ClockChủ Nhật, 06/09/2020 06:43

Anh kỹ sư trẻ & niềm đam mê sáng tạo

TTH - Với sáng kiến “Máy bơm mỡ tự động cho vòng bi suốt máy kéo sợi con”, anh Hồ Thanh Phương (sinh năm 1987), kỹ sư bảo trì máy tại Nhà máy sợi thuộc Công ty CP Dệt May Huế giúp công ty tiết kiệm hằng trăm triệu đồng mỗi năm.

Công ty CP Dệt may Huế tặng 50.000 khẩu trang phòng chống dịch coronaÁp lực tạo động lực

Ngoài giờ làm việc, anh Phương dành phần lớn thời gian nghiên cứu, sáng tạo

“Giữ lửa” 

Với tình yêu công nghệ và máy móc từ khi còn học phổ thông, chàng trai trẻ Hồ Thanh Phương quyết định theo học chuyên ngành cơ khí chế tạo của Trường cao đẳng Công nghiệp Huế.

Suốt thời gian đi học, cậu sinh viên thường lân la đến những bãi phế liệu để nhặt nhạnh, tìm mua các lốc máy, linh kiện và đồ điện da dụng cũ như tủ lạnh, tivi, đầu đĩa… để nghiên cứu và sửa chữa, lắp ráp lại rồi đem bán, kiếm đồng ra đồng vào chi tiêu và hỗ trợ sáng tạo.

Với anh Phương, đó là khoản thu nhập để nuôi đam mê khi đa phần đều dành dụm để mua dụng cụ, thiết bị. Anh vẫn thường đùa vui với bạn bè: “Kiếm tiền để nuôi đam mê, đến khi đam mê đủ lớn thì nó sẽ nuôi lại mình”.

Anh Hồ Thanh Phương vận hành máy bơm mỡ tự động cho vòng bi suốt máy kéo sợi con

Lời đùa vui khi xưa giờ bước đầu đã thành sự thật khi anh quyết định gắn bó và cống hiến cho Công ty CP Dệt May Huế với vị trí kỹ sư bảo trì máy.  Để “giữ lửa” đam mê, anh Phương tiếp tục đăng ký học liên thông lên Đại học sư phạm kỹ thuật Vinh và bổ sung kiến thức thông qua nhiều diễn đàn, khóa học online về kỹ thuật máy.

“Với số tiền dành dụm được, tôi đã tự mở một xưởng cơ khí nhỏ tại nhà với kha khá trang thiết bị, máy móc để có thể thỏa mãn đam mê, có thêm điều kiện tự nghiên cứu và tìm tòi”, anh Phương chia sẻ.

Nhờ tình yêu với máy móc và nỗ lực không ngừng học hỏi, cập nhật kiến thức mới, anh Hồ Thanh Phương đã có nhiều sáng kiến, giải pháp mới giúp tăng năng suất và hiệu quả công việc hàng ngày.

Một trong những sáng kiến nổi bật của anh là “Máy bơm mỡ tự động cho vòng bi suốt máy kéo sợi con” đã được công ty áp dụng rộng rãi và xuất sắc giành giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019; giải Nhất lĩnh vực Sợi, Dệt, Nhuộm tại Ngày hội sáng tạo ngành Dệt May Việt Nam lần thứ II - 2019, do Công đoàn Dệt May Việt Nam tổ chức. Với đề tài này, anh Hồ Thanh Phương đang được Công đoàn ngành đề nghị tặng Bằng Lao động sáng tạo 2020 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Sáng kiến từ thực tiễn

Anh Phương cho biết, các máy kéo sợi con của dây chuyền sản xuất sợi tại công ty có hơn 150.000 suốt cao su các loại; trong đó 1 suốt cao su được cấu tạo gồm trục giữa và 2 đầu là vòng bi đòn gánh. Công việc bảo dưỡng thường ngày của anh và đồng nghiệp là bơm mỡ cho 2 vòng bi trục suốt, sau đó tiến hành mài lại rồi đưa vào máy chiếu tia UV để xử lý lại bề mặt. Công đoạn này được thực hiện bằng tay với số lượng lớn nên công việc bảo dưỡng rất tốn kém thời gian và công sức.

Anh Hồ Thanh Phương (giữa) đạt giải nhất lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm tại Ngày hội sáng tạo ngành Dệt Việt Nam, lần thứ II - 2019

Đầu năm 2019, anh Phương “xắn tay” vào nghiên cứu với ý tưởng chế tạo một loại máy có thể đáp ứng được yêu cầu công việc hằng ngày. Suốt quá trình đó, tuy nhiều lần thất bại nhưng anh vẫn không nản lòng với phương châm “Sai ở đâu, khắc phục ở đấy”.

Ông Nguyễn Tiến Hậu, Giám đốc điều hành Công ty CP Dệt may Huế đánh giá: Sáng kiến “Máy bơm mỡ tự động cho vòng bi suốt máy kéo sợi con” của anh Hồ Thanh Phương giúp đơn vị tiết giảm được phần việc của một lao động, ước tính tiết kiệm khoảng 150 triệu đồng/năm. Đó là chưa tính đến lượng mỡ tiết kiệm được so với trước đây.

Sau 8 tháng “ăn ngủ cùng máy móc”, ý tưởng về máy bơm mỡ tự động cho vòng bi suốt máy kéo sợi con đã được hiện thực hóa với các tính năng ưu việt như: tiết kiệm nhiên liệu (mỡ); lượng mỡ được bơm đều nên kéo dài tuổi thọ cho vòng bi suốt cao su; rút ngắn thời gian bảo dưỡng, đưa máy vào hoạt động sớm làm tăng hiệu suất máy sản xuất. Đặc biệt, với máy bơm mỡ, người sử dụng chỉ cần thả một loạt vòng bi suốt vào máy và nhấn nút khởi động, các công đoạn còn lại đều được tự động hóa.

Anh Phương chia sẻ, do không muốn ảnh hưởng đến công việc hằng ngày tại nhà máy nên toàn bộ quy trình chế tạo chủ yếu được anh tranh thủ làm ngoài giờ tại xưởng máy cá nhân. Đêm nào anh cũng thức đến quá khuya và dành nguyên ngày cuối tuần để đọc tài liệu, lên ý tưởng rồi bản vẽ thiết kế...Đến phần gia công, lắp ráp, do các xưởng gia công không nhận đơn hàng chi tiết máy nhỏ lẻ nên anh đành “tự thân vận động” thuê máy móc theo giờ rồi trực tiếp thực hiện.

Mọi chi phí trong quá trình nghiên cứu, thực hiện anh Phương đều bỏ tiền túi. Khi bắt tay vào hiện thực hóa sáng kiến, anh vẫn chưa dám đề xuất với lãnh đạo công ty vì lo rằng “Nói trước bước không qua”. Chỉ khi máy bơm mỡ dần thành hình và có triển vọng áp dụng vào thực tế, anh mới mạnh dạn báo cáo thành quả với công ty và được tạo điều kiện hỗ trợ toàn bộ chi phí sản xuất.

“Công đoạn khó khăn nhất với tôi là thiết kế bản mạch, do chỉ được đào tạo chuyên môn về cơ khí nên tốn khá nhiều thời gian để nghiên cứu tài liệu và hoàn thiện cơ chế tự động hóa của máy. Không ít lần bản mạch bị cháy do lỡ tay đấu nhầm, thế là hì hục làm lại từ đầu”, anh Phương bộc bạch.

Chị Hồ Thị Lệ, một đồng nghiệp cùng tổ bảo trì máy hồ hởi cho biết, anh kỹ sư trẻ luôn sống chan hòa, giúp đỡ mọi người xung quanh. Ở anh Phương, điều đáng quý nhất chính là tinh thần đam mê tìm tòi, nghiên cứu và học hỏi mà sáng kiến máy bơm mỡ là minh chứng rõ nhất. Nhờ sáng kiến trên mà các thành viên trong tổ bảo trì có thể rút ngắn thời gian bảo dưỡng máy móc và tối giản hóa công việc vốn đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận như bơm mỡ vào vòng bi suốt.

Bài, ảnh: MINH NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sáng kiến hiệu quả giúp người dân tự nguyện giao nộp vũ khí

Với Công trình thanh niên “Tuyên truyền, vận động Nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo”, tuổi trẻ Công an Thừa Thiên Huế đã khơi gợi được sự thấu hiểu, đồng lòng và hưởng ứng của đông đảo người dân.

Sáng kiến hiệu quả giúp người dân tự nguyện giao nộp vũ khí
HỘI NGHỊ BỘ TRƯỞNG CẤP CAO TOÀN CẦU LẦN THỨ 4 VỀ AMR:
Các sáng kiến về kháng thuốc trở thành tâm điểm

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng toàn cầu cấp bách về tình trạng kháng thuốc kháng sinh (AMR), các sáng kiến về kháng thuốc một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý, khi các bên liên quan nhóm họp tại Hội nghị Bộ trưởng cấp cao toàn cầu lần thứ 4 về AMR.

Các sáng kiến về kháng thuốc trở thành tâm điểm
Tiết kiệm để giúp hộ nghèo

Sau hơn 1 năm phát động, phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC-NLĐ) tiết kiệm ít nhất một ngày 1.000 đồng để giúp đỡ hộ nghèo” đã và đang lan tỏa ở các cơ quan, đơn vị tại huyện Phú Lộc.

Tiết kiệm để giúp hộ nghèo
Đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian

Cùng với việc triển khai có hiệu quả ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội (BHXH) số, BHXH tỉnh đồng thời thực hiện kết nối, tích hợp tài khoản định danh điện tử (VNeID) trên ứng dụng VssID của BHXH Việt Nam, nhằm mang lại nhiều tiện ích cho người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn.

Đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian
Giải pháp làm mát bền vững có thể giúp các nền kinh tế đang phát triển tiết kiệm 8.000 tỷ USD

Theo báo cáo vừa được Liên minh Tăng cường hiệu quả làm mát của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) công bố, thị trường làm mát ở các nền kinh tế đang phát triển dự kiến sẽ tăng gấp đôi từ khoảng 300 tỷ USD/năm hiện nay lên ít nhất 600 tỷ USD/năm vào năm 2050. Tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong lĩnh vực làm mát dự kiến sẽ diễn ra ở châu Phi - nơi thị trường sẽ tăng gấp 7 lần, và ở Nam Á - nơi sẽ tăng gấp 4 lần về quy mô.

Giải pháp làm mát bền vững có thể giúp các nền kinh tế đang phát triển tiết kiệm 8 000 tỷ USD

TIN MỚI

Trực tiếp xsmb hôm nay
Return to top