ClockThứ Hai, 03/04/2023 12:42

Bùi bùi xôi đậu đen!

Bữa sáng ăn gì chỉ với năm ngàn đồng? Câu trả lời là xôi đậu đen! Có lẽ, chỉ ở Huế bạn mới tìm được món ăn với giá “hạt dẻ” mà lại ngon lành như vậy. Rẻ mà bổ dưỡng và chắc bụng. Xôi Huế nói chung và xôi đậu đen nói riêng tuy không nổi tiếng như bún bò, cơm hến, bánh nậm lọc…, nhưng vẫn được người dân và du khách ưa chuộng bởi sự mộc mạc, dân dã và “dễ tính”. Từ hạt nếp tròn trịa, người phụ nữ Cố đô đã biến tấu ra nhiều món ăn kết hợp các nguyên liệu sẵn có từ thiên nhiên: xôi đậu xanh, xôi đậu đen, xôi đậu phộng, xôi bắp, xôi vò, xôi gấc, xôi vịt, xôi gà… Chỉ riêng xôi với đậu, không cần thêm nước cốt dừa, lá dứa… cầu kỳ cũng đã đủ cuốn hút rồi.

Trong họ hàng nhà xôi đậu, tôi thích nhất là xôi đậu đen, tất nhiên xôi đậu xanh bùi thơm, xôi bắp mềm mại hay xôi đậu phộng ăn vui miệng cũng có cái ngon riêng, nhưng vì mẹ tôi thường mua xôi đậu đen về ăn sáng hay nấu vào mỗi dịp kỵ, chạp nên tôi ăn quen miệng từ nhỏ, rồi ghiền lúc nào không hay.

Xôi đậu đen là sự kết hợp hài hòa giữa sự mềm dẻo, ngọt thanh của hạt nếp và bùi bùi, “xam xáp” của đậu đen. Xôi là món ăn nhanh gọn nên cách ăn cũng rất “đường phố”, chỉ đơn giản là dùng kèm với muối đậu phộng, có thể bỏ thêm đường nếu bạn hảo ngọt. Tôi thường dùng tay nắn xôi lại thành một viên dài để nếp và đậu đen quyện chặt vào nhau, xôi càng thêm dẻo. Xôi đậu không quá đậm đà như xôi mặn với hằng sa số lạp xưởng, thịt quay, xúc xích, dăm bông, nước sốt... nên dễ ăn và lâu ngán, lại thích hợp cho những ngày cuối tháng cháy ví.

Cách nấu xôi khá đơn giản, chỉ cần để ý và đặt cái tâm, cái “tình”vào một chút. Khâu lựa chọn nguyên liệu là quan trọng nhất: hạt nếp phải có độ bóng, tròn trịa, thơm nhẹ; đậu đen nên chọn loại có vỏ mỏng và màu sắc đẹp mắt. Đậu được ngâm qua đêm rồi đem luộc, nếp vò sạch rồi trộn lẫn và cho vào nồi nấu. Tỷ lệ ba phần xôi, một phần đậu là hợp lý vì quá nhiều đậu món ăn sẽ mất cân bằng vị và màu sắc không đẹp; trong khi nấu thỉnh thoảng mở nắp nồi xóc để xôi chín đều. Xôi nấu bằng than củi hay nồi cơm điện đều ngon, nhưng tôi vẫn thích phương pháp truyền thống hơn, xôi sẽ dậy hương thơm đặc trưng và có lớp cháy giòn giòn, cưng cứng ở đáy nồi, ăn còn thích hơn phần xôi mềm mại bên trên.

Gánh xôi đậu là một phần êm dịu của tuổi thơ tôi, bao nhiêu năm vẫn con đường, góc phố, nụ cười đon đả và đôi tay thoăn thoắt đấy. Chiếc mẹt của dì bán hàng rong buổi sáng với đủ đầy xôi bắp, xôi đậu, bắp trái, sắn, khoai... nóng hôi hổi và thơm phưng phức. Dì bán rẻ lắm, muối mè, đậu phộng rắc kèm dì cũng thường bỏ nhiều hơn hàng khác vì sợ khách ăn nửa chừng mà thiếu thì xôi mất ngon. Mẻ xôi nóng bốc khói nghi ngút như mời gọi khách đi đường, màu đen của đậu thấm đẫm vào nếp đỏ hồng hút mắt!

Lại nhớ thời còn học cấp ba, giờ ra chơi buổi sớm, mấy đứa chúng tôi thường chạy ra cổng sau, chuồi những đồng tiền lẻ mẹ cho qua khe cổng để lấy những gói xôi còn nóng hôi hổi. Ngày nào lười thì có đứa xung phong đi xuống mua và “phân phối” lại cho cả lớp. Bầy học trò líu ríu như bầy ong vỡ tổ, cầm những gói xôi trên tay với vẻ mặt đầy tinh nghịch và vui thích.

Thục Đan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những quân cờ

Tối cuối tuần, chị đến nhà người chị họ thăm hai đứa cháu nhỏ. Bé trai vừa thấy chị đã khoe ngay bộ cờ vua mẹ mới mua cho.

Những quân cờ
Thương

Ông bà cưới nhau đã hơn 60 năm, nắm tay nhau đi qua một kiếp người đằng đẵng, cùng nhau khai phá vùng đất mới, trồng khoai, sắn, cây ăn quả, nuôi heo...

Thương
Mẹ Hà...

Chị Trần Thị Hà là tiểu thương buôn bán nhỏ tại Hói Dừa, thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc), sớm bỏ học để mưu sinh.

Mẹ Hà
Cái lạnh của Huế

Đêm, tiếng mưa rơi đều đặn và êm ái khiến tôi nhẹ nhàng chìm sâu vào giấc ngủ.

Cái lạnh của Huế
Hương ruốc

Xoong canh bí đao nấu với tôm tươi sắp sửa sôi sùng sục trên bếp.

Hương ruốc
Return to top