|
|
Đồ jean cũ được “sống lại” trong hình dáng chiếc túi xách xinh xắn |
Thỏa sức sáng tạo
Những chiếc quần jean đã cũ tưởng chừng sẽ bỏ đi, nay được “sống lại” trong hình dạng của những chiếc túi xách thời trang, những chiếc kẹp nơ xinh xắn có một không hai. Đây là ý tưởng của Nguyễn Yến Nhi, sinh viên Trường đại học (ĐH) Nghệ thuật, ĐH Huế với mong muốn tạo nên những bộ sưu tập phụ kiện độc lạ chỉ riêng mình mới có. Thay vì để những chiếc quần jean cũ rơi vào quên lãng, Yến Nhi đã mày mò may vá để tái chế chúng thành những sản phẩm sáng tạo và hữu ích, góp phần bảo vệ môi trường.
Yến Nhi chia sẻ: “Bản thân mình là người rất chuộng những món đồ quần áo làm bằng vải jean, vì tính tiện dụng của nó. Việc phải bỏ đi những chiếc áo hay quần jean đã cũ, lỗi thời không mặc nữa khiến mình thấy rất tiếc. Từ đó, mình đã suy nghĩ tại sao không biến hóa chúng thành những đồ vật với mục đích sử dụng khác, lại có thể hạn chế được rác thải ra môi trường”.
|
|
Những sản phẩm thủ công được tái chế từ đồ jean cũ |
Đối với Yến Nhi, để cắt ghép một chiếc túi từ cạp quần sẽ lâu hơn rất nhiều cắt từ tấm vải nguyên hay chiếc quần nguyên vẹn. Vậy nhưng bên cạnh sự thử thách bản thân trong sáng tạo, việc không còn phần vải tốt nào bị bỏ đi khiến cô cảm thấy rất vui và hạnh phúc.
Cũng giống như Yến Nhi, bạn Nguyễn Minh Trang (Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế) cũng có niềm đam mê với các bộ môn thủ công. Minh Trang chia sẻ rằng, mình bén duyên với tái chế đồ jean sau khi tham gia một chương trình tuyên truyền hạn chế rác thải thời trang. Ý thức được tác hại nghiêm trọng của rác thải thời trang, Minh Trang đã lên ý tưởng cũng như học hỏi thêm từ những clip trên mạng để có thể tái chế những món đồ cũ thành những chiếc túi, chiếc ví theo sở thích của riêng mình.
“Các sản phẩm thời trang được làm ra hoàn toàn do mình mày mò tự học và làm. Để tạo ra sản phẩm, mình phải đi gom nhiều loại đồ jean cũ, nhưng chất vải còn tốt từ người thân, bạn bè... Sau khi giặt sạch, mình sẽ chọn lọc những chi tiết trên những món đồ đó như túi, đai quần, lai quần để giữ lại. Phần này sẽ tạo nên điểm nhấn độc đáo cho sản phẩm của mình. Bước khó khăn nhưng lại khiến mình hứng thú nhất là lúc ghép các mảnh vải lại với nhau sao cho hài hòa và đẹp mắt”, Minh Trang bộc bạch.
Lan tỏa thông điệp vì môi trường
Theo PGS.TS. Hoàng Công Tín, Trưởng khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế, mỗi ngày trái đất phải tiếp nhận một khối lượng rác khổng lồ (khoảng 3,5 triệu tấn). Con số này sẽ không ngừng tăng theo cấp số nhân và chạm ngưỡng 11 triệu tấn/ngày vào cuối thế kỷ 21, đe dọa môi trường một cách nghiêm trọng. Ngoài ra, rác thải cũng chính là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt những tác động tiêu cực đến hệ sinh thái và sức khỏe của con người.
Ý thức được những tác hại của rác thải thời trang đối với môi trường, Yến Nhi, Minh Trang cùng rất nhiều bạn trẻ khác yêu thích tái chế đồ jean còn muốn lan tỏa những thông điệp và việc làm tích cực đến nhiều người khác. Không chỉ dừng lại ở việc tái chế phụ kiện từ đồ jean cũ, 2 cô gái trẻ còn quay lại các clip hướng dẫn may balo, túi xách, buộc tóc,… cho những bạn trẻ khác cùng học hỏi làm theo.
“Có người nói tái chế là góp phần bảo vệ môi trường, nhưng mình nghĩ không hoàn toàn vậy. Bởi bất kỳ quá trình sản xuất và tiêu dùng nào cũng ảnh hưởng đến môi trường, kể cả tái chế. Nhưng con người không thể ngừng sản xuất và tiêu dùng. Mình theo đuổi công việc tái chế - công việc mình yêu thích vẫn với mong muốn là góp phần nhỏ bé vào việc cải thiện môi trường và cả vì đam mê, cảm xúc bản thân nữa”, Yến Nhi chia sẻ.