Đua ghe ở Phong Hải
Tung hô
Ngày ngày theo cha xuôi theo con nước, anh Võ T. ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải (Phong Điền) đã “bén duyên” với nghề biển từ thuở nhỏ. Thuở hàn vi hầu như cả làng chỉ có vài chiếc thuyền gắn máy, còn phần nhiều đều phải chèo bằng tay. Từ những năm 1990 về sau này khi hầu hết các thuyền đều gắn máy thì anh T. vẫn “thủy chung” với chèo tay. Hằng ngày vượt vài hải lý, ngược xuôi trên biển không chỉ giúp anh T. có được sức khỏe dẻo dai mà chèo còn “điêu luyện”. Anh T. được làng “tiến cử” là một trong những tay chèo lái ghe đua vào các mùa lễ hội.
Khi nhắc đến chuyện chèo lái ghe đua, anh T. khiêm tốn: “Chèo như tui ăn thua chi. Bậc “sư phụ” chèo lái ghe đua phải kể đến ông Nguyễn Thảo ở Hải Thế. Chừ ông ấy lớn tuổi nên tui mới "nổi" đấy chứ! Hồi còn ông Thảo, cứ vào các lễ hội đua ghe của xã thì thôn Hải Thế khi mô cũng đạt giải cao.
Thật khó tả cảm xúc mỗi lần chiến thắng sau “ba vòng, sáu tráo”, ghe đua vừa cán đích bà con ùa đến vây quanh ôm chầm các tay đua, người chèo lái như anh T. còn được bồng nhồi lên cao. Cả đội đua được bà con ngợi ca “lên tận mây”, người quạt mát, người pha nước giải khát, người xoa bóp… Sướng hơn khi các “mạnh thường quân” cao giọng: thưởng nóng đội đua 3 triệu, 5 triệu, có người “cúng” đến 10 triệu, 20 triệu đồng… Riêng người chèo lái lúc nào cũng được “thưởng đậm”. Hai mùa giải đua ghe liên tiếp gần đây, anh T. được làng thưởng 1 chiếc xe máy và 30 triệu đồng. “Cứ mỗi lần chiến thắng, tiền thưởng của tui bằng nửa năm làm nghề đánh bắt vùng biển lộng”, anh T. khoe.
Theo anh T., người chèo lái không chỉ biết chèo mà còn có nhiệm vụ “cầm trịch” cho cả đội đua. Khi ghe đua đi ngược chiều gió, người chèo lái yêu cầu cả đội đua dồn về phía trước, như thế sẽ hạn chế gió cản, ghe mới đi nhanh hơn. Đua ghe hơn thua là cả quá trình đường trường nên không cần tranh nhau lúc xuất phát, rất dễ bị chìm do chen chúc, va chạm. Bởi vậy với những người chèo lái “khôn” thường tách ghe đua của đội mình ra xa các ghe khác, đảm bảo khoảng cách an toàn. Người chèo lái có tài “lộn vè rất siêu” thường cho ghe áp sát vè tạo lợi thế về khoảng cách với các ghe khác.
Thường hội đua ghe có ba giải: cúng, tiền, phá, trong đó giải phá được xác định là giải quan trọng nhất, mức thưởng cao nhất bằng hiện vật như bò, lợn và cờ danh dự. Mỗi đội đua phải có ít nhất hai tay chèo lái, tay chèo số 1 thường “cất kỹ” dành thể lực cho giải phá, hoặc trước đó có thể chèo giải cúng, còn giải tiền có người khác lo để dưỡng sức. Ngoài chèo giỏi thì ghe đua được thiết kế hợp lý, hay, dở cũng quyết định một phần quan trọng vào chiến thắng hay thất bại.
Nhưng không ít nỗi niềm
Ở các vùng quê sông nước, đua ghe không đơn thuần là lễ hội văn hóa truyền thống mà còn là sự hãnh diện, uy tín của thôn, xã mỗi khi chiến thắng. Vì vậy cứ mỗi lần thất bại, các thành viên đội đua, nhất là người chèo lái thường bị người dân dè bỉu, trách móc.
Vai trò của người chèo lái rất quan trọng
Cũng chính vì cố gắng có chiến thắng mang danh dự về cho làng, tránh sự chỉ trích của bà con mà có lần anh Nguyễn D. một tay chèo lái ở thôn Hải Thế suýt mất mạng. Anh D. chỉ là chèo lái “dự bị” (số 2), nhưng vì tay chèo lái số 1 đã chèo giải cúng thất bại, đến giải tiền anh D. được phân công chèo, song kết quả chẳng khả quan. Anh D. muốn “lấy công chuộc tội” bằng cách xin đội đua được chèo lái giải phá, trong khi thể lực bị bào mòn gần như cạn kiệt ở giải trước. Đến giải phá, do cố sức chèo nên mới chỉ qua nửa chặng đường, anh D. bị kiệt sức, phải đưa vào bờ cấp cứu.
Anh Trần H. ở thôn Hải Nhuận, xã Phong Hải ngoài 40 tuổi nhưng đã có hơn 5 năm cầm chèo lái ghe đua. Dù có nhiều kinh nghiệm trong “nghề” cầm chèo lái, cộng với sức bền của tuổi trẻ, song do nhiều yếu tố chủ quan, khách quan mà hầu như “nghề” cầm chèo lái của anh thường thất bại nhiều hơn chiến thắng.
“Mỗi lần thất bại cả đội đua buồn lắm, bụng dạ cứ bồn chồn. Đã thế bà con lại chẳng đoái hoài, quan tâm chăm sóc sau hành trình đua mệt mỏi. Chiến thắng thì được tổ chức tiệc tùng linh đình, khen thưởng hậu hĩnh, còn thất bại thì anh em đội đua khăn gói, lủi thủi ai mô về nhà nấy. Tui nghĩ đua ghe cũng như bao môn thể thao khác, chỉ là cuộc chơi, có thắng có thua, mong rằng những lúc thất bại đội đua đừng nản lòng, được mọi người đối xử bình thường”, anh H. trải lòng.
Có lần chèo giải phá bị thất bại, anh H. còn bị một số thanh niên tỏ ra bức xúc xông đến đòi ăn thua, rất may được những người lớn tuổi can ngăn kịp thời. Anh H. kể: “Cách đây mấy năm, đại diện của một thôn ở xã Hương Phong (TX Hương Trà) về “thuê” tui đến chèo lái cho đội đua tại một lễ hội đua ghe truyền thống, nhưng tui không dám nhận lời. Chiến thắng thì không sao, còn thất bại thì biết ăn nói sao với người ta”.
Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Phan Khánh cho rằng, lễ hội đua ghe truyền thống không thể thiếu đối với người dân các vùng ven biển, trong đó có Phong Hải. Cứ 2-3 năm, địa phương tổ chức lễ hội đua ghe một lần nhằm thắt chặt tình đoàn kết quê hương, cũng là dịp để quảng bá các sản phẩm, sản vật, văn hóa đặc trưng hướng đến phát triển du lịch biển. Các tay chèo, đặc biệt là người chèo lái đã tạo sức hút, làm nên thành công cho lễ hội. Dù có thắng, thua nhưng hầu như tình hình an ninh trật tự trong mùa lễ hội cơ bản ổn định, được kiểm soát, quản lý.
Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU