ClockThứ Ba, 07/01/2014 06:24

Đọc Giấc khuya của Ngàn Thương

TTH - Ngàn Thương, một chàng trai Huế, một nhà thơ Huế hiền lành, chân thành nhưng sâu sắc. Anh để ý tới đâu là thơ bật ra từ đó. Bất cứ lúc nào cũng hồn nhiên, được bạn bè yêu mến:
 
“Đầu xuân gặp bạn bên đường
 
Dang tay chào với niềm thương dạt dào”
 
(Cảm đời)
 
 
Nhưng là trai Huế, nên anh rất sâu sắc, luôn đặt mình ở thể trạng đầy câu hỏi để tìm ra lẽ sống, chính vì thế trong hoàn cảnh nào anh cũng nhận ra mình lấp lánh”
 
“Nét trầm ngâm của Huế
 
Lắng sâu mấy cửa Thành
 
Đừng hỏi lòng còn-mất
 
Tâm thức mình vẫn xanh”
 
(Nét Huế)
 
Hiểu mình nên hiểu đời, anh nhận ra lẽ sống cho cuộc đời mình:
 
“Công danh phù phiếm xem thường
 
Mà lòng đau đáu nhớ nguồn cội xưa”
 
(Cảm đời)
 
Là bạn bè với nhau, không thiếu những cuộc trà dư, tửu hậu. Có những lúc Ngàn Thương giật mình “Cốc cà phê sớm mai. Nhiều khi đắng chát”, nhưng anh không để cái đắng chát ấy làm xao xuyến lòng mình. Điều quan trọng hơn cả anh nhận ra cho mình chính là chữ tình của cuộc đời. Vì lẽ đó, đã đến cái tuổi lục tuần, nên Ngàn Thương bắt đầu chiêm nghiệm. Tôi rất thích tứ thơ đầy chiêm nghiệm của anh:
 
“Đời vẫn thế
 
bao oan khiên còn đó
 
biệt ly nào
 
không là lệ trong nhau”
 
(Chiếc lá cuối ngày)
 
Khi đã đến tuổi chiêm nghiệm thì nhìn cuộc đời rành rẽ hơn. Không để những thứ phù phiếm lôi kéo. Mà chính trách nhiệm với cuộc đời đưa mình đi đúng hướng. Dẫu có những lúc do hoàn cảnh đành phải đứng giữa ngã ba đường, đầy tâm trạng bâng khuâng.
 
“Mỗi dòng sông
 
Ra biến hóa mồ côi
 
Không nhận ra mình từ nơi vô định”
 
(Giấc khuya)
 
Chính tâm trạng bâng khuâng đầy ắp này choáng ngợp trong tâm hồn, nên Ngàn Thương đã lấy ý trí của “Giấc khuya” đặt tên cho tập thơ của mình.
 
Sống với Ngàn Thương, mới biết một trong những nơi anh thường đến là những ngôi chùa. Anh đã làm thơ miêu tả tấm lòng xao xuyến tâm linh của mình:
 
“Bóng thầy in trên lá
 
Nắng chợt về long lanh
 
Dáng thầy uy nghiêm bước
 
Ru rừng khúc độc hành”
 
(Hạnh Ngộ)
 
Đời là vậy, giống như một quy luật, hầu như ai đó chiêm nghiệm nhận ra lẽ đời, thường thấm đẫm tâm linh. Bởi nơi ấy sàng lọc cho ta “Tham, sân, si” để nhận ra “Từ bi, hỷ xả”. Ngàn Thương cũng là một trong những con người ấy, chẳng thế mà “nhìn một bông hồng nở, anh như tìm đến nơi mình muốn.
 
“Thuyền dạo sắc không vừa chợt đến
 
Luân hồi muôn nẻo khói trầm xông
 
Con nghe làn suối từ bi nguyện.
 
Nở giữa vườn tâm một đóa hồng”.
 
(Đóa hồng)
 
Xin hãy nghe anh tâm sự với bạn mình:
 
“Bạn bè ơi
 
Sóng âm nghèo chẳng có chi hỏi đáp”
 
(Như cánh ngọc lan)
 
Một trong những nơi con người đầy yêu thương chiêm nghiệm này tìm đến nữa là tình yêu. Ngàn Thương không hề giấu diếm tâm trạng đa cảm say sưa này của mình:
 
“Có những lần nhớ đến tương tư
 
Bên em ngồi bên em tao ngộ
 
Người con gái mang tên huyền thoại
 
Đôi mắt em nói điều chi
 
Đắm lòng anh say đắm”
 
(Tình ngân)
 
Tôi có nhiều bạn thơ. Vì vậy hiểu tấm lòng nhà thơ đầy bao dung và nhạy cảm. Phải có vậy mới cảm được ngọn cỏ, lá cây, phiến đá, suối nước thành thơ của mình. Đúng như Ngàn Thương viết: “Mỗi con người. Mỗi số phận. Mỗi hồn thơ”. Tôi nhận ra nỗi xao xuyến trong anh.
 
“Mỗi chuyến tàu chở hết những đêm đông
 
Ai tiễn đưa ai
 
Trong khoang đầy gió”.
 
Ngàn Thương đang đi, chưa hẹn lối dừng.
 
Đọc hết tập “giấc khuya” 60 bài, biết Ngàn Thương đang tung cánh. Những câu thơ đầy cảm xúc tôi đã trích ra rồi. Điều muốn nói với Ngàn Thương là anh nên chú ý vần của thơ lục bát.
 
Đây nghe:
 
“Ở đây thơm ngát tâm hồn
 
Khi mùa sen nở nghe lòng bâng khuâng”
 
(Gọi tôi)
 
Rồi:
 
“Một lần rồi cũng trăm năm
 
Đốt tờ thư mỏng trên phần áo quan
 
Tay xuôi tiễn bước phố phường
 
Luân lưu cờ ngược ưu phiền cuộc tôi”
 
(Một lần – Trăm năm)
 
Ngàn Thương cần chú ý hơn về vần của lục bát Ngàn Thương ạ. Có vậy mới chinh phục được bạn đọc.
Nguyễn Quang Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”

Trong công tác nghiên cứu văn hóa dân gian ở Việt Nam, một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất nửa sau thế kỷ 20 là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh (trong ảnh). Ông thật sự là một học giả uyên bác, một nhà nghiên cứu văn hóa nói chung, văn hóa dân gian nói riêng có những đóng góp quan trọng.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”
Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

TIN MỚI

Return to top