ClockThứ Năm, 13/07/2023 13:00

Bấm gọi số 111 khi cần tư vấn, hỗ trợ trẻ em khẩn cấp

TTH - Thời gian qua, nhiều vụ việc làm ảnh hưởng, tổn hại đến trẻ em vẫn xảy ra ở các địa phương gây bất bình, xôn xao dư luận xã hội. Đáng tiếc là nhiều người có liên quan như thành viên trong gia đình, hàng xóm... vẫn không biết đến các dịch vụ túc trực ngày đêm bảo vệ trẻ em, trong đó có Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (gọi tắt Tổng đài 111). Vì chỉ cần gọi đến số 111, ngay lập tức, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc can thiệp bảo vệ trẻ em và rất có thể tình hình sẽ khác đi.

Trao quà cho đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động truyền thông về công tác trẻ emTập huấn bảo vệ trẻ em trong cộng đồng

leftcenterrightdel
 Trang bị kỹ năng, kiến thức, sự nhanh nhạy cho trẻ em để giúp trẻ kịp thời tự xử lý sớm các tình huống bất ổn

Ngăn ngừa kịp thời trẻ bị bạo hành

Tổng đài 111 là Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em thường trực 24/24h, hoàn toàn miễn phí. Ông Nguyễn Công Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn dịch vụ truyền thông, Cục Trẻ em cho biết, Tổng đài 111 có chức năng như một đường dây nóng tiếp nhận các thông tin thông báo, tố cáo, tố giác về các nguy cơ cũng như trường hợp trẻ em bị xâm hại và tư vấn, hỗ trợ cho trẻ em, những người chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp, cũng như tư vấn tâm lý, pháp luật, chính sách liên quan. Khi cần tư vấn hoặc thấy các nguy cơ, hành vi xâm hại: bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc... trẻ em, chỉ cần bấm gọi số 111 để được hỗ trợ giải quyết, tránh để xảy ra sự việc đáng tiếc hoặc đi quá tầm kiểm soát.

Năm 2022, Tổng đài 111 hỗ trợ, can thiệp 888 ca bạo lực trẻ em, chiếm 56,89% tổng số ca hỗ trợ, can thiệp. Đây là năm có số ca hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị bạo lực cao nhất trong 18 năm hoạt động của Tổng đài. Trong đó, tỷ lệ trẻ em bị bạo lực trong gia đình là cao nhất, chiếm 77,93%; trẻ em bị bạo lực ngoài cộng đồng chiếm 13,85% và trẻ em bị bạo lực trong nhà trường chiếm 8,22%.Trong 6 tháng đầu năm 2023, Tổng đài 111 đã tiếp nhận 178.939 cuộc gọi đến, 576 lượt tiếp nhận qua App và Zalo. Trong đó, có 9.988 cuộc gọi tư vấn, 540 ca can thiệp, hỗ trợ.

leftcenterrightdel
 Yêu thương, chăm sóc, sát cánh cùng trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội

Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người tiếp nhận và tư vấn 741 cuộc gọi, chuyển tuyến 25 ca để hỗ trợ cho 28 nạn nhân của mua bán người. Về số ca hỗ trợ, can thiệp cho nhóm trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực chiếm tỷ lệ cao nhất, chiếm 58% trong tổng số ca hỗ trợ, can thiệp của Tổng đài. Trẻ em bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất (68,2%), trong đó nhiều trẻ em bị bố hoặc mẹ bạo hành nhưng không phải do các em phạm lỗi mà nguyên nhân chính xuất phát từ việc bố mẹ có mâu thuẫn, xích mích, hôn nhân gia đình đang trong thời kỳ đổ vỡ, khiến tâm lý các thành viên căng thẳng, dễ gây ra các xung đột và trẻ em chính là nạn nhân của bạo lực gia đình. Về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cũng được Tổng đài 111 tiếp nhận tư vấn 168 cuộc gọi và can thiệp 7 trường hợp liên quan đến việc trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng.

Dịch vụ hỗ trợ đắc lực cần phổ cập sâu rộng

Bên cạnh việc tiếp nhận thông tin, tư vấn và hỗ trợ cho trẻ em qua điện thoại, năm 2022 và 2023, Tổng đài 111 tiếp tục triển khai mô hình hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em trong tình trạng khẩn cấp. Năm 2022 và quý 1 năm 2023, Tổng đài 111 thực hiện hỗ trợ khẩn cấp 20 ca trẻ em bị xâm hại với. Trong đó, có 9 trẻ em bị xâm hại tình dục (chiếm 45%) và 11 trẻ em bị bạo lực (chiếm 55%), ở các địa phương: Hà Nội, Kiên Giang, An Giang, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Bình Phước, Đồng Tháp, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Hải Dương, Đồng Nai, Long An, Quảng Ngãi.

Qua 19 năm hoạt động, Tổng đài 111 đã tiếp nhận 5.414.970 cuộc gọi đến. Trong đó, đã tư vấn 471.224 cuộc gọi và hỗ trợ, can thiệp cho 9.702 ca trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán, bị bóc lột, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và vi phạm quyền trẻ em. Qua đánh giá, các ca tư vấn liên quan đến xâm hại, bạo lực trẻ em và tư vấn liên quan đến pháp luật tăng mạnh trong những năm gần đây.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ tại một diễn đàn về bảo vệ trẻ em, bạo lực trẻ em trong gia đình đang rất đáng quan ngại, chiếm tới hơn 77% số vụ bạo lực nói chung. Đặc biệt, xuất hiện xu hướng mới là trẻ em bị xâm hại qua môi trường mạng và thông qua môi trường mạng. Qua ghi nhận, tỷ lệ Tổng đài 111 tiến hành các biện pháp can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại qua môi trường mạng không ngừng tăng lên, chiếm khoảng hơn 26%. Ông Đặng Hoa Nam cũng rất tiếc vì giá như những vụ bạo hành trẻ em thương tâm vừa qua nếu được kết nối kịp thời đến Tổng đài 111 qua cuộc gọi, qua App hay Zalo thì sự việc có thể sẽ khác đi.

Để tiếp tục là địa chỉ đáng tin cậy của xã hội nhằm bảo vệ trẻ em một cách tốt nhất, Tổng đài 111 tích cực phối hợp liên ngành, tăng cường hoạt động của mạng lưới kết nối và phát huy vai trò của tổ tư vấn pháp luật của Tổng đài trong nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ qua điện thoại và đi đến địa phương hỗ trợ cho trẻ em trong tình huống khẩn cấp do bị xâm hại tình dục và bạo lực nghiêm trọng. Tâm lý trẻ em ngày càng bị tác động bởi nhiều yếu tố và môi trường mạng cũng được xếp vào nguyên nhân chính yếu. Vì thế, Tổng đài 111 sẽ tăng cường hoạt động đánh giá và trị liệu tâm lý cho trẻ em tại các trung tâm vùng của Tổng đài 111, đồng thời đánh giá và trị liệu tâm lý từ xa giữa Tổng đài 111 và các trung tâm công tác xã hội, bảo trợ xã hội. Dịch vụ này sẽ tiếp tục phát triển các kênh tiếp nhận thông tin thông báo, tố giác của người dân về các hành vi, nguy cơ xâm hại trẻ em trực tuyến; xây dựng mô hình bảo vệ trẻ em khu vực biên giới...

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Danh sách bình luận (1)
NK
Nguyễn Khánh - 01/10/2024 10:33
Gọi tổng đài không được

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,01%

Đây là mục tiêu được nêu ra tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống HIV/AIDS năm 2024, phương hướng hoạt động năm 2025 do Sở Y tế tổ chức chiều 17/12. Tham dự có đại diện các đơn vị y tế, các cơ quan ban ngành.

Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,01

TIN MỚI

Return to top