ClockThứ Hai, 17/01/2022 16:29

Cái lạnh của Huế

Đêm, tiếng mưa rơi đều đặn và êm ái khiến tôi nhẹ nhàng chìm sâu vào giấc ngủ. Sáng hôm sau thức dậy, thấy sống mũi hơi cay và nhưng nhức, hôm qua quên không đóng cửa sổ nên những ngọn gió đông được thể len lỏi vào căn phòng, chiếc chăn mỏng manh không đủ khiến tôi ấm áp.

Hình như có thứ gì đó đang động đậy. Tôi tò mò lật tấm chăn lên, chú mèo ú giật mình thức giấc, tròn xoe đôi mắt, vươn vai khởi động sau một đêm dài nằm cuộn tròn dưới chân tôi. Bé mèo chạy đến để tôi ôm vào lòng, chiếc máy sưởi 38 độ, lại lắm lông và biết làm trò.

Mùa lạnh ở Huế có lẽ không được nhiều người cảm mến, nó ướt át và có phần phiền toái, nhưng không hiểu sao, tôi vẫn luôn dành cho khoảng thời gian này một tình cảm trân trọng đặc biệt. Mùa xuân tươi trẻ, mùa hạ căng tràn sức sống, mùa thu hiền hòa và dịu êm, mùa đông trầm lắng cũng là mùa để trở về.

Nhớ mấy năm trước, những ngày từ Sài Gòn về quê ăn tết, đúng dịp đông về, bước xuống sân bay Phú Bài, tôi như đi đến một thế giới khác. Đã quen với nắng ấm và tiết trời “dễ tính” của Sài Gòn, cái lạnh ẩm và tê buốt của Huế khiến tôi bị “sốc nhiệt”, phải mất hơn một tuần tôi mới dần quen thuộc. Mẹ tôi chu đáo, luôn dặn dò tôi mặc sẵn chiếc áo len khi ở trên máy bay, như một hành trang cần thiết của những người con xa xứ trở về Cố đô.

Cái lạnh của Huế se sắt, tưởng như thấm vào da thịt, lạnh từ trong xương tủy, cảm giác như mặc bao nhiêu lớp áo khí lạnh vẫn phảng phất từ bên trong. Dù những bận mưa dầm dã và thê lương đã chìm dần vào trong quá khứ, nhưng mùa đông xứ Huế vẫn khiến lòng người bâng khuâng, xao xuyến.

Đông đến, Cố đô thay chiếc áo mới trầm mặc và sâu sắc hơn. Những mảng tường phủ rêu phong dần chuyển sang sắc tối, những chiếc lá ngày nào còn xanh tươi nay dần ngả màu nâu tím, những cơn mưa trắng xóa, màu nước lũ nặng phù sa của sông Hương. Những ngày trời lạnh sâu và tạnh ráo, với một làn sương mù thơ mộng bao phủ quanh thành phố, cảm giác như đang đi giữa phố núi Đà Lạt.

Ngày tôi còn là cô học trò 16, 17 tuổi đứng dưới mái hiên Quốc Học lất phất mưa những buổi tan trường, hơi lạnh thấm vào chiếc áo dài khiến tôi run lên khe khẽ. Tôi ngắm những giọt nước long lanh đọng trên kẽ lá, những dòng xe chậm rãi đi qua với trang phục mùa đông muôn màu muôn vẻ bừng sáng cả không gian. Những cô thiếu nữ tay nắm chặt tà áo, đạp xe tan trường như những cánh bướm trắng bay trong mưa, đôi ba cậu học trò tinh nghịch nhất quyết đội mưa về nhà để chứng tỏ sức vóc người đàn ông mới lớn.

Trời lạnh thế này, thích nhất là được ăn những mẻ bánh nóng giòn mới ra lò, ấm cái bụng và ấm con mắt. Thời đi học, tôi thường cùng bạn bè đến những quán bánh chuối, bánh lọc chiên, bánh ram… cạnh trường, vừa được ăn ngon vừa được sưởi ấm. Tôi thường đùa rằng, trời trở lạnh không ai sướng bằng mấy o hàng nướng, hàng chiên, hàng bún,…; bao nhiêu lớp áo dày cũng không bằng cái lò than nóng hôi hổi và đỏ rực. Chúng tôi ngồi dưới những tấm bạt, chốc chốc đầy ứ nước lại đổ xuống ào ào, vừa ăn vừa thắc thỏm, dịch chiếc ghế tới lui tìm một vị trí “an toàn” để yên tâm thưởng thức. Thế mà lại vui, những khoảnh khắc “vất vả” sau này lại trở thành những ký ức chẳng thể phai mờ.

Nhưng mùa lạnh không phải là niềm vui cho những con người đang nặng gánh mưu sinh giữa đất trời. Những mệ già ngồi bán rau, bán chuối, bán khoai,… hai bên cầu An Cựu, các mệ không có vốn để thuê sạp trong chợ nên dù tuổi đã “sang đông”, những tấm lưng đã còng vẫn ngày ngày đội gió đội sương kiếm sống. Một chiếc áo mưa, một chiếc nón, dăm chiếc rổ, và một mệ già…

Thục Đan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế

Hội thảo khoa học "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế" do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức chiều 22/11 tại TP. Huế. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

Hơn 100 hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên đã được giới thiệu, công bố đến công chúng tại triển lãm chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”, khai mạc sáng 15/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (7 Lê Lợi, TP. Huế).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam
“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc

Tập tùy bút, ghi chép “Trước nhà có cây hoàng mai: Những ghi chép về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa” (NXB Phụ Nữ Việt Nam) đã được tác giả - nhà báo Minh Tự giới thiệu đến công chúng, những người yêu sách tại Phố sách Hà Nội (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc
Return to top