|
Cây bàng tại Trường THCS thị trấn Phú Lộc được công nhận là cây di sản Việt Nam |
Trong giờ chào cờ, các thầy cô giáo Trường THCS thị trấn Phú Lộc lại chia sẻ về chủ đề liên quan đến cây di sản. Từ ngày cây bàng cổ thụ trong trường được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam (đầu năm 2024), các nội dung về bảo tồn và phát huy giá trị cây di sản càng được lan tỏa đến học sinh.
Minh Khang, học sinh Trường THCS thị trấn Phú Lộc chia sẻ: “Từ năm lớp 6, ấn tượng đầu tiên của em là cây bàng. Em thắc mắc vì sao cây bàng lại to đến thế và trồng khi nào. Hỏi mọi người xung quanh thì em được biết đã trồng lâu lắm rồi, cũng hơn 100 năm, là một chứng nhân lịch sử. Khi cây bàng được công nhận cây di sản, được các thầy cô trong nhà trường nhắc nhở, chúng em hiểu rằng, mỗi học sinh của trường cũng cần tiếp tục chung tay bảo vệ cây bàng để cùng phát huy những truyền thống và văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam”.
Bảo tồn và phát huy giá trị cây di sản là vấn đề rất được quan tâm, nhất là ở vùng đất di sản văn hóa như Thừa Thiên Huế. Tại tỉnh nhà, từ năm 2010 đến nay đã có 3 cây được công nhận là cây di sản, bao gồm cây thị trên 300 tuổi ở Thủy Xuân, cây thị hơn 500 tuổi ở làng cổ Phước Tích và cây đa Đá Bạc ở huyện Phú Lộc. Đến đầu năm 2024 này, cây bàng cổ thụ tại Trường THCS thị trấn Phú Lộc là cây thứ 4 đứng trong danh mục này.
Cây bàng mọc này lên từ chỗ là một vùng đất trống, ngày nay là khuôn viên của Trường THCS thị trấn Phú Lộc. Hình ảnh mái trường với cây bàng cổ thụ đã trở nên thân thuộc với bao thế hệ thầy và trò nơi đây. Nhận thấy được những giá trị đặc biệt của cây bàng cổ thụ, năm 2023, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc đã làm hồ sơ trình Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. Qua nhiều đợt khảo sát, cây bàng cổ thụ này đã chính thức được công nhận là cây di sản Việt Nam. Cây có đường kính 1,4m, chu vi thân 4,49m, có hệ thống rễ to, dài chạy nổi trên mặt đất.
Ông Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc cho biết, việc chăm sóc và bảo vệ cây di sản vốn đã được nhà trường quan tâm lâu nay. Khi cây bàng được công nhận cây di sản, việc lan tỏa giá trị càng phải được chú trọng hơn. Thông qua buổi chào cờ hằng tuần, nhà trường chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến bảo tồn cây di sản, hướng dẫn và yêu cầu học sinh tìm hiểu về cây di sản trên mạng internet để bảo vệ và tôn vinh; nhắc nhở học sinh không nên có hành động tinh nghịch, leo trèo, bẻ phá cây. Bên cạnh đó, nhà trường cũng bố trí lực lượng để đảm bảo việc tưới cây, chăm sóc, cắt tỉa cành cây khô và bón phân định kỳ.
Theo PGS. TS. Lê Văn Thăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, việc cây bàng trong Trường THCS thị trấn Phú Lộc được công nhận cây di sản Việt Nam là niềm vinh dự và tự hào của địa phương, thầy và trò nhà trường. Sự công nhận này cũng nhằm tôn vinh giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, góp phần xây dựng ý thức bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi người trong công tác bảo vệ, chăm sóc cây di sản, góp phần vào công tác bảo tồn thiên nhiên. Việc gìn giữ, phát huy giá trị cây di sản không chỉ thể hiện đạo lý nhân văn, mà còn giáo dục thế hệ trẻ biết trân quý những giá trị lịch sử. Do đó, công tác bảo tồn và lan tỏa giá trị cây di sản là việc rất quan trọng.
Hiện nay, việc lan tỏa giá trị di sản trong trường học được các trường quan tâm và bảo tồn, lan tỏa giá trị cây di sản cũng không ngoại lệ. Có nhiều hình thức để giáo dục và lan tỏa giá trị cây di sản trong trường học, trong đó có các cuộc thi tìm hiểu về cây di sản, các cuộc thi viết về cây di sản - lan tỏa ý tưởng xanh. Tổ chức được các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các chương trình để học sinh đặt mình vào vai trò người bảo tồn cây di sản, chắc chắn sẽ lan tỏa được những giá trị tốt đẹp, đó cũng là cách mà thầy và trò Trường THCS thị trấn Phú Lộc quan tâm để áp dụng trong thời gian tới.