 nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi chào đón năm mới – Xuân Giáp thìn. Tham dự có lãnh đạo thành phố và các ban ngành, người dân địa phương.

Khai mạc chương trình “Tết Đoàn kết” năm 2024
Thắt chặt tình đoàn kết quân dân

Những ngày cuối năm, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 968 (Quân khu 4) hành quân về với xã Bình Thành (thị xã Hương Trà) để thực hiện công tác dân vận. Dù thời tiết không thuận lợi nhưng bằng trách nhiệm và quyết tâm cao, các anh đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân và thực hiện nhiều công trình, phần việc có ý nghĩa thiết thực.

Thắt chặt tình đoàn kết quân dân
Return to top