ClockThứ Bảy, 29/06/2024 06:19

Chiếc áo lưu niệm Huế “sống lại”

TTH - Là một sản phẩm lưu niệm khá cơ bản, áo thun trắng có in chữ Huế cùng họa tiết là các địa danh Huế từ lâu đã gần gũi, quen mắt mọi người. Sản phẩm với mục đích làm quà tặng du lịch nên kém người chọn để sử dụng, tính ứng dụng chưa cao. Nhưng gần đây, khi xu hướng sống ảo, sở thích “bắt trend” của giới trẻ ngày càng tăng, chiếc áo ấy đã “hot” trở lại.

Quà tặng cho FestivalBiến lá bồ đề thành sản phẩm lưu niệm

 Cô Thảo - tiểu thương chợ Đông Ba tư vấn áo lưu niệm Huế cho du khách

Trong hoạt động du lịch, các sản phẩm lưu niệm, hàng quà tặng cho du khách lâu nay đã dần bị lãng quên bởi sự thiếu thu hút trong mẫu mã và cả phương cách tổ chức bán. Các sản phẩm như những biểu tượng, mô hình, bức tranh liên quan đến địa phương hay đơn giản là những đồ vật có giá trị sử dụng như túi xách, mũ đội, móc khóa, hộp đựng, bình hoa ít hấp dẫn, khó sử dụng. Áo thun cũng là sản phẩm dễ mang, tính ứng dụng có thể xếp vào loại cao bậc nhất trong các sản phẩm lưu niệm. Nhưng cả thời gian dài, áo thun du lịch Huế không thu hút khách du lịch ở mọi lứa tuổi.

Thông thường, áo thun trắng in chữ Huế có in hình Kinh thành Huế, chùa Thiên Mụ, sông Hương, cầu Trường Tiền - những địa điểm du lịch nổi tiếng, đặc trưng ở Huế. Hai tháng gần đây, lượng áo bán ra tăng cao nhờ phong trào mang áo Huế làm áo đoàn, áo tập thể đến Huế du lịch. Cô Trần Thi Thảo (65 tuổi, tiểu thương chợ Đông Ba) vui mừng chia sẻ: “Cô bán ở đây từ năm 1994, quầy của cô bán rất nhiều loại áo quần, trang phục từ truyền thống đến phục vụ du lịch. Áo Huế này lâu nay không nhiều khách mua, chỉ bán lai rai 1-2 chiếc áo, bộ đồ con nít người ta mua về làm quà. Nhưng gần đây bán đắt hàng hẳn vì phong trào mang áo Huế theo trên mạng để chụp ảnh, quay video”.

Một chiếc áo thun trắng với giá là 30.000 đồng, in hình Huế vừa túi tiền, thích hợp mang tập thể vì màu sắc, họa tiết đơn giản nhưng ấn tượng. Cô Thảo kể rằng, có những đoàn du khách đến hàng cô, mua 20-30 cái để cả đoàn mang đi tham quan trong những ngày tới ở Huế. Còn với Ngọc Hoàng (21 tuổi, Hà Nội), ghé quầy hàng cô Thảo lựa mua chiếc áo này về làm quà cho những người bạn của mình. “Gần đây lướt tiktok, thấy trend các nhóm bạn mang áo Huế đến check-in các địa điểm ở Huế, mình thực sự rất thích thú và ấn tượng. Do lần này tình cờ ghé Huế ít ngày nên mình không thể “bắt trend”. Do đó, mình quyết tâm quay lại Huế cùng với nhóm bạn của mình để “đu” bằng được trend này. Mình đã mua được 5 chiếc mang về Hà Nội làm quà cho các bạn mình cũng như để chuẩn bị cho chuyến đi Huế sắp đến của nhóm”.

Theo Hoàng, giá thành một chiếc áo Huế là rất rẻ so với những loại áo khác in tên địa danh. Tuy chất liệu vải còn mỏng nhẹ, họa tiết đặc biệt nhưng vẽ chưa sắc nét, form chữ in lên cũng chưa quá nổi bật nhưng với giá thành này và là loại áo phục mang du lịch, làm quà kỷ niệm thì đã hợp lý.

Chiếc áo lưu niệm Huế dần trở lại, gần gũi thị trường người mua, đặc biệt là du khách tứ phương đến Huế là dấu ấn chuyển mình cho một sản phẩm lưu niệm gắn liền với du lịch Huế. Đó không chỉ là tín hiệu đáng mừng cho một chiếc áo lưu niệm Huế bấy lâu nay, mà còn là điểm sáng trong kinh doanh, quảng bá sản phẩm lưu niệm, hàng quà tặng của một thành phố du lịch như Huế.

Hy vọng, những sản phẩm lưu niệm của Huế đã “bắt được sóng” của du khách như chiếc áo lưu niệm in chữ Huế và các biểu trưng du lịch của Huế sẽ được chăm chút, đầu tư hơn về chất lượng của chất liệu và mẫu mã. Có vậy, giá trị của sản phẩm sẽ bền vững hơn so với vòng đời của một xu hướng, trào lưu nào đó.

Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chợ Đông Ba phòng, chống cháy nổ mùa nắng nóng

Mùa hè với thời tiết oi bức tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, đặc biệt tại những khu vực kinh doanh nhiều ngành hàng như chợ Đông Ba. Ban Quản lý (BQL) và tiểu thương chợ Đông Ba có nhiều biện pháp phòng chống hỏa hoạn.

Chợ Đông Ba phòng, chống cháy nổ mùa nắng nóng
Chợ Đông Ba giảm giá thu hút khách du lịch

Từ năm 2021, cứ đến tháng 5, Ban Quản lý (BQL) chợ Đông Ba lại vận động tiểu thương triển khai chương trình “Tháng bán hàng giảm giá” để kích cầu du lịch và thu hút khách hàng ghé thăm ngôi chợ đã 125 năm tuổi.

Chợ Đông Ba giảm giá thu hút khách du lịch
Người tốt ở Đông Ba

Những hành động tử tế tại chợ Đông Ba giúp ngôi chợ hơn 124 tuổi ngày càng xây dựng được hình ảnh thân thiện, văn minh.

Người tốt ở Đông Ba
Huế xưa Huế mới

“Huế cổ kính, mà luôn luôn mới mẻ, bất ngờ. Ai đã từng dành trọn buổi sớm mai sương khói hay buổi chiều tà mát mẻ đi một vòng dọc hai bờ sông Hương mới cảm nhận được sức sống kỳ diệu của thành Huế bây giờ… Huế đi lên từng ngày, dần xứng tầm là một đô thị di sản, một trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu tương lai của nước nhà, của khu vực” - Đó là những cảm nhận sâu sắc của một người bạn xa về một Huế “muôn đời đẹp và thơ”.

Huế xưa Huế mới
Nụ cười Đông Ba

Mệ Hoàng Thị Khanh, 81 tuổi, buôn bán cau trầu ở chợ Đông Ba kể, trước năm 1975, tiểu thương đều mặc áo dài, và Đông Ba như một xứ Huế thu nhỏ, là nơi gìn giữ bản sắc của di sản văn hóa Huế. Đôi khi khách phương xa đến Huế, ra chợ Đông Ba, cốt chỉ để được nghe rặt tiếng Huế của các dì, các mệ.

Nụ cười Đông Ba
Return to top