ClockThứ Ba, 24/12/2019 13:45

Đổi mới công nghệ để mở rộng thị trường

TTH - Qua 5 lần tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB), toàn tỉnh có 175 sản phẩm được công nhận là sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh, 34 sản phẩm cấp khu vực và 11 sản phẩm cấp quốc gia. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp (DN), cơ sở quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường.

Máy ép củi trấu được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia 2015

Sản phẩm rèn của cơ sở rèn Trường Tiến (TX. Hương Thủy) được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp tỉnh năm 2019

Sau 2 lần liên tiếp có sản phẩm được Bộ Công thương công nhận là sản phẩm CNNTTB cấp quốc gia vào năm 2017 và 2019, từ một cơ sở sản xuất máy ấp trứng quy mô nhỏ, đến nay, Công ty TNHH Máy ấp trứng Huế ở xã Lộc Điền (Phú Lộc) đã vươn lên trở thành một trong những DN tên tuổi có sản phẩm tiêu thụ trong cả nước. Từ chiếc máy ấp trứng gia cầm đầu tiên có công suất 2.000 trứng/lần vào năm 2003, đến nay, DN nâng công suất lên 20.000 trứng/lần và mỗi năm tiêu thụ 300 máy, doanh thu trên 3 tỷ đồng.

Giám đốc DN, ông Nguyễn Văn Nhân chia sẻ: “Sau khi tham gia bình chọn sản phẩm CNNTTB cấp huyện, sau đó được bình chọn cấp tỉnh, cấp khu vực đến cấp quốc gia, thương hiệu máy ấp trứng Huế được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến và đặt hàng nhiều hơn. Từ đó, DN đã nghiên cứu và sản xuất các loại máy có chức năng ấp các loại trứng gia cầm tự động hoàn toàn theo cơ chế giống với đặc tính sinh lý của gia cầm. Đồng thời tỷ lệ ấp đạt cao, con giống sau khi ấp có chất lượng tối ưu và có thể ấp nhiều trứng của các loài gia cầm khác nhau như vịt, gà, ngan, ngỗng và cả đà điểu bằng cách thay đổi nhiệt độ máy”.

Anh Nhân cho biết, hiệu ứng từ chương trình bình chọn sản phẩm CNNTTB các cấp không chỉ giúp DN quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm nhiều hơn, mà còn tạo điều kiện để DN thụ hưởng các nguồn vốn khuyến công để tiếp tục đầu tư công nghệ, nghiên cứu, tạo ra nhiều sản phẩm mới, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Năm 2019, có 59 sản phẩm của 58 DN trên địa bàn tham gia bình chọn cấp tỉnh, trong đó có 34 sản phẩm được công nhận là sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh, bao gồm các nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ; sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm; thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí… Qua xét duyệt, có 16 sản phẩm đạt tiêu chí tham gia bình chọn cấp khu vực miền Trung - Tây nguyên năm 2020.

Mục tiêu của việc bình chọn nhằm phát hiện và tôn vinh các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có chất lượng, có giá trị sử dụng và có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường. Các sản phẩm đạt bình chọn thể hiện khá rõ về tính hàng hóa, thị trường, khả năng sản xuất hàng loạt, sử dụng nhiều lao động và sử dụng nguyên vật liệu của địa phương.

Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh thông tin, qua 5 lần tổ chức bình chọn, toàn tỉnh có 220 sản phẩm được bình chọn ở 3 cấp. Đây là con số khá khiêm tốn khi số lượng sản phẩm CNNTTB cấp khu vực chỉ chiếm 8%, cấp quốc gia chỉ 3% so với tổng số các sản phẩm được công nhận trong cả nước.

Ông Thanh cho biết, với hơn 8.000 cơ sở sản xuất lớn nhỏ và 88 nghề, làng nghề được công nhận là nghề và làng nghề truyền thống, thời gian qua, sở đã tranh thủ các nguồn vốn khuyến công để hỗ trợ cho các DN, cơ sở CNNT đầu tư máy móc thiết bị, đào tạo nghề và xây dựng các mô hình trình diễn, xúc tiến thị trường.

Tuy nhiên, do đa số các sản phẩm đều làm thủ công nên chất lượng chưa đồng đều, mẫu mã đơn điệu rất khó cạnh tranh. Vì vậy, ngoài nguồn vốn khuyến công của tỉnh, các địa phương tiếp tục hỗ trợ vốn cho các cơ sở để đầu tư máy móc, đồng thời bản thân các DN, cơ sở phải tự vươn lên bằng cách thay đổi công nghệ, cải tiến mẫu mã và đẩy mạnh công tác quảng bá thương hiệu sản phẩm.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải pháp đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn

Sáng 16/3, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 đã diễn ra phiên thảo luận với chủ đề “Đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn”. Đây là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm rất lớn từ các cơ quan báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có báo chí, truyền thông.

Giải pháp đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn
Thúc đẩy báo chí thích ứng, đổi mới mạnh mẽ

Trước thềm Diễn đàn với 12 phiên họp khai mở, nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, chia sẻ với báo chí xung quanh nội dung cũng như kỳ vọng về Diễn đàn Báo chí Toàn quốc trong khuôn khổ “Hội Báo toàn quốc 2024”. Diễn đàn với 12 phiên thảo luận nhiều vấn đề cấp thiết đặt ra với báo chí đang được kỳ vọng mở ra con đường mới cho các cơ quan báo chí thích ứng và phát triển, phục vụ và đóng góp đắc lực cho quốc gia, dân tộc.

Thúc đẩy báo chí thích ứng, đổi mới mạnh mẽ

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top