ClockThứ Hai, 23/12/2019 14:38

Bảo vệ môi trường từ những việc thiết thực

TTH - Làm sản phẩm từ đồ tái chế, gây quỹ từ rác, chăm sóc cây xanh… là cách các đơn vị Đoàn khối trường học tuyên truyền, giáo dục học sinh bảo vệ môi trường.

Bảo vệ động vật hoang dãKhông đánh đổi môi trường

Học sinh Trường THCS Thống Nhất (TP. Huế) làm túi giấy để hạn chế sử dụng túi ni lông nhằm bảo vệ môi trường

Nhiều cách làm

Bình hoa sen xinh xắn đặt trang trọng trên bàn giáo viên của lớp 11 B1, Trường THPT Phong Điền (huyện Phong Điền) được làm bằng đồ tái chế. Các em học sinh sử dụng những que kem gắn lại với nhau bằng keo, sau đó dùng dây thừng xơ dừa quấn vòng quanh và điểm thêm bằng những chiếc nơ nhỏ xinh bằng dây ruy băng. Trong khi đó, các học sinh lớp 12B lại dùng những chai nhựa đã qua sử dụng tự làm cho lớp mình một thùng rác cũng khá đơn giản và tiện dụng.

Thầy Võ Văn Chương, Bí thư Đoàn Trường THPT Phong Điền cho biết, Đoàn trường đã phát động và khuyến khích học sinh tận dụng những vật liệu đã qua sử dụng để tái chế những sản phẩm phục vụ học tập cũng như trong sinh hoạt. Ngoài thùng rác và giỏ hoa, nhiều chi đoàn còn làm đèn lồng, đèn ngủ, bẫy chuột... "Vừa qua, trường có 4 sản phẩm tham dự cuộc thi "Tái chế từ nhựa phế liệu" do Tỉnh đoàn tổ chức thì có 3 sản phẩm đoạt giải", thầy Chương cho biết.

 Đoàn Trường THPT Phong Điền còn có nhiều cách làm hay, ý nghĩa để bảo vệ môi trường. Đó là, thành lập câu lạc bộ (CLB) “Thanh niên Phong Điền vì cuộc sống cộng đồng”. Sau mỗi buổi học hàng ngày, các thành viên trong CLB lại thu gom rác thải nhựa, giấy vụn từ các lớp học rồi tập kết vào kho. Mỗi năm hai lần, vào dịp Tết Nguyên đán và tổng kết năm học, Đoàn trường đem phế liệu thu gom được bán để lấy tiền mua quà tặng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Từ mô hình này, trung bình mỗi năm CLB thu được 3 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng lại có tác dụng giáo dục lớn về ý thức bảo vệ môi trường ngay trong trường học; thương yêu đùm bọc nhau trong các em học sinh. “Vừa hạn chế được tình trạng vứt rác bừa bộn ở  hộc bàn, góc lớp, vườn cây... để làm sạch đẹp cảnh quan trường học, vừa gây được quỹ nên chúng em tích cực thực hiện”, em Nguyễn Thục Đan, thành viên CLB chia sẻ.  

Để xây dựng tính tự giác và trách nhiệm cho các em học sinh, ngay từ đầu năm học Đoàn Trường THPT Hà Trung (Phú Vang) phát động phong trào trong ĐVTN và giao mỗi chi đoàn khối 10 đảm nhận chăm sóc một khu vực cây xanh trong trường và chịu trách nhiệm thực hiện công trình của mình suốt 3 năm học. Từ đó, mỗi chi đoàn lại sáng tạo ra một cách làm khác nhau như tận dụng lốp xe cũ để làm bồn hoa, có lớp lại tái chế vỏ lon bia kết lại trang trí gốc cây khuôn viên mình đảm nhận thêm sạch đẹp. Để tiên phong, Chi đoàn giáo viên Trường THPT Hà Trung đã đảm nhận công trình cổng trường sạch đẹp, ra quân làm bồn hoa hai bên cổng trường và duy trì chăm sóc hàng tuần.

Lan tỏa thông điệp

“Nói không với túi ni lông sử dụng một lần", ĐVTN học sinh Trường THPT Đặng Huy Trứ (thị xã Hương Trà) đã làm nên những túi giấy ngộ nghĩnh thay thế. Ngoài việc sử dụng cho bản thân, số lượng túi giấy làm ra còn được học sinh dành tặng bạn bè, người thân. Đồng thời, Đoàn trường còn phối hợp với các xã đoàn gửi tặng tiểu thương các chợ túi giấy, thông qua đó tuyên truyền người bán và khách hàng về việc hạn chế sử dụng túi ni lông để bảo vệ môi trường.

Em Hoàng Tú Lan Hương, học sinh lớp 12B7, Trường THPT Đặng Huy Trứ, bộc bạch: “Thay vì dùng túi ni lông, bây giờ trong cặp em luôn có túi giấy để đựng bài kiểm tra, các vật dụng hay tài liệu cần cho việc học. Trong cuộc sống hằng ngày, em cũng thay thế túi ni lông bằng túi giấy và không quên chia sẻ với người thân trong gia đình. Bây giờ, khi đi chợ, mẹ em luôn có vài cái túi giấy mang theo để đựng đồ khô như tỏi, hành, gia vị”.

Cô giáo Trần Thị Thùy Dương, Bí thư Đoàn Trường THPT Đặng Huy Trứ, chia sẻ: "Nếu chỉ tuyên truyền đơn thuần, rất khó để học sinh tự giác làm theo. Vậy nên, trường phát động chương trình sử dụng túi giấy do chính các em làm ra, vẽ lên những hình ảnh theo sở thích. Khi được làm điều mình thích, học sinh sẽ hứng thú hơn, cùng nhau lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường".

Vừa giáo dục học sinh vừa lan tỏa thông điệp hạn chế túi ni lông trong cộng đồng, Đoàn Trường THCS Thống Nhất (TP. Huế) đã phát động chương trình làm túi đựng bằng giấy trong học sinh. Toàn bộ 500 túi giấy làm được các em mang đi tặng cho các tiểu thương chợ Đông Ba kèm theo những gửi gắm cùng chung tay bảo vệ môi trường.

Đảm nhận các công trình, phần việc bảo vệ môi trường là điểm nổi bật khi nói về phong trào đoàn của nhiều chi đoàn khối trường học trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó, các đơn vị Đoàn trường học đã và đang giúp học sinh có ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo trong học tập và hoạt động xã hội một cách phù hợp, hiệu quả.

Bài, ảnh: TUẤN KHOA

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

UNCTAD: Cần chiến lược bền vững để giảm thiểu tác động môi trường của nền kinh tế kỹ thuật số

Mới đây, Cơ quan Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD) đã công bố báo cáo cho thấy tác động đáng kể đến môi trường của lĩnh vực kỹ thuật số toàn cầu và gánh nặng không cân xứng mà các nước đang phát triển phải gánh chịu. Báo cáo nhấn mạnh rằng, trong khi số hóa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và mang lại những cơ hội đặc biệt cho các nước đang phát triển thì hậu quả về môi trường của nó ngày càng trở nên nghiêm trọng. Đáng lưu ý, các nước đang phát triển vẫn bị ảnh hưởng không đồng đều cả về kinh tế và sinh thái do sự phân chia về phát triển và kỹ thuật số hiện có.

UNCTAD Cần chiến lược bền vững để giảm thiểu tác động môi trường của nền kinh tế kỹ thuật số
Chung tay bảo vệ động vật hoang dã

Ngày 19/7, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ, tổ chức truyền thông phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) cho các cơ sở gây nuôi ĐVHD.

Chung tay bảo vệ động vật hoang dã
Khi bảo vệ môi trường thành thói quen

Ý thức được trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn môi trường sống xanh - sạch - đẹp, các cấp hội phụ nữ huyện Quảng Điền đã xây dựng nhiều cách làm ý nghĩa, thiết thực, mang lại hiệu quả cao.

Khi bảo vệ môi trường thành thói quen
Chuyển biến môi trường nông thôn mới

“Ngày Chủ nhật xanh” trở thành phong trào xuyên suốt trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh. Phong trào này đang ngày một lan tỏa, làm chuyển biến nhận thức người dân trong bảo vệ môi trường khu dân cư, đồng ruộng gắn với xây dựng đô thị văn minh.

Chuyển biến môi trường nông thôn mới
Phải được chấn chỉnh

Người xưa có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, ý khuyên mọi người phải ý tứ, phải biết học cách hành xử lịch sự, văn hóa, phải đạo với từng hành vi trong cuộc sống.

Phải được chấn chỉnh

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top